Hoạt động xuất nhập khẩu đường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Hanjin đệ đơn phá sản. Ảnh minh họa: Tuấn Nguyễn
Theo đó, các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu lớn như dệt may, da giày, thủy sản bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngay khi hãng tàu này đệ đơn phá sản, Bộ Công thương đã có văn bản khuyến cáo các hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động các phương án ứng phó.
Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam ở khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt là thị trường Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tiến độ giao hàng, cước vận tải biển tăng vọt.
Trước việc Hanjin đệ đơn phá sản, hàng loạt cảng biển trên thế giới đã từ chối đón tàu của Hanjin vì lo sợ không ai trả chi phí phục vụ tại cảng. Sự việc này lại xảy ra đúng vào thời điểm sôi động nhất năm của hoạt động vận tải biển toàn cầu trước mùa Giáng sinh. Được biết, khoảng 540.000 container hàng hóa đang bị mắc kẹt ngoài biển, gây thiệt hại nặng nề cho các chủ hàng, doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, Hanjin đang góp vốn liên doanh tại Cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép, một liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với ba hãng tàu bao gồm Mitsui O.S.K.Lines (Nhật Bản), Hanjin Shipping (Hàn Quốc), và Wanhai Shipping (Đài Loan). Trước đây, Hanjin Shipping có trên 20% vốn tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép, nhưng đã bán lại cho Hanjin Transportation.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ở thị trường Việt Nam hãng Hanjin chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa. Đại diện cảng Cái Mép cũng cho biết, đang làm việc với Hanjin để giải quyết các container tồn đọng, giúp khách hàng có thể rút được hàng hoá ra sớm nhất. Tuy nhiên khách hàng sẽ phải chấp nhận đội chi phí lên vì tình huống rủi ro này.
Tại miền Bắc, Hanjin là hãng tàu mới vào và chỉ chiếm thị phần nhỏ ở khu vực này. Theo lãnh đạo công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship), Hanjin chỉ mới vào cảng Green Port của Viconship được 3 - 4 tháng gần đây. Hanjin góp khoảng 3-5% doanh thu. Con số nợ của hãng tàu này tại Viconship hiện nay khoảng 1 - 2 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở khu vực phía Nam, nhất là tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều nhất từ Hanjin.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty Poongin Vina (Hàn Quốc - TX.Tân Uyên), hiện lô hàng công ty đã xuất đi hơn 200.000 sản phẩm đang lênh đênh trên biển và cũng không biết khi nào cập bến.
Hiện nhiều cảng biển trên thế giới đã không cho tàu của Hanjin cập cảng hoặc thu giữ tàu. Không chỉ vậy, số hàng chưa xuất được của công ty đang dội lên nhiều và để xuất hàng đi phải chuyển sang dùng dịch vụ của tàu khác, giá cước vận chuyển vì thế sẽ tăng lên…
Hiện, các hiệp hội xuất nhập khẩu đều khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát sao tình hình để kịp thời giao nhận hàng hóa, tránh các tổn thất phát sinh.
Theo Bloomberg, Samsung Electronics, nhà sản xuất thiết bị di động thông minh lớn nhất thế giới cho biết, hiện có tới 304 container chứa màn hình TV trị giá 24,4 triệu USD , đang được chở tới nhà máy của tập đoàn này tại Mexico trên những con tàu của Hanjin. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn