Học tập, khai giảng theo hình thức trực tuyến
Những tháng đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 có nguy cơ lan rộng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và cộng đồng, Việt Nam đã quyết định cho học sinh nghỉ học. Trong thời gian trường học tạm đóng cửa, ngành giáo dục đã chuyển đổi từ cách dạy và học truyền thống sang hình thức học trực tuyến và qua truyền hình. Cụ thể, đối với bậc mầm non, đã nghiên cứu xây dựng tài liệu trực tuyến cẩm nang hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non khi trẻ ở nhà; đối với bậc phổ thông các lớp học được tổ chức trực tuyến. Việt Nam đã xây dựng video tài liệu quy trình tổ chức dạy học trên 28 kênh truyền hình, qua mạng Internet đối với mỗi môn học.
Khi trường học mở cửa trở lại, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh thời gian của năm học và điều chỉnh chương trình học cho phù hợp, như vậy hầu như chương trình không bị ảnh hưởng. Sau những nỗ lực, học sinh các cấp học cũng đã hoàn thành năm học 2019 - 2020 và bước vào kỳ nghỉ hè trong khoảng 1,5 tháng. Tiếp đó, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chia thành 2 đợt, sau đó là tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Bước vào đầu năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp an toàn, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó, khai giảng tại một số địa phương, trường học chuyển sang hình thức trực tuyến.
Học sinh Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả học tập
Theo công bố của Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM), Việt Nam đứng đầu các nước trong khu vực. Đây là thông tin được phân tích từ kết quả báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) về Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM), tổ chức ngày 1/12. Năm 2019, Việt Nam khảo sát chính thức SEA PLM với tại 150 trường với 832 giáo viên, 4.837 học sinh và 4.160 phụ huynh học sinh. Trong 6 nước tham gia đánh giá, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực.
Đội tuyển Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2020. Ảnh: Bộ GD&ĐT
Cụ thể, ở lĩnh vực Đọc hiểu, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 6 mức độ, thì học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6. Ở lĩnh vực Viết, đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2 - 4%. Ở lĩnh vực Toán học, SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.
"Mưa" huy chương tại các kỳ thi quốc tế
Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng kết quả đạt được của các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế rất đáng tự hào. Cụ thể, Việt Nam đã có một mùa Olympic khu vực và quốc tế thành công với 24/24 thí sinh dự thi đoạt giải (09 Huy chương Vàng, 08 Huy chương Bạc, 05 Huy chương Đồng: 02 Bằng khen). Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả thành công của các đoàn học sinh Việt Nam khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, giáo viên và các nhà trường đã tích cực, chủ động ôn tập, bồi dưỡng. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh Việt Nam vẫn khẳng định vị trí trên đấu trường khu vực và quốc tế.
Đáng chú ý, tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 61 năm 2020 do Liên Bang Nga tổ chức vào cuối tháng 9/2020, đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi cả 6/6 thí sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 02 Huy chương Vàng; 01 Huy chương Bạc; 02 Huy chương Đồng và 01 Bằng khen. Olympic Tin học quốc tế 2020 (IOI 2020) được tổ chức tại Singapore đội tuyển Việt Nam giành 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Olympic Tin học Châu Á (1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng); Olympic Sinh học quốc tế (1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng, 1 giải Khuyến khích); Olympic Hóa học quốc tế (4 Huy chương Vàng)…
Năm 2020, hoạt động học tập, thi cử tại Việt Nam gắn liền với công tác phòng chống COVID-19. Ảnh: Q.Anh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành 2 đợt
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được điều chỉnh so với năm 2019. Cụ thể, kỳ thi gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH). Để tốt nghiệp, thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Điểm đáng chú ý đó là kỳ thi 2020 là tính điểm tổng điểm của bài thi tổ hợp, chứ không tính điểm riêng từng bài thành phần như các năm trước.
Kỳ thi được tổ chức thành 2 đợt, trong đó đợt 2 dành cho các thí sinh không dự thi đợt 1 do địa phương thực hiện giãn cách xã hội, thí sinh diện cách ly, theo dõi… Thí sinh tham dự kỳ thi năm nay thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào phòng thi. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT thông tin, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,3%, (trong đó, tỷ lệ đối với THPT là 98,9%, đối với giáo dục thường xuyên là 92,5%); tỷ lệ có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền. Kỳ thi cũng được chứng kiến phổ điểm ở hầu hết các môn đều "đẹp", điểm trung vị tăng nhẹ so với năm 2019.
Tuy nhiên, năm qua lĩnh vực giáo dục cũng còn nhiều sự kiện không vui: Năm học 2020 - 2021 mới chỉ diễn ra được trong vòng 1 tháng, nhiều phụ huynh, giáo viên, chuyên gia giáo dục đã lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn có nhiều nội dung, bài học chưa phù hợp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 (Hội đồng thẩm định) rà soát, báo cáo Bộ. Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều.
Theo đó, chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén"… Hội đồng thẩm định cũng đề nghị tác giả khi chọn văn bản thay thế không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam. Bộ GD&ĐT cho biết, tài liệu điều chỉnh của sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều sẽ được phát hoàn toàn miễn phí cho các đơn vị sử dụng.
l Năm 2020, dù ngành GD&ĐT cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bạo lực học đường, song vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc học sinh đánh nhau, "hội đồng" bạn học rồi quay clip tung lên mạng xã hội gây nhức nhối dư luận. Cụ thể, ngày 23/11, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TPThanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cùng các đơn vị có liên quan đã họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với những học sinh tham gia đánh hội đồng nữ sinh Đỗ Lê V. phải nhập viện. Theo lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ngoài đình chỉ học 1 tuần, 6 học sinh đánh bạn đều bị xếp loại hạnh kiểm trung bình trong tháng 11.
Vào tháng 8, trên mạng xã hội xuất hiện clip gần 3 phút quay lại cảnh 2 học sinh nữ (1 em mặc đồng phục trường) đánh một em nữ sinh khác mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ. Hai bạn gái này liên tiếp thay phiên nhau đánh vào mặt, giật tóc kèm theo lời dọa nạt, chửi bới. Do bị yếu thế nên em nữ sinh bị đánh chỉ biết đưa tay che mặt, khóc lóc mà không dám phản kháng. Điều đáng nói là trong clip có nhiều bạn khác xung quanh chứng kiến nhưng không một ai can ngăn. Sau đó, các nữ sinh trong clip được xác định đều là học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: https://giadinh.net.vn/giao-duc/nam-2020-nhieu-dieu-dac-biet-cua-giao-duc-viet-nam-2020...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn