Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng định: Thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ khiến người dân "trở tay không kịp"
Nhưng những phản hồi ban đầu của chính quyền sở tại: UBND tỉnh Hà Tĩnh và trực tiếp là từ UBND huyện Hương Khê đã cho thấy, Công ty Cổ phần thủy điện Hồ Bốn- Chủ đầu tư công trình thủy điện này đã không vô can trước thảm họa hàng ngàn ngôi nhà, ruộng vườn của người dân huyện này bị ngập úng nặng.
Như lời ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê đã cho biết, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Hồ Bốn đã không thông báo kịp thời về việc xả lũ cho chính quyền và người dân trước 2 ngày như quy định. Ông Huấn cũng tỏ ra am hiểu quy trình xả lũ mà Nhà nước đã quy định như hiện nay là các nhà máy thuỷ điện cần phải xả lũ từ trước, một khi đã có những dự báo về áp thấp nhiệt đới. Bởi về nguyên lý, nếu không xả trước, đến khi mưa lũ về mới xả thì tình trạng ngập là không tránh khỏi.
Cho dù phía Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn vẫn một mực giải thích là vẫn xả lũ "đúng quy trình", nhưng những chứng cớ về việc tiếp nhận thông tin xả lũ cũng như kiểm tra thực tế của UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Khê cho thấy rõ ràng việc xả lũ của Công ty này là bất hợp lý. Ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh cũng đã khẳng định, việc người dân huyện Hương Khê "không thể trở tay" là do nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ.
Như vậy, dù đoàn công tác của Bộ Công Thương còn chưa vào kịp để kiểm tra, xử lý việc xả lũ của Thuỷ điện Hố Hô thì những thông tin ban đầu của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã cho thấy phần nào sự thật của nguyên nhân gây ngập úng nặng nề tại huyện Hương Khê của tỉnh này.
Câu chuyện này không đơn giản là việc "gióng lên hồi chuông báo động" về những công trình thuỷ điện xả lũ bừa bãi, gây thiệt hại to lớn về tài sản, sinh mạng cho người dân nữa vì tình trạng xả lũ bất hợp lý của nhiều nhà máy thuỷ điện đã diễn ra không chỉ vài lần, "hồi chuông báo động" đã gióng lên không chỉ một vài lần.
Các năm trước đây, đã có những Nhà máy thuỷ điện xả lũ gây hậu quả nghiêm trọng như Thuỷ điện Bắc Hà (Lào Cai), Thủy điện Đăk Srông 2A (Gia Lai), Thủy điện An Khê- Ka Nak (Gia Lai)...xả lũ trái quy định, gây nhiều thiệt hại cho tài sản, hoa màu của người dân đã phải đền bù. Tuy nhiên, mức đền bù chỉ vài tỷ đồng/vụ đã không đủ tác dụng răn đe với các chủ đầu tư.
Ở đây, vấn đề là các bộ, ngành (trong đó chủ yếu là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), chính quyền các địa phương hiện nay sẽ xử lý thế nào với các chủ đầu tư các công trình thuỷ điện có vi phạm trong việc xả lũ, gây hậu quả lớn? Nếu chỉ đơn giản là kiểm điểm, rút kinh nghiệm hay xử phạt, buộc bồi thường như ở các vụ việc trước đây, việc này sẽ không đi đến đâu và sẽ còn là nguồn cơn gây nên sự mất niềm tin của người dân và tình trạng coi thường pháp luật của nhiều chủ đầu tư khác.
Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ đã được ồ ạt cấp phép trước đây, trong các năm 2014-2015, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố đã rà soát, loại bỏ hàng trăm công trình, dự án thuỷ điện đã cấp phép nhưng không đảm bảo an toàn về hồ, đập.
Tuy nhiên, với một loạt các sự cố gần đây mà gần nhất là với Nhà máy thuỷ điện Hố Hô, đã đến lúc phải nhìn lại, tiếp tục rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các công trình, dự án thủy điện không phải chỉ mới cấp phép mà kiểm tra, rà soát cả các công trình đang vận hành. Bởi lẽ, có nhiều công trình, dự án cho đến khi hoạt động mới bộc lộ nhiều vấn đề về năng lực quản lý, vận hành, về an toàn kỹ thuật...Và nếu các dự án, công trình đó không sớm được phát hiện, xử lý để đảm bảo an toàn thì nguy cơ gây nên tai họa cho người dân là luôn hiện hữu.
Được biết, trước đây, tại Trung Quốc, một số công trình thuỷ điện có qui mô khá lớn từ vài trăm lên đến cả hàng ngàn MW trên sông Dương Tử sau khi đi vào vận hành, đã có dấu hiệu tác động xấu đến môi trường, chính quyền Trung Quốc đã đình chỉ hoạt động các dự án này cho dù điều đó gây nên những tranh cãi về vấn đề giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư sau khi đóng cửa nhà máy. Nhưng điều này đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường.
Bài học trên hoàn toàn có thể áp dụng ở Việt Nam, một khi đã có những công trình thủy điện sau khi được cấp phép đi vào hoạt động nhưng liên tục gây ra những hậu quả lớn về môi trường, gây thiệt hại lớn cho tài sản, đe doạ sinh mạng, sức khoẻ của người dân.
Nhưng công trình thuỷ điện qui mô nhỏ, chỉ vài chục MW như Thuỷ điện Hố Hô đóng góp không có gì là quá to lớn cho hệ thống điện Việt Nam nhưng chỉ qua đợt mưa lũ này đã bộc lộ rõ những vấn đề bất cập về quản lý, vận hành, về kỹ thuật, rất cần cơ quan hữu trách của Nhà nước xem xét, kiểm tra với trách nhiệm cao nhất của mình. Nếu chúng thực sự không đảm bảo lợi ích về kinh tế-xã hội cho địa phương, năng lực điều hành của chủ đầu tư yếu kém, thậm chí cố ý vi phạm quy định, quy trình về xả lũ, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, thậm chí nếu đủ điều kiện, cho đóng cửa vĩnh viễn các nhà máy mà chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng quy định đã đặt ra.
Mạnh Quân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn