Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm chăm lo sức khỏe, an toàn, tính mạng của người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhiều chính sách, việc làm vì mục tiêu đó đã được triển khai.
Tuy nhiên, theo ông Dung, Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó có nguyên nhân từ ý thức, kỷ luật lao động kém; kiến thức hạn chế về các nguy cơ mất an toàn từ công nghệ, thiết bị, hóa chất, nguyên vật liệu mới; chất lượng các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu…
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên trái): “Không vì kinh tế đánh đổi sức khỏe, tính mạng người lao động”. Ảnh: Anh Phúc.
“Chúng ta không vì mục tiêu kinh tế mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người lao động. Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe và tính mạng người lao động. Đồng thời, phải xem công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là công việc hàng ngày của mỗi người lao động và chủ sử dụng lao động”, ông Dung nói.
Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động được lấy chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”.
Trong các chương trình hành động, ngoài tuyên truyền, triển khai các giải pháp an toàn… Bộ LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh tới công tác thanh kiểm tra về an toàn lao động, đặc biệt lĩnh vực nguy cơ cao. Các vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phải bị xử lý nghiêm khắc.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm trên 8.200 người bị nạn. Trong đó, các vụ tai nạn lao động đã làm hơn 862 người chết. Ngoài ra, cả năm qua cũng phát hiện hơn 3.200 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, cả nước xảy ra hơn 3.000 vụ cháy, làm 98 người chết, 180 người bị thương và thiệt hại vật chất hơn 1.250 tỷ đồng.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn