Chính sách “giải cứu lợn”: Chưa đến với người nuôi

Thứ năm - 04/05/2017 14:43

Chính sách “giải cứu lợn”: Chưa đến với người nuôi

Giá lợn nhúc nhích sau đợt vào cuộc kêu gọi giải cứu của các bộ, ngành vừa qua. Tuy nhiên, theo chuyên gia, ngành chăn nuôi lợn rơi vào thảm cảnh như hiện nay là do người nuôi thiếu liên kết, không cập nhật thông tin thị trường. Trong khi đó, khâu tổ chức phân phối, tiêu thụ còn yếu.

Vẫn chờ Trung Quốc “mở biên”

Ông Hoàng Văn Điền, chủ trang trại lợn hơn 1.400 con lợn ở xã Yên Mạc (Yên Mô, Ninh Bình) cho biết, giá lợn hơi tại các trang trại tại Ninh Bình đang bán 19-20 nghìn đồng/kg. “Tôi có 200 con lợn tạ đến giai đoạn xuất chuồng, thấy thông tin giá lợn hơi có nhúc nhích tăng trở lại, nhưng vẫn chưa thấy ai hỏi mua”- ông Điền nói.

Ngoài đầu tư cho đàn lợn nuôi theo quy trình VietGAP, ông Điền còn vay ngân hàng đầu tư làm đại lý cám, cung cấp cho các hộ nuôi, trang trại nhưng vốn đang bị “kẹt” do người nuôi thua lỗ. “Tôi đang nhờ ngân hàng “giải cứu” giúp, với khoản vay 6-7 tỷ đồng. Người chăn nuôi khổ lắm. Nhiều gia đình trẻ, cưới xong, tích cóp được mấy chục triệu, mượn sổ đỏ của bố mẹ, đầu tư trại nuôi lợn… đợt này đứt hết”- ông Điền nói.

Giá thịt lợn bán tới người tiêu dùng cao là một phần do qua nhiều khâu trung gian. Ảnh: Bình Phương.

Ông Điền cho biết, vẫn chờ tin nhập lợn của Trung Quốc qua các đầu mối ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lai Châu…“Nghe bảo họ có mở đường biên, có nơi đi được vài xe, đến vài chục xe mỗi đêm. Nếu Trung Quốc mở chắc chỉ vài tuần, là toàn bộ lợn quá lứa trong dân sẽ được tiêu thụ hết. Cùng với việc tăng mua của các doanh nghiệp trong nước, giá lợn có thể tăng trở lại”- ông Điền nói.

Ông Dương Thanh Tú, thị trấn Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) đứng ngồi không yên với đàn lợn gần 700 con của trang trại. “Giá lợn hơi 19 nghìn đồng/kg hiện nay, tăng 2 giá so với trước kỳ nghỉ lễ, nhưng với giá này, nếu bán, người nuôi lỗ 3 - 3,2 triệu đồng/con”- ông Tú nói. Theo ông Tú, do giá quá thấp, nên chỉ cho lợn ăn cầm chừng, chờ bán, nhưng cũng ngốn 6-7 triệu đồng tiền cám/ngày. Hiện nhiều đại lý cám cũng không cấp cám cho các trang trại, hộ nuôi. Hộ có tiềm lực thì cầm cự, còn không thì treo chuồng cả.

Dù vẫn trông chờ vào phía Trung Quốc “mở biên”, nhưng ông Tú cho rằng, giá lợn hơi rất khó khởi sắc trở lại, vì kiểu đóng - mở của thị trường tiểu ngạch Trung Quốc, trong lúc này, người nuôi càng chết nữa. Mặt khác, những chính sách giải cứu vừa qua, vẫn chưa “với” đến người nuôi.

Tín hiệu thị trường lệch lạc

Liên quan nghịch lý giá thịt lợn, người nuôi, thua lỗ “chỏng vó”, giá thịt bán ở các chợ, siêu thị vẫn cao, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam lý giải rằng, thịt heo ở Việt Nam phải qua nhiều tầng nấc, giá đội lên cao là do tập quán tiêu dùng, cần phải mua thịt tươi. Ở nước ngoài, giết mổ xong họ cho bảo quản lạnh, cấp đông, có thể vừa lưu trữ tốt, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo ông Bình, trong vấn đề nghịch lý giá thịt lợn, không nên đổ lỗi cho mấy bà tiểu thương, họ cũng chỉ là buôn thúng, bán mẹt và vẫn bị rủi ro trong kinh doanh, tốn các chi phí.

Dù chia sẻ với khó khăn người chăn nuôi, nhưng theo ông Bình, cần nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi sản xuất. “Giá các loại heo vẫn bán 14.000-18.000 đồng/kg, đó là họ nuôi heo mỡ, quá lứa. Trong sản xuất, họ gọi là hàng thứ phẩm. Lỗi do người chăn nuôi quản trị kém, bắt xã hội phải tiêu thụ hàng thứ phẩm”- ông Bình phân tích.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Việc giá lợn hơi lao dốc, trong khi giá thịt bán ở chợ, siêu thị vẫn cao không chỉ diễn ra một, hai ngày. Nó là tích luỹ của thời gian dài, tín hiệu, thị trường bị sai lạc”.

Theo TS Thành, phân phối rủi ro trên thị trường không bao giờ đều cả, nó phụ thuộc từng phân đoạn thị trường. Ở đây, nguồn cung- là bà con chăn nuôi, thiếu liên kết, phân tán, nuôi từ Đồng Nai, ra tới Bắc Giang, lúc thấy giá cao lên thì họ nuôi nên dẫn đến lộn xộn như vậy. Còn nhà phân phối, họ có mạng lưới tổ chức chặt chẽ hơn, điều tiết được, nên họ chẳng dại gì ôm rủi ro và đương nhiên sẽ đẩy về người nuôi.

“Nói thật thì hơi bất nhẫn, nhưng từ thực trạng trên, bà con phải tự rút ra bài học, là sản xuất phải biết đường nghe ngóng, có tầm nhìn hơn. Đó là bài toán phối hợp, nếu mạnh ai nấy làm thì mới sinh ra thế”- ông Thành nói. Về vai trò của Bộ Công Thương, tổ chức phân phối, lưu thông, ông Thành cho rằng: “Bởi vì mình hy vọng nhiều quá vào Bộ Công Thương, đến khi họ không làm được thì mình thất vọng thôi”.

“Kinh nghiệm rút ra với câu chuyện giá thịt lợn cũng như nhiều loại nông sản khác, thay vì trông chờ Bộ Công Thương và đề nghị bộ này có nhiều trách nhiệm hơn- khuynh hướng mà nhiều người đang nghĩ và họ đang hy vọng nhầm. Do vậy, nên rút bớt quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời rút bớt nguồn lực của xã hội dành cho Bộ Công Thương… Hãy dành nguồn lực cho các tổ chức độc lập dự báo, tư vấn thị trường”- ông Thành nói.

Về thông tin việc một số đợt Bộ Công Thương mua giải cứu nông sản cho bà con nông dân, ông Thành nói: “Bộ không quan tâm đến các công cụ về thị trường, hàng hoá…Đến khi nông dân toé hoe ra, mới huy động cán bộ mua hỗ trợ, giải cứu”.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây