Nằm đối diện số nhà 55 phố Đặng Tiến Đông (Đống Đa, Hà Nội), tiệm đọc sách báo của bà giáo Phạm Thị Huyền Dung (73 tuổi) rất khác lạ so với những quán cà phê sách hiện đại. Chỉ với vài chiếc ô và dăm ba bộ bàn ghế nhựa, tiệm của bà vẫn thu hút được đông đảo độc giả ở Thủ đô ghé thăm.
Tiệm đọc sách báo của bà giáo Phạm Thị Huyền Dung (73 tuổi) rất khác – lạ so với những quán cà phê sách hiện đại
Bà giáo về hưu và tấm biển gỗ “Mời nhân dân đọc báo”
Tiệm đọc sách báo cũ của bà Dung đã hoạt động hơn một năm và không ngừng phát triển. Từ một tờ báo đặt ở góc vỉa hè nay đã trở thành thư viện ngoài trời với đủ các loại đầu sách báo khác nhau.
“Tháng 9/2016, tôi được tặng một tờ báo Hà Nội mới. Đọc xong tôi tự hỏi tại sao mình không chia sẻ những kiến thức xã hội bổ ích, đồng thời rèn văn hóa đọc đến nhiều người. Tôi đã nhặt mảnh gỗ cũ rồi viết lên đó dòng chữ: “Mời nhân dân đọc báo”, sau đó đặt tờ báo trên thềm tường rào ở vỉa hè gần nhà”, bà Dung kể.
Bà Dung nhặt mảnh gỗ cũ rồi viết lên đó dòng chữ: “Mời nhân dân đọc báo”, sau đó đặt tờ báo trên thềm tường rào ở vỉa hè gần nhà
Những ngày đầu, người đi đường hiếu kỳ đã dừng chân đứng lại xem nhưng cũng có người thực sự muốn đọc, thậm chí thường xuyên lui tới và nán lại lâu hơn. Bà Dung quyết định trích một phần tiền lương hưu mua nửa tháng báo đặt vào chỗ cũ để phục vụ nhu cầu đọc của người dân.
Khi mọi người đến và đứng lại đọc nhiều hơn, bà liền đưa ghế nhựa từ nhà ra vỉa hè để “độc giả” vừa ngồi nghỉ vừa từ từ lật giở từng trang sách báo. Ngoài ra bà còn thu thập thêm nhiều đầu sách góp nhặt vào “sạp báo” trên vỉa hè.
Thấy bà Dung làm việc có ích, người dân đã chung tay ủng hộ tạp chí, sách báo cũ. Bà kể nhiều ông bà cao tuổi đã không ngần ngại lặn lội từ xa đến tặng sách. Đặc biệt, các bé nhỏ tuổi sau khi đọc xong bộ truyên tranh cũng nhờ bố mẹ chở qua tìm gặp biếu bà.
Khi mọi người đứng đọc nhiều hơn, bà liền đưa ghế nhựa từ nhà ra vỉa hè để “độc giả” vừa ngồi nghỉ vừa từ từ lật giở từng trang sách báo
“Tôi góp nhặt thêm sách báo với mục đích tạo ra nhiều đầu sách hấp dẫn người đọc. Tôi chưa bao giờ hi vọng có người ủng hộ, chỉ cần họ đọc là thấy hạnh phúc lắm rồi. Ngờ đâu tôi được nhiều người bỏ sức giúp đỡ đến vậy!”, bà Dung tâm sự.
Lượng sách báo nhiều hơn, bà Dung không an tâm khi để chúng ngoài vỉa hè buổi đêm. Bà đành bưng về nhà cất giữ rồi sáng dậy sớm bê ra phục vụ người dân. Sau đó một cán bộ phường và người thu mua ve chai đã góp hai chiếc kệ đựng để bà không phải đem qua đem lại. Mỗi tối bà chỉ phải che chắn bọc kín giá đựng sách tránh mưa gió, sương giá.
Bà Dung dọn dẹp, sắp xếp sách báo chờ đón độc giả tới đọc...
“Thư viện ngoài trời” với hàng nghìn đầu sách báo cũ…
Một thời gian sau, bà Dung xin phép chính quyền phường chuyển sạp báo qua góc sân trống đối diện nhà. Sau đó nhờ sự giúp sức của người dân, bà đã mở một thư viện đọc sách báo miễn phí ngoài trời nhằm phụ vục mọi người. Ngoài ra bà còn cho độc giả mượn sách về nhà mà không thu bất cứ khoản phí nào.
“Thư viện được như bây giờ là nhờ sự giúp đỡ, chung sức của mọi người. Cái quạt này tôi được một anh giáo viên mang tặng, tủ sách kia của một cậu sinh viên và cả chiếc ô lớn che nắng mưa cũng là người ta đem tới. Từ ngày mở thư viện, ngày nào tôi cũng nhận được quà…”bà giáo vui vẻ chỉ từng món đồ rồi hào hứng kể câu chuyện gắn liền với nó.
Những giờ rảnh rối, bà Dung tranh thủ đọc những cuốn sách cũ từ ngày xưa
Thư viện ngoài trời của bà Dung mở cửa từ 6h30 đến 22h30 mỗi ngày. Dù vậy nhiều bữa từ tờ mờ sáng bà đã có mặt để quét dọn, sắp xếp bàn ghế, sách báo và chuẩn bị trà nước đón khách.
Khác với quán cà phê sách hay những cửa hàng sách lớn, thư viện ngoài trời của bà giáo có rất nhiều đối tượng, tầng lớp đến đọc. Từ những cụ già, người cao tuổi đến học sinh sinh viên; người giàu có hay lao động nghèo,... Thậm chí nhiều người từ các tỉnh xa như Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình biết đến mô hình thư viện sách miễn phí đã tới gặp bà Dung. Họ nhờ tư vấn mở sạp báo tại quê hoặc xin sách báo từ bà.
Những độc giả quen thuộc của thư viện sách ngoài trời. Ngày nào họ cũng ghé qua đây
Ông Nguyễn Xuân Ánh (75 tuổi, Trung Liệt) – độc giả gắn bó với tiệm sách từ những ngày đầu chia sẻ: “Biết bà Dung có mong muốn mở thư viện sách miễn phí, tôi đã cùng bà ấy lên ý tưởng rồi vận động mọi người quyên góp sách.
Giờ ngày nào tôi cũng tranh thủ qua tiệm giúp bà Dung dọn dẹp và đọc những cuốn sách yêu thích. Ngoài mở tiệm đọc sách, bà Dùng còn tham gia nhiều hoạt động ủng hộ sách báo cho vùng cao”.
Bên cạnh lợi ích đọc sách báo miễn phí hay cập nhật tin tức thời sự,…nhiều ông bà thường xuyên dẫn cháu nhỏ đến tiệm sách của bà Dung. Họ mong muốn con cháu mình hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ, tránh xa những chiếc Ipad hay điện thoại di động.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn