Đó là ý kiến đánh giá của thầy giáo Lại Tiến Minh, giáo viên Toán Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội trước đề thi minh họa môn Toán 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Nhận định về đề thi minh họa môn Toán, thầy Lại Tiến Minh cho rằng, đề gồm 50 câu, trong đó, có nhiều câu ở mức độ cơ bản, chiếm khoảng 60% và các câu ở mức độ nâng cao, chiếm khoảng 40% tổng số câu hỏi. Mỗi câu hỏi đều thuộc loại câu trắc nghiệm “4 lựa chọn, trong đó chỉ có 1 lựa chọn đúng”.
Theo thầy Minh, tất cả các câu hỏi trong đề đều có nội dung nằm ở phần chung của Chương trình môn Toán lớp 12 hệ THPT và Chương trình môn Toán lớp 12 hệ GDTX hiện hành, không vi phạm các nội dung giảm tải.
Ông nhìn nhận như thế nào về các dạng thức của đề thi và cách ra đề trong lần đầu môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm?
Tôi cho rằng, đề thi minh họa môn Toán đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc xử lí các thông tin ẩn chứa trong đề minh họa, các câu hỏi trong đề được sắp xếp lần lượt theo các chủ đề kiến thức và ở mỗi chủ đề, các câu hỏi được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức tăng dần, từ “nhận biết” tới “vận dụng cao”. Nhằm mục đích vừa giúp người làm bài có cảm giác dễ chịu khi đọc đề, vừa phù hợp với tiến độ học các chương của học sinh.
Những người còn băn khoăn với việc môn Toán chuyển sang thi theo hình thức trắc nghiệm có lo âu về tình trạng học lệch, học tủ của học sinh. Với đề thi minh họa này, theo ông đó có thực sự là điều phải lo âu?
Dù là lần đầu kỳ thi THPT quốc gia thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm nhưng đề thi minh họa tính toán khá kỹ để khắc phục tình trạng học “tủ”, học lệch trong quá trình học tập, cũng như trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, các câu hỏi trong đề đã được biên soạn đảm bảo đề cập hết các đơn vị kiến thức học sinh cần biết, các kĩ năng học sinh cần có, theo yêu cầu của phần chương trình học.
Quay trở lại với tính phân hóa, một đòi hỏi tất yếu trong mỗi đề thi, ông đánh giá thế nào về tính phân hóa trong đề thi minh họa môn Toán?
Trong khuôn khổ của các câu hỏi trắc nghiệm, các câu hỏi “nâng cao” được biên soạn nhằm đảm bảo có thể phân hóa trình độ, năng lực của người dự thi ở mức tối đa cho phép, cũng như đảm bảo chỉ học sinh có năng lực học tập từ thực sự khá trở lên ở môn Toán có thể đạt điểm tối đa.
Trong đề, cùng với các câu hỏi kiểm tra kiến thức và kĩ năng lí thuyết, có một số câu hỏi nhằm mục đích kiểm tra năng lực vận dụng các kiến thức và kĩ năng lí thuyết vào việc giải quyết các vấn đề có thể gặp phải trong thực tiễn cuộc sống, cũng như trong việc học tập các môn học khác.
Điều này có thể góp phần khắc phục tính hàn lâm, khô cứng trong việc giảng dạy và học tập môn Toán trong nhà trường phổ thông, giúp việc giảng dạy và học tập môn Toán trong nhà trường phổ thông trở nên sinh động hơn, thiết thực hơn.
Thực tế vẫn còn những lo ngại là đề Toán trắc nghiệm sẽ rơi vào “định tính” nhiều hơn “định lượng”, dẫn đến có những thí sinh sẽ “bốc thuốc” đáp án, đề thi minh họa này có khắc phục tình trạng nêu trên hay không, thưa ông?
Với sự phát triển của công nghệ phần mềm hiện nay, đối với môn Toán, việc học sinh có thể giải các câu hỏi trắc nghiệm mang tính “định tính” thuộc một số dạng nào đó chỉ nhờ thuộc các qui trình bấm máy tính cầm tay, mà không cần có các kiến thức, kĩ năng Toán học theo yêu cầu, là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên số câu hỏi thuộc loại vừa nêu trong đề chiếm tỉ lệ ít.
Tôi nghĩ rằng, với thời gian từ giờ đến cuối năm học và với lực lượng nhiều chuyên gia tham gia làm đề, sẽ có các biện pháp hữu hiệu, hạn chế tối đa việc học sinh chỉ sử dụng máy tính cầm tay có thể làm bài thi trong kì thi chính thức.
Như vậy, đề thi trắc nghiệm môn Toán sẽ phát huy được đầy đủ các ưu điểm của mình, đồng thời đảm bảo công bằng cho tất cả các đối tượng thí sinh, tránh được việc học lệch, học tủ của học sinh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhật Hồng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn