Nữ sinh nhà nghèo lo lỡ hẹn với giảng đường đại học
“Em ơi, xem có cách nào giúp học sinh anh với. Em ấy học giỏi, điểm thi khối C đạt 24,5, là 1 trong 2 học sinh có điểm xét tuyển cao nhất trường nhưng nhà nghèo quá, sợ không không được đi học”, qua điện thoại, thầy Lê Văn Quyền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) gấp gáp chia sẻ với PV Dân trí.
Dù đang dự cuộc gặp mặt học trò cũ nhân 20 năm ra trường nhưng thầy Quyền vẫn “dứt” ra, dẫn chúng tôi đến nhà em Trịnh Thị Huyền Trang (học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nam Đàn 2).
“Em ấy học giỏi thế mà không được đi học thì tội quá. Năm ngoái, Huyền Trang đạt giải Ba môn Văn kỳ thi Học sinh giỏi toàn tỉnh, năm nào cũng là học sinh giỏi toàn diện…”, thầy Quyền cho biết thêm..
Độc giả muốn giúp đỡ em Trịnh Thị Huyền Trang có thể liên lạc qua số điện thoại của chị Nguyễn Thị Quế - mẹ Trang: 0162 857 9547
Căn nhà nhỏ cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng thuộc xóm 4, xã Nam Trung (Nam Đàn, Nghệ An) chẳng có gì đáng giá ngoài mấy bì lúa chất ở góc nhà. Khuôn mặt đẹp của Trang không giấu hết nỗi buồn. “Biết kết quả thi em cũng vui lắm, em có nguyện vọng vào học ngành công an, vừa không mất học phí, vừa không phải lo việc làm khi ra trường nhưng cộng cả điểm ưu tiên cũng mới chỉ được 25,5 điểm, khó đậu lắm
Em có làm hồ sơ xét tuyển vào khoa Luật và khoa Sư phạm ngữ văn Trường ĐH Vinh nhưng nếu có đậu cũng không có điều kiện đi học. Học Luật thì cơ hội việc làm cao hơn nhưng nặng gánh học phí, còn học sư phạm không mất học phí lại khó xin việc”, Trang tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Quế (SN 1975), mẹ Huyền Trang nước mắt ngắn dài: “Thương con học hành vất vả, điểm số của Trang nhiều bạn có điều kiện tốt hơn cũng không cao bằng nhưng giờ bảo lo cho Trang học đại học thì mẹ không lo được. Còn một em trai năm nay lên lớp 10, bố thì ở xa, rồi còn khoản nợ ngót cả trăm triệu nữa. Thôi đành có tội với con. Giá em nó học kém thì đã đánh, đằng này học giỏi mà mẹ không lo được, đau lòng lắm…”.
4 năm trước, ngoài 4 sào ruộng quanh năm ngập lụt không đủ sống, anh Trịnh Văn Huynh (SN 1974) liều mình vay nợ, “chạy” sang Angola làm thuê, chi phí hết 160 triệu. Trong năm đầu tiên, may mắn có việc làm nên hàng tháng anh Huynh gửi tiền về cho vợ trang trải nợ nần. Từ năm thứ 2 trở đi, công việc ít, cơ quan chức năng sở tại làm chặt nên hầu như không có thu nhập, may mắn thì chỉ đủ ăn.
“Anh ấy muốn về lắm, nhưng giờ về thì ở nhà phải gửi sang mấy nghìn đô la mới đủ tiền về. 50 triệu tiền nợ hồi đi chưa trả hết, còn 50 triệu nợ hộ nghèo nữa, chị biết lấy đâu ngần ấy tiền mà gửi sang cho chồng về. Thôi thì vợ chồng, con cái chịu khổ thêm thời gian nữa…”, chị Quế sụt sùi.
Tiếng là có chồng “đi Tây” nhưng nhìn căn nhà của mẹ con chị Quế đang ở, ai cũng thấy cám cảnh thay. Căn nhà được mua hóa giá từ gần 20 năm trước, cũ kỹ, dột nát. Người ở dưới, nửa trên căn nhà được đóng thêm 1 lớp ván gỗ để cất lúa, rơm bởi xứ “năm Nam” (5 xã phía Nam của huyện Nam Đàn) chỉ cần mưa là lụt. Ngày mưa gió, ba mẹ con trèo lên gác để trú ngụ, bảo vệ mấy bì lúa - thứ tài sản ít ỏi chắt góp được 4 sào ruộng mỗi năm trồng 1 vụ.
Cái khổ, cái khó đeo bám dai dẳng nên chị em Trang đều có ý thức học thật giỏi để sau này có công việc làm ổn định. Đêm đêm, bên tủ sách và chiếc bàn học xộc xệch được ông ngoại (là bảo vệ trường học gần đó) xin cho, hai chị em Trang miệt mài học tập. Những tấm giấy khen, danh hiệu học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi toàn diện là phần thưởng xứng đáng dành cho nỗ lực học tập của cô học trò nghèo. Thế nhưng khi có kết quả thi với 24,5 điểm xét tuyển khối C (Văn 8,5 điểm, Sử, Địa mỗi môn 8 điểm) thì giảng đường đại học trở nên xa vời hơn khi gia đình quá khó khăn, khó có thể giúp Trang theo học.
“Nếu được đi học, em sẽ cố gắng đi làm thêm để có thể trang trải 1 phần nhưng thấy mẹ vất vả thế này, còn em trai, rồi còn bố đang ở Angola đối mặt với nguy hiểm từng ngày bởi nạn cướp bóc mà chưa có tiền để về… chắc em không đi học đâu chị ạ. Em sẽ đi làm, tích lũy tiền năm sau thi lại…”, nước mắt Trang trào ra.
Nắng lên, Trang xin phép ra sân, đưa lúa chét ra phơi. Thứ lúa được bòn mót từ vụ mùa trước, mỗi bông được mấy hạt chắc. Đôi bàn tay thon mềm đã quen cầm bút nắm chặt đòn gánh, đảo cho rơm mau khô, tối hai mẹ con còn dùng chân dẫm, cố gắng lựa lấy hạt chắc, để dành cho mùa giáp hạt cuối năm. Có lẽ nào, Trang phải lỡ hẹn với giảng đường đại học?
Hoàng Lam
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn