Công khai danh sách các dự án bất động sản thế chấp ngân hàng
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đều đăng công khai danh sách các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng nhằm công khai minh bạch thông tin hướng đến hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người tham gia giao dịch bất động sản.
Tuy nhiên, ngay sau đó nhiều chủ đầu tư đã lên tiếng góp ý rằng, nếu chỉ công bố ở thông tin thế chấp hay không thế chấp dễ khiến người dân hiểu lầm.
Vì thế, đơn vị công bố thông tin cần nắm bắt thông tin chính xác như: dự án thế chấp ở đâu, thế chấp như thế nào, bao nhiêu tiền, đã thực hiện nghĩa vụ đúng hay chưa… tránh đưa thông tin mập mờ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Việc công khai danh sách các dự án bất động sản này cũng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người mua nhà, các đơn vị phân phối trực tiếp bán các sản phẩm nhà ở cũng như các chủ đầu tư.
Năm 2016 nổi bật với việc một số chủ đầu tư lớn chuyển sang xây dựng nhà giá rẻ, điều này hứa hẹn một thị trường bất động sản cạnh tranh mạnh mẽ thời gian tới.
Gói 30.000 tỷ kết thúc, người dân thấp thỏm chờ gói mới
Tối đa đến ngày 31/12/2016 thì gói 30.000 tỷ chính thức khép lại.
Mặc dù đầu tháng 6/2016, người thu nhập thấp cả nước đón nhận tin vui khi Chính phủ có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100. Theo đó, các nhóm đối tượng được quy định trong Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi này.
Tuy nhiên, đến nay việc triển khai vẫn chỉ dừng lại ở một số văn bản hướng dẫn, còn yếu tố quan trọng nhất là nguồn vốn thì vẫn chưa có. Điều này đã khiến cho phân khúc nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội rơi vào cảnh trầm lắng. Có chủ đầu tư đã xây thô xong nhưng không dám mở bán. Hàng triệu người mua nhà băn khoăn, lo lắng và dài cổ chờ chính sách tín dụng ưu đãi mới.
Ngân hàng siết cho vay dự án bất động sản
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng với bất động sản, đặc biệt là đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng rà soát việc cấp tín dụng với một số chủ đầu tư lớn và tránh tập trung tín dụng để giảm thiểu rủi ro.
Riêng với những dự án đang tài trợ vốn, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá lại tình hình cho vay, giám sát chặt việc dùng vốn vay, tiến độ, tình hình tài chính , doanh thu và các nguồn trả nợ khác của khách để có biện pháp tăng cường quản lý rủi ro, đảm bảo thu hồi vay nợ đầy đủ, đúng hạn.
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đang phát triển lệch pha cung – cầu; nhà giá rẻ và nhà ở xã hội ít hơn phân khúc nhà cao cấp. Vì thế, đơn vị này cũng đã đề nghị ngân hàng hạn chế và thận trọng khi xem xét, thẩm định cho vay các dự án mới, đặc biệt là dự án nhà ở thương mại cao cấp, khu nghỉ dưỡng, dự án có khả năng thanh khoản thấp.
Xôn xao thông tin đánh thuế nhà thứ 2 trở đi
Thông tin đánh thuế bất động sản thứ 2 trở đi thu hút sự chú ý của dư luận, trong khi theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính) - ông Nguyễn Văn Phụng thì trong năm 2017 vẫn chưa áp dụng việc đánh thuế với căn nhà thứ 2.
Theo ông Phụng, đây mới chỉ là ý tưởng và sẽ cần thời gian để làm rõ. Hơn nữa, ở Việt Nam chưa có hệ thống thông tin liên thông toàn quốc về đăng ký sở hữu nhà đất. Do đó, việc áp dụng đánh thuế ngôi nhà thứ 2 cũng chưa thể thực hiện.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, hiện trong các Ủy ban của Quốc hội, xu thế muốn đánh thuế nhà thứ 2 đang dần dần phát triển, nhưng đến thời điểm nào đưa ra thì phải căn cứ vào tác động với thị trường.
Vì thế, năm 2017 sẽ tiếp tục đánh giá thêm, theo dõi thêm thị trườngvà có thể sẽ được thông qua vào tháng 5/2018.
Nhiều chủ đầu tư lớn đổ bộ vào phân khúc nhà giá rẻ
Tập đoàn Vingroup tuyên bố sẽ xây tới 300.000 căn hộ giá bình dân, dao động từ 13 – 19 triệu đồng/m2 trong 5 năm tới tại 7 đô thị lớn là: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Nha Trang khiến cả thị trường bất động sản bị “sốc”.
Cùng với đó, Tập đoàn Mường Thanh cũng công bố tung ra thị trường hàng ngàn căn hộ giá rẻ, giá từ 500-600 triệu đồng/căn ở khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 đang gây chú ý dư luận.
Trước động thái chuyển hướng sang phân khúc giá rẻ của Vingroup cũng như sự vào cuộc của một số chủ đầu tư khác sẽ hứa hẹn một cuộc đổ bộ và chạy đua giữa các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn để có thể mua một căn nhà mơ ước, phù hợp với thu nhập.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn