Nghèo cơm áo, giàu ý chí
Thầy giáo trẻ, nghèo tiền, nhưng giàu tình thương, giàu lòng nhân ái. Ngoài những giờ lên lớp, thầy vẫn đến bệnh viện đều đặn để giúp người nghèo bị bệnh không nơi nương tựa, thầy xin tiền cho học trò đóng học phí, mua sách vở, xin tiền cho trò chữa bệnh…
Thầy giáo trẻ tên Nguyễn Hoàng Nam, 31 tuổi, giáo viên Trường THCS Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Thầy Nam cho biết, thầy lớn lên trong gia đình nghèo ở vùng quê Hậu Giang. Thời học sinh cấp 2 rồi lên cấp 3, nhà Nam cách trường hơn 3km, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa Nam đều phải đi bộ, nhà Nam khó khăn nên không có tiền mua xe cho Nam đi học. Ngoài giờ học Nam còn đi xúc tép, câu cá phụ gia đình trong các bữa ăn hàng ngày, thậm chí những ngày được nghĩ học Nam còn bắt ốc bán kiếm tiền mua sách.
Năm 2004, Nam thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ, chuyên ngành ngữ văn, Nam ở kí túc xá trong trường, mỗi tháng về thăm nhà 1 hoặc 2 lần bằng xe buýt. Trong những năm sinh viên, Nam đều nhận được học bổng nhờ kết quả học tập luôn khá, giỏi.
Cũng trong quảng đời sinh viên, Nam xin được Ban quản lí Kí túc xá cho bán mì gói và rau sống trong khuôn viên của kí túc xá để kiếm thêm thu nhập. Nam kể, hồi đó em bó lọn sẵn các loại rau như rau muống, rau cần, hẹ…bó nào cũng có giá 500đ, còn mì thì 1.000đ/gói. Kí túc xá của trường hồi đó có 36 phòng, mỗi phòng 8 sinh viên nên tổng là 288 sinh viên, mỗi đêm Nam bán được khoảng 100 gói mì, lãi khoảng 30.000đ nên suốt thời sinh viên Nam không phải xin tiền của cha mẹ mà lâu lâu em còn gửi tiền về phụ gia đình nuôi em gái đi học.
Hiện tại ba của Nam làm nhân viên thư viện trường Tiểu học gần nhà. Em gái của Nam cũng học Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Còn vợ Nam là giáo viên Mẫu giáo Long Thạnh.
Khi được hỏi kỷ niệm nào đáng nhớ nhất khiến Nam phải chạy ngược, chạy xuôi vì học trò của mình. Thầy giáo Nam bỗng nghèn nghẹn trong từng lời nói. Nam kể, trong một lần lên lớp, Nam phát hiện một học sinh mặt cứ tái mét, người gầy xanh xao ngồi cặm cụi viết bài. Nam tiến gần lại em học trò hỏi thăm thì biết, em học trò này bị bệnh thiếu máu bẩm sinh nhưng cha mẹ nghèo không có tiền đưa em đi bệnh viện.
Hay trường hợp một em học sinh lớp 6 tên Thiện Tín, học rất giỏi nhưng vì nghèo, năm đó em ấy bị chó dại cắn không có tiền đi bệnh viện tiêm ngừa. Em ấy ngồi học mắt lờ đờ, mồ hôi vã ra cả người. Trước đó không lâu, cha em này chết vì chó dại cắn. “Nhìn học trò gặp nguy nan nên em tức tốc đưa trò đi bệnh viện chích ngừa bệnh dại, cũng từ đó em thấy không thể làm ngơ khi học trò thiếu tiền mua thuốc hay tiền mua sách vở” - Nam cho biết.
Khơi dậy lòng trắc ẩn từ hoạt động thiện nguyện
Không chỉ quan tâm sâu sát tới việc học của học trò, thầy Nam còn tới tận nhà của trò để xem cuộc sống của các em như thế nào. Có những học trò nghèo khó quá thầy đi xin từng gói mì, cuốn sách cũ, hay chiếc xe đạp cũ cho trò của mình. Nhà học trò dù xa đến mấy Nam cũng đều biết, thậm chí các em hôm nay ăn gì, mua cái gì, đi chơi ở đâu thầy Nam đều nắm rõ lịch trình, nắm rõ tâm tư tình cảm của từng em.
Gần 10 năm đứng lớp, có thể nói Nam không những là người thầy mang đến cho học trò tri thức mà còn dạy cho các em nhiều điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Thầy Nam là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất của những em học trò nghèo, là cầu nối cho hàng ngàn suất học bổng đến tay học sinh, huy động được hàng ngàn quyển tập, hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho học trò nghèo.
Ngoài việc giúp đỡ học trò, thầy Nam còn tận tâm với những người già cô đơn hay các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Nam kể: “Tuần rồi em lên Cần Thơ 5 lần vì có 5 người nghèo nằm viện, tiền lương cũng thế mà “đội nón ra đi hết” nhưng em không tiếc cũng không buồn. Vì thấy họ thật sự khó khăn và cần được giúp đỡ”.
Tôi cảm nhận được, không chỉ tận tâm với học trò nghèo những hoạt động thiện nguyện của thầy là “bài học hay nhất”, khơi nguồn thiện nguyện cho những tấm lòng trinh nguyên của học sinh!
Em Trần Thanh Hải, học sinh lớp 7A6, trường THCS Long Thạnh cho biết: “Con và gia đình con mang ơn thầy Nam nhiều lắm, lúc con phát bệnh thầy Nam bỏ tiền túi cho con đi bệnh viện, sau đó thầy tiếp tục đứng ra vận động các mạnh thường quân giúp đỡ gia đình con được một số tiền kha khá. Mẹ con đem gửi tiết kiệm rồi hàng tháng rút ra choc anh em tụi con đi bệnh viện truyền máu”.
Cô Đặng Thị Kiều Oanh, một giáo viên công tác cùng trường thầy Nam nói: “Tấm chân tình của thầy Nam dành cho học trò khiến đồng nghiệp và phụ huynh rất cảm kích. Nam ít tiền nhưng giàu lòng nhân ái, yêu thương học trò hết mực”.
Phạm Tâm
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn