Sẽ không có hacker?
Theo Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, từ ngày 5/9, khoảng 1,7 triệu học sinh Hà Nội sẽ được quản lý bằng học bạ điện tử. Ông cho rằng, việc này sẽ triển khai quyết liệt vì giúp giáo viên hàng ngày không "đánh vật" với các cuốn sổ học bạ cũng như chấm dứt việc chuyển trường, chuyển lớp.
“Việc này sẽ tiện lợi vô cùng. Hãy tưởng tượng, khoảng 1,7 triệu cuốn sổ học bạ sẽ được lưu lại sau này để sau này để thấy được hành trình của mỗi con người. Đó chính là kho dữ liệu. Số liệu này sẽ tạo thành những Trung tâm dữ liệu (DATA CENTER) lưu lâu dài, đi theo học sinh suốt đời để sau này thành nguồn phân tích cho các công ty, doanh nghiệp tuyển người”, ông Chung cho biết.
Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch TP, ông là người chỉ đạo trực tiếp việc viết phần mềm. “Hàng ngày tôi chỉ đạo trực tiếp việc viết phầm mềm. Chúng ta có 120 người đang miệt mài. Và tôi hứa sẽ không bao giờ có sự cố hacker vì cùng với việc xây dựng dữ liệu, chúng tôi vừa song song triển khai hệ thống bảo mật”, ông Chung khẳng định.
Về thời gian và cách thức thực hiện, theo ông Chung, các thầy cô giáo phải chuẩn bị tinh thần vì đường truyền đac có hết. Hệ thống máy tính cũng đã được trang bị. Tới đây Sở GD&ĐT sẽ triển khai đến các trường, các hiệu trưởng, hiệu phó phải cập nhật và tất cả những nhận xét hàng ngày sẽ được phản ánh trung thực qua sổ học bạ này.
“Trước đó, chỉ trong vòng 6 tháng, chúng tôi đã xong phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp. Vì thế, việc này nhất định chúng ta phải phải triển khai và rất quyết liệt”, Chủ tịch TP Hà Nội khẳng định.
Cần hướng dẫn cụ thể
Tại Hà Nội, việc cập nhật phần mềm mới đã được triển khai đến các trường. Cô Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhà trường vừa cập nhật kế hoạch sử dụng sổ học bạ điện tử. Theo quan điểm của cá nhân cô, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.
Về ưu điểm, phương thức này là giảm áp lực sổ sách cho giáo viên. Tuy nhiên, theo cô Hiền, khi triển khai sẽ có một số điều còn băn khoăn, lo lắng. Chẳng hạn, có học sinh trong buổi kiểm tra đó bị ốm nên điểm kém. Trong quá trình học, giáo viên muốn cho các con “gỡ điểm” bằng cách kiểm tra miệng hoặc làm bài thi bù. Thế nhưng việc ghi điểm “chết” vào phần mềm và khóa lại, các con sẽ rất thiệt thòi.
Thứ hai, việc lưu điểm không cẩn thận, kể cả lưu vào email hoặc ổ cứng, vẫn có nguy cơ mất an toàn rất cao. Vì thế, tâm lý của các nhà trường chắc chắn sẽ phải in ra giấy để quản lý song song cả hai phương thức.
Chia sẻ cùng các giáo viên về điều này, ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc TT Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) cho biết, địa phương mình và một số tỉnh thành trong cả nước đã sử dụng sổ điểm điện tử từ năm ngoái. Theo đó, vẫn có thể khắc phục được các băn khoăn của đại đa số giáo viên.
Cụ thể, để triển khai chủ trương này, quan trọng nhất phải là cơ sở dữ liệu. Tại TP Hồ Chí Minh, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm số này được đặt ở Công viên Phần mềm Quang Trung nên không lo hacker hoặc bị vi rút tấn công.
Khi vận hành ở các trường, phần mềm cung cấp thời gian biểu. Sau khi hoàn thành, nó sẽ tự động khóa lại. Sau này, nếu muốn sửa điểm cho học sinh nào, phải có xác nhận của Ban Giám hiệu, quản trị viên mới được mở phần mềm để giáo viên đó sửa. Về trường hợp Hiệu trưởng/giáo viên/quản trị viên “bắt tay” nhau để chỉnh sửa điểm học bạ liệu có xảy ra không? Ông Tuấn cho rằng, từ trước đến nay chưa có tình trạng nào như vậy. Đồng thời, Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề này. “Trên hệ thống, khi sửa sẽ được lưu lại hết thời gian và chi tiết chỉnh sửa ra sao”, ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên cũng như băn khoăn của cô Hiền, ông Tuấn cho biết, sử dụng sổ điểm điện tử, năm ban đầu rất vất vả vì cùng lúc phải nhập dữ liệu của tất cả các học sinh vào máy. Sang năm thứ hai thì thao tác đơn giản hơn.
Đặc biệt hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa có quy định cụ thể nào về việc sử dụng sổ điểm điện tử trong nhà trường. Tất cả chỉ đang ở mức “khuyến khích địa phương sử dụng sổ điện tử” nên mỗi Sở GD&ĐT phải có cách thức riêng.
“Hiện chỉ mới có sổ gọi tên và ghi điểm được Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng sổ điện tử. Vì vậy, mặc dù tất cả sổ điểm đều được quản lý bằng phương pháp điện tử nhưng nhà trường vẫn phải in ra giấy để quản lý song song bằng phương thức truyền thống này. Chúng tôi đã có đề xuất và rất mong Bộ có hướng dẫn để các địa phương được quản lý chi tiết về sổ điểm điện tử”, ông Tuấn nói.
Chia sẻ về điều này với PV Dân trí, một đại diện ở Cục CNTT- Bộ GD&ĐT cho biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo sát sao việc này. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có quy định cụ thể về việc triển khai sổ điểm điện tử để các cơ sở triển khai đồng bộ.
Về nguyên tắc quản lý sổ điểm điện tử, sẽ quản lý việc sửa điểm chặt chẽ hơn vì mọi thao tác chỉnh sửa đều được lưu lại trên hệ thống.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tùy vào phần mềm mà các địa phương chọn lựa, có phần mềm có ứng dụng quản lý việc chỉnh sửa điểm nhưng có những phần mềm không có ứng dụng này nên thời gian tới Bộ sẽ có quy định cụ thể.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn