Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ tháng 2/2017 giá thịt lợn hơi xuất chuồng bắt đầu giảm mạnh, đến thời điểm tháng 3 và tháng 4/2017, giá giảm xuống mức 25.000 đồng/kg, thậm chí có những ngày giá còn xuống dưới mức 20.000 đồng/kg ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh phía Bắc. Giá lợn hơi thấp nhất trong 10 năm qua. Với mức giá 18.000-20.000 đồng/kg, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ nặng, mỗi con lợn có thể lỗ từ 1-1,5 triệu đồng.
Hiện vẫn còn tồn khoảng 1,5 triệu con lợn thịt
Số lượng lợn được tiêu thụ không tăng trong khi còn một số lượng lợn tương đối lớn tồn trong các trang trại, cơ sở chăn nuôi. Theo tổng hợp báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện còn một lượng lợn thịt có trọng lượng từ 100-150 kg/con.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn giảm mạnh khoảng 2 tháng nay đã khiến tổng thu của ngành chăn nuôi lợn giảm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Về số lợn hơi còn tồn, ông Vân cho biết: “Trong những ngày qua chúng ta đã giải quyết được khoảng 200.000-250.000 tấn lợn. Đến ngày hôm nay số lượng lợn còn lại khoảng 1,5 triệu con tương đương 200.000 tấn".
Theo ông, đây là kết quả rất tốt và kỳ vọng trong tháng 5 và 6 sẽ tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn nữa.
Đặc biệt, giá lợn hơi đã tăng lên ở tất cả các khu vực, có nơi mới chỉ 2.000 đồng/kg nhưng có nơi đã tăng từ 8.000- 9.000 đồng/kg. Đây là tính hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi để họ tiếp tục vững tâm, vừa rà soát lại các động lực phát triển và tiếp cận vấn đề thị trường để tiêu thụ tốt thịt lợn.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay các địa phương đã tham gia giải cứu tích cực, nhất là các vùng chăn nuôi trọng điểm.
Như tại Đồng Nai đã tổ chức 11 điểm thu mua lợn tập trung, tiêu thụ mỗi ngày khoảng vài nghìn con lợn, với giá khoảng 30.000-31.000 đồng/kg và bán sản phẩm thịt với mức giá ổn định trung bình từ 55.000-60.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, có doanh nghiệp cam kết tiêu thụ 7.000 tấn thịt, có doanh nghiệp đăng ký thu mua mỗi ngày 300 con.
Các địa phương như: Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng với một số địa phương khác như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam... tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, trong đó kết nối giữa người chăn nuôi, chủ các cơ sở, trang trại chăn nuôi với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức ngân hàng và các tác nhân liên quan trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ để triển khai giải pháp hỗ trợ về vốn, thị trường đầu ra…
Ông Vân cho biết, để giải quyết khủng hoảng thừa, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung vào 4 nội dung: Thứ nhất cần làm tốt công tác quản lý về số lượng cũng như về thông tin. Yêu cầu tất cả các tỉnh phải cập nhật thông tin hàng tuần, cảnh báo trên hệ thống mạng để tất cả người dân được biết và để cơ quan quản lý tính toán các phương án đáp ứng yêu cầu phát triển.
Mặt khác, rà soát tổng thể lại quy hoạch các tỉnh; tập trung phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất giảm giá thành sản phẩm; tăng cường hợp tác thanh tra kiểm tra đối với các sản phẩm đầu vào của chăn nuôi, rà soát lại văn bản pháp lý có liên quan trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn