Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Đánh giá của ông về tình hình giải cứu lợn ở các địa phương tính đến thời điểm này?
-Hiện nay các địa phương đều đã vào cuộc khá quyết liệt, nhất là ở các địa phương chăn nuôi trọng điểm đều có những động thái cụ thể nhằm giải cứu đàn lợn. Các Bộ lớn như Quốc phòng, Công an, Công Thương cho đến các tỉnh thành cũng đều lập Ban chỉ đạo giải cứu lợn.
Đáng chú ý, có một số DN cam kết trong thời gian ngắn tiêu thụ 7.000 tấn thịt lợn, có DN đăng ký tiêu thụ mỗi ngày 300 con. Các địa phương cũng đã xây dựng phương án để con lợn có thể tiếp cận được thị trường nhanh hơn, tốt hơn. Việc mở các điểm bán lẻ cũng được các tỉnh thành chú trọng. Theo tổng hợp từ các địa phương, có khoảng 30% số tỉnh đã xúc tiến mở thêm các điểm bán trên thị trường.
Tính đến thời điểm này, số lượng lợn còn tồn trong dân khoảng 1,5 triệu con, tương đương 200.000 tấn thịt lợn hơi. Như vậy chúng ta đã giải cứu được trên một nửa số lượng lợn cần bán. Đây là kết quả rất tốt, chúng tôi cũng kỳ vọng số lợn bán ra từ nay đến hết tháng 6 sẽ tăng lên.
Đáng mừng là hiện nay giá lợn hơi đang nhích lên ở tất cả các khu vực, nơi cao nhất tăng 8.000 -9.000 đồng/kg, nơi thấp nhất cũng tăng 2.000- 3000 đồng/kg. Dấu hiệu của giá thịt lợn tăng lên vẫn còn tiếp tục.
Khủng hoảng thừa lợn, giảm giá ảnh hưởng đến chỉ tiêu của toàn ngành chăn nuôi như thế nào thưa ông?
-Theo tính toán của chúng tôi, tính đến hết tháng 6.2017 tổng thu của ngành lợn sẽ giảm khoảng 10.000 tỷ đồng, không lớn so với con số 6 - 7 tỷ USD của toàn bộ ngành chăn nuôi. Trong khi đó, giá thịt bò đang ổn định, thậm chí tăng thêm một chút, giá thịt gà 6-7 tháng nay không có biến động lớn, giá sữa vẫn cao, một số mặt hàng khác khá ổn định.
Gia đình anh Hoàng Văn Điền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) chăm sóc đàn lợn trong tình cảnh giá lợn hơi giảm sâu. Ảnh: Trần Quang
Vậy sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta cần làm gì để vực dậy ngành chăn nuôi lợn, thưa ông?
-Việc này đã được Thủ tướng ký vào các văn bản chỉ đạo ngành. Liên quan đến lĩnh vực ngành, chúng tôi tập trung vào 4 nội dung sau: Thứ nhất cần làm rất tốt công tác quản lý về số lượng cũng như về thông tin. Sau hội nghị này, chúng tôi yêu cầu tất cả các tỉnh phải cập nhật thông tin hàng tuần. Khi có thông tin, chúng tôi sẽ cảnh báo trên hệ thống mạng để tất cả người dân được biết và cũng từ đó, chúng tôi tính toán các phương án đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thứ hai, rà soát lại quy hoạch các tỉnh, trên cơ sở đó các tỉnh sẽ có báo cáo tới UBND, HĐND cấp tỉnh để có tính toán sự phát triển tương đối cân bằng.
Thứ ba, tập trung phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm.
Thứ tư, tăng cường hợp tác thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm đầu vào của chăn nuôi, rà soát lại văn bản pháp lý có liên quan, trên cơ sở đó có những điều chỉnh hợp lý.
Nhiều người lo ngại sau khủng hoảng lợn sẽ là khủng hoảng của các con vật nuôi khác như bò, gà, trứng gia cầm, ý kiến của ông như thế nào?
-Chúng ta có 3 con vật nuôi chính là lợn, gia cầm và đại gia súc. Riêng với đại gia súc, hiện nay tỷ lệ thịt cũng như đầu con chiếm trong tổng ngành chăn nuôi không lớn, chỉ khoảng 10%. Do đó, khủng hoảng đối với đại gia súc là khó do dư địa tiêu thụ còn khá dồi dào.
Bên cạnh đó, đây là những con vật có chu kỳ chăn nuôi rất dài, nhất là đối với trâu sinh sản. Hiện trâu chúng ta chăn nuôi không đủ để bán, còn bò tăng trưởng 2-3% song cũng chưa đáng ngại.
Riêng đối với gia cầm, cả nước có khoảng 360 triệu con, nhịp độ tăng trưởng đều khoảng 3,8%. So với sức tiêu thụ của trên 90 triệu dân, tôi cho rằng khủng hoảng đối với gia cầm cũng không đáng ngại. Tới đây khi chúng ta mở cửa xuất khẩu gà sang Nhật Bản thì sản lượng tiêu thụ sẽ tăng lên. Các sản phẩm khác như sữa vẫn đang rất thiếu, không sợ khủng hoảng.
Trước tình hình khủng hoảng của ngành chăn nuôi lợn, nhiều địa phương đã vào cuộc giải cứu. Trong ảnh: Cán bộ Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc trực tiếp tham gia bán lợn bình ổn giá nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Ảnh: Phú Lãm
Nhiều địa phương lo ngại sau khủng hoảng lợn sẽ xảy ra đại dịch, ông có lo ngại không và chúng ta cần phải làm gì?
-Dịch bệnh là vấn đề rất đáng quan tâm, Cục Chăn nuôi đã có văn bản gửi xuống các địa phương thông tin cho các tỉnh, từ đó thông tin đến người chăn nuôi không phải vì giá xuống mà chúng ta bỏ bê công tác phòng dịch bệnh.
Tôi tin, kinh nghiệm các tỉnh và với hệ thống mạng lưới thú y dày đặc, việc bùng phát dịch bệnh là không đáng lo ngại. Bên cạnh đó chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chúng ta cũng rất chú trọng vấn đề này. Do đó, việc quản lý dịch bệnh sẽ rất tốt.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn