Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học, ông suy nghĩ gì về hiện tượng học sinh tự vẫn vì áp lực điểm số, áp lực học hành?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Trong nhiều năm qua việc trẻ em bị áp lực học tập là một vấn đề thực tế. Áp lực học tập đã làm cho đứa trẻ bị sống lệch và không còn là chính mình... Sự mệt mỏi, căng thẳng và phải luôn cố gắng để giữ thứ hạng, giữ xếp loại và mang niềm vui đã ảnh hưởng không tốt đến đời sống thể chất cũng như đời sống tinh thần của trẻ.
Mong mỏi con mình lớn lên một cách toàn diện là một mong mỏi hết sức chính đáng nhưng không phải phụ huynh nào cũng làm như thế.
Nhiều phụ huynh không đánh giá đúng khả năng và sự chịu đựng được áp lực của con mình nên đã chọn cho mình hướng đi không thật phù hợp. Đó là chưa kể một vài phụ huynh đã đẩy con mình đến sự lựa chọn không thể khác hơn bằng kiểu đặt ra mục tiêu, bày tỏ sự kỳ vọng, thể hiện ước mơ duy nhất mang tính áp đặt để đẩy con đến chỗ luôn cố gắng, cố gắng và cố gắng nên trẻ con như diều đứt dây khi gió quá to...
PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
Phải chăng, chính sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh đã vô tình đẩy con mình đến bước đường cùng, thưa ông?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, con trẻ quyết định đi đến bước đường cùng. Đó là sự lựa chọn mang tính cảm tính và nhiều khi không con lối thoát khác.
Xin được khẳng định, đừng vội trách người xung quanh vì một trong những nguyên nhân quan trọng là học sinh cũng có thể tự gây sức ép với mình, tự đặt ra mục tiêu cao với mình quá sức... Điều này có thể phụ thuộc vào kiểu khí chất, tính cách cũng như những ảnh hưởng của trẻ từ cuộc sống xung quanh...
Tuy vậy, có thể nói gánh nặng về truyền thống học tập, nụ cười của cha mẹ, hình ảnh mẫu mực mang tính biểu tượng so sánh với bạn bè và người xung quanh đã làm cho vấn đề có thể khác đi nhiều qua sự lĩnh hội và cảm xúc của trẻ.
Không ít bậc cha mẹ đã hy sinh cả những đồng lương ít ỏi của mình cho con. Không thể không kể đến những bậc cha mẹ chăm chút từng buổi ăn, giấc ngủ cho con hay đưa đón con từng buổi học.
Tuy nhiên, cũng chính các bậc cha mẹ lại cố tình hay vô ý lấy vị trí làm cha làm mẹ để mong mỏi hay kỳ vọng một cách quá đáng ở con mình. Những khát khao rằng con phải hạng nhất, con phải thông thạo tiếng Anh hơn các bạn cùng lớp, con phải trở thành diễn viên múa chính, con không thể thua con của bạn bè cha mẹ hay thậm chí so sánh với con của bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm, dòng tộc đã làm cho trẻ cứ chạy mãi trên hành trình không trụ cột, không đích đến, không người đồng cảm...
Nếu đặt vào hoàn cảnh của trẻ, ta mới có thể hiểu trẻ đã cố gắng đến mức nào, trẻ đã vượt khó ra sao, trẻ đã làm gì để có thể đạt những thành tích như thế... Trong khi mâu thuẫn giữa sự kỳ vọng của người lớn và khả năng của trẻ, trong lúc sự cố gắng của trẻ quá sức luôn mâu thuẫn với khát khao của trẻ làm cho người lớn hài lòng về mình làm trẻ ngã quỵ ngay trong tâm hồn mình và cả ý chí, nghị lực...
Thưa ông, ông thấy việc dạy tâm lý cũng như kỹ năng sống trong các trường phổ thông hiện tại ra sao? Phải chăng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc dạy tâm lý học, kỹ năng sống cho học sinh để các em có thể đứng vững hơn trước những áp lực?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Không thể phủ nhận là với sự phát triển của xã hội, việc giáo dục kỹ năng sống đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nó chính là việc trang bị kiến thức, vốn sống, khả năng làm việc… nhằm giúp cho các bạn trẻ có thể thích ứng nhanh chóng với thời đại.
Trong thực tế, nhiều trường hiện nay cũng rất quan tâm và tiến hành mở các lớp này hay tích hợp các hình thức khác nhau để rèn luyện kỹ năng sống và các vấn đề tâm lý cho học sinh.
Thế nhưng, điều đáng nói là hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một biện pháp chế tài nào ngoài mức phạt vi phạm hành chính nhẹ nhàng với các đơn vị, công ty vi phạm nếu dạy kỹ năng sống không hiệu quả hay có những vi phạm. Vì thế, không ít nơi đảm nhận việc dạy kỹ năng sống cho học sinh cứ tha hồ “nổ”, dụ dỗ học viên thông qua các buổi hội thảo, chuyên đề… và thu tiền học phí.
Nhiều giáo viên không chuyên trong trường được yêu cầu giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh như là một hình thức thu hút chỉ tiêu tuyển sinh của trường hoặc bằng chứng cạnh tranh với trường khác, thậm chí là một cách để khẳng định đẳng cấp của trường trước những nhu cầu mới của xã hội nhưng chưa thật đầu tư về thực chất.
Thực tế là người chủ biên bộ sách Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến 12, tôi nhận ra rằng học sinh rất cần các kỹ năng này, giáo viên cần triển khai các kỹ năng này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Điều này cũng gợi mở trong chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề kỹ năng sống cho học sinh không thể mờ nhạt trong việc dạy học tích hợp hay hoạt động trải nghiệm mà có thể là môn tự chọn hay bắt buộc. Song song đó, các vấn đề giáo dục theo lứa tuổi chuyên biệt về tâm lý cũng trở thành điểm đến trong hoạt động trải nghiệm cho học sinh Trung học hiện nay là điều cần thực hiện...
Sau sự việc đau lòng từ trường THPT Nguyễn Khuyến, ông muốn gửi thông điệp gì đến phụ huynh, nhà trường, ngành giáo dục?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Cần thay đổi nhận thức về sự giỏi giang và thành công của con em mình đó chính là một trong những thay đổi có điểm đến và có chiến lược. Sự thành công của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà trẻ đang có.
Sự thành công phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống hay trí tuệ xã hội của con người. Giải quyết điều này khi đừng biến con mình thành nô lệ của kiến thức mà hãy giúp con trở thành ông chủ của tri thức tìm kiếm tri thức - sử dụng tri thức theo khả năng nghiên cứu của chính mình và nội lực thực tại...
Về nhà trường, tôi cho rằng việc triển khai giáo dục kỹ năng sống và các vấn đề tâm lý lứa tuổi cần mang tính bài bản, hệ thống hơn. Quan trọng cần cho trẻ cơ hội để trải nghiệm và yêu quý chính mình, có lòng tự trọng, có trách nhiệm với bản thân mình.
Đặc biệt, nhà trường cần hành động ngay với công tác tư vấn tâm lý trong trường học và biến nó thành hành động trọng điểm để giúp các em bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm. Nếu cha mẹ cho em sự sống, người xung quanh hãy tiếp tục cho em sống an toàn, an lành thì thật hạnh phúc...
Thực ra có thể khẳng định nỗi đau này là kinh nghiệm sâu sắc với các nhà giáo dục nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là công tác giáo dục và tư vấn cho học sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nghiêm túc trong vài năm gần đây cụ thể và quyết liệt...
Thưa PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, vậy đâu là vấn đề để có thể giúp các em cân bằng? Ngành Giáo dục sẽ làm gì để công tác tư vấn tâm lý hiệu quả cứu giúp các em nếu có sự căng thẳng hay nhu cầu tự hủy hoại bản thân?
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: Việc cân bằng là do chính các em dù rằng cha mẹ, thầy cô và nhà tư vấn có thể hỗ trợ, điều này cho thấy chúng ta cần hiểu trẻ và trao cho trẻ những công cụ quan trọng nhất để tự lập, tự chịu trách nhiệm nhưng biết yêu thương bản thân mình.
Để giúp các em nếu có sự căng thẳng hay nhu cầu tự hủy hoại bản thân thì người lớn cần lưu tâm trách nhiệm của mình là đem đến cho trẻ sự tác động theo hướng: trẻ an toàn về thể chất và an lành về tinh thần. Vấn đề học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân cũng là vấn đề rất đáng quan tâm và đây nên trở thành vấn đề cần bổ sung vào các nội dung giáo dục và nội dung cần tư vấn cho học sinh Trung học ở những hình thức khác nhau.
Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn