17 năm “trồng người” trên xã đảo
Thầy Đoàn Văn Kiều sinh ra và lớn lên ở Tiền Hải (Thái Bình). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Kiều đã muốn được phục vụ trong ngành giáo dục nên sau khi tốt nghiệp lớp 12, chàng trai trẻ khăn gói vào Nam, thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, chuyên ngành Sinh, Hóa.
Sau khi ra trường 1999, thầy Kiều được Sở GD-ĐT Kiên Giang phân công giảng dạy ở trường PTCS Sơn Hải (thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Dù mỗi lần ra đảo dạy, thầy Kiều vượt quãng đường bộ và đường biển trên 50km nhưng thầy vẫn kiên trì, vượt khó thực hiện sự nghiệp “trồng người” trên xã đảo gần 17 năm qua.
Thầy Kiều kể, sau khi ra trường, thầy đến Sở GD-ĐT nhận nhiệm vụ xong là về Hà Tiên sinh sống. Từ đó, cứ sáng thứ 2 là thầy chạy xe xuống thị trấn Ba Hòn (huyện Kiên Lương) đón đò ra đảo dạy học. Những năm đầu ra đảo, cuộc sống, việc dạy học còn vô vàn khó khăn… Tuy nhiên, chính sự thiếu thốn của các em học sinh khiến thầy Kiều không nỡ rời đảo, thầy quyết tâm ở lại gieo chữ cho các học sinh nơi đây.
“Học sinh xã đảo đa phần là con em ngư phủ, do vậy các em thường thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Các em thường ở với ông bà, cuộc sống phải tự lực là chính… Do vậy, mỗi đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường cũng như các thầy cô trong trường nỗ lực đến từng gia đình hoặc phải đi thuyền ra các bè cá (nơi các phụ huynh nuôi cá hoặc làm công) để vận động họ cho con em đến lớp… Lần đầu họ không đồng ý, mình phải kiên trì đi lần 2, lần thứ 3… riết rồi họ thương ông thầy nên cũng đồng ý cho các cháu đến lớp” - thầy Kiều chia sẻ.
Vận động các em ra lớp đã khó, giữ các em ở lại lớp còn khó hơn. Bởi thời gian này điều kiện dạy học, như sách vở, dụng cụ dạy học… còn thiếu thốn nhiều thứ. Do vậy, thầy Kiều luôn phải suy nghĩ làm thế nào để tiết dạy của mình thu hút học sinh. Từ sự trăn trở này, thầy Kiều một mặt đầu tư cho giáo án luôn có những kiến thức mới, mặt khác thầy tự tay làm ra các đồ dùng dạy học bằng mút xốp như: những mô hình về động vật, hệ thần kinh, các lớp xương sống. Những sáng kiến này vừa giúp nhà trường tiết kiệm chi phí mà còn giúp tiết dạy sinh động và học sinh dễ nắm bắt kiến thức hơn.
Nâng bước học sinh nghiên cứu khoa học
Thầy Kiều còn đỡ đầu cho nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Năm 2015 - 2016, thầy Kiều hướng dẫn một học sinh lớp 8 nghiên cứu và hoàn thiện máy cắt, tách đa năng và đã đạt giải Nhì cấp huyện, giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia với sản phẩm này. Và tính đến thời điểm hiện tại, trường PTCS Sơn Hải đã có 4 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, một em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thuộc bộ môn Sinh học do thầy Kiều trực tiếp giảng dạy.
Em Cao Quốc Khánh (học sinh lớp 9 Trường PTCS Sơn Hải) chia sẻ: Nhờ thầy Kiều hướng dẫn, em có được kết quả tốt ở cuộc thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức. Với kết quả giải Ba Quốc gia, em đã đặt một chân vào ngưỡng cửa đại học, em sẽ tiếp tục phấn đấu để trở thành một kỹ sư cơ khí và sẽ trở về xã đảo em phục vụ khi em ra trường.
Theo thầy Kiều, việc dạy và học ở xã đảo Sơn Hải ngày nay thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng cho ngành giáo dục. Hiện nhà trường đang được đầu tư nhà công vụ nhưng xã vẫn chưa có hệ thống điện lưới quốc gia, nước dùng chủ yếu là nước mưa, nước giếng (chất lượng kém, nước đục như vo gạo) hoặc phải mua từ 25.000 - 30.000 đồng/500 lít nước sạch để dùng. Điều làm các thầy cô vui mừng hơn khi ý thức cho con em học chữ của người dân cũng được nâng lên đáng kể, tuy nhiên trên đảo vẫn còn nhiều em học giỏi, gia đình khó khăn hoặc có học lực khá, trung bình… Với các học sinh thuộc diện này, các em rất cần sự dạy dỗ và hướng dẫn, tiếp sức, nếu không số học sinh này rất dễ bỏ trường, bỏ lớp.
Hiệu trưởng Trường PTCS Sơn Hải, ông Phan Đình Ngát, nhận xét: Thầy Đoàn Văn Kiều là một Đảng viên, giáo viên gương mẫu. Đồng chí Kiều có lối sống giản dị, đạo đức trong sáng gần gũi với đồng chí, đồng nghiệp. Còn trong nhiệm vụ, thầy Kiều luôn chấp hành tốt và thực hiện đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thầy là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, luôn tiên phong trong giảng dạy, gần gũi với học sinh. Từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2015 - 2016 thầy Kiều có 4 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 năm đạt chiến sĩ thi đua tỉnh, được chủ tịch UBND tỉnh và Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng bằng khen.
Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kiên Lương, bà Nguyễn Thị Thu Hà, chia sẻ: Với những cống hiến của đồng chí Đoàn Văn Kiều trong gần 17 năm qua cho nhà trường nói riêng và giáo dục địa phương nói chung, nhằm góp phần từng bước cùng các giáo viên khác nâng cao chất lượng giáo dục của một xã Đảo là rất đáng trân trọng.
Chia sẻ về ngày 20/11, thầy Kiều cười tươi cho biết: "Các em học sinh rất ngoan, biết vâng lời thầy cô lắm nên đây cũng là món quà ý nghĩa cho những người làm công tác giáo dục như chúng tôi. Nhưng nói thật, mỗi khi đến ngày 20/11 hay dịp Tết… chúng tôi hay được nhận quà. Quà của các em có khi là một loại hoa dại nào đó trên đảo hoặc một ít cá khô mà cha mẹ các em gói cẩn thận gửi cho chúng tôi. Nhận những món quà này, thầy cô chúng tôi không kiềm được xúc động trong lòng…”.
Nguyễn Hành
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn