Tại buổi làm việc, sau khi thăm cơ sở vật chất và nghe báo cáo chặng đường 17 năm phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự phát triển ổn định và bền vững của nhà trường trong suốt chặng đường đã qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng trong số các trường đại học dân lập, gần đây là tư thục, không có nhiều mô hình thành công như trường ĐH Nguyễn Tất Thành - một trường đi lên từ một cơ sở đào tạo nghề lên trung cấp, cao đẳng rồi đại học.
“Mô hình này cho đến nay rất ít trường thành công nhưng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thời gian qua đã phát triển “bằng phẳng” theo tôi có thể đến từ 2 nguyên nhân chính: Một là, sự tâm huyết, tầm nhìn của người đứng đầu nhà trường. Chính cách nhìn nhận, thực hiện các giải pháp đi từ chiến lược đến việc thu hút đội ngũ giỏi về với trường và truyền cảm hứng cho người học.
Hai là việc đặt trọng tâm cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục ngay từ những ngày đầu, để bây giờ đã trở thành văn hóa của nhà trường, mang đến nét đi riêng cho nhà trường. Nhìn rộng ra thế giới, những trường ĐH tốt là những trường rất chú trọng đến kiểm định”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, trường muốn xây dựng thành trường trọng điểm nhưng trường phải hiểu thế nào là trọng điểm. Nếu làm chủ quan hoặc đặt một đề án quá cao sẽ khó thực hiện.
Ông Nhạ cũng đề nghị Trường ĐH Nguyễn Tất thành xem xét vị trí của trường đang ở đâu để có kế hoạch, sứ mệnh phải cụ thể chứ không nói chung chung. Tuy nhiên, để trở thành trường đại học trọng điểm hay không thì trường cần xây dựng một tầm nhìn và hướng đi riêng, phát triển theo hướng mũi nhọn, dài hơi hơn.
Bộ trưởng phân tích: “Nhà trường hãy định hướng và xây dựng trường theo mô hình trọng điểm theo hướng tự thân của trường - tức là phát huy các giá trị, thế mạnh nội sinh - căn cứ, tiêu chuẩn, tự so sánh, xếp hạng trường mình theo chuẩn AUN và ở đâu trong hệ thống GDĐH hơn là xây dựng trường trọng điểm dựa vào các quan hệ khác. Có như thế trường mới phát triển vững bền”.
Bên cạnh đó, nhà trường nên chọn một số ngành mũi nhọn để tập trung đào tạo, trong đó nên tập trung đào tạo ngoại ngữ chứ không nên đi vào những đầu tư quá lớn. Cần phải đẩy mạnh và phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm lực mà trường đang có (đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ, cơ sở vật chất), không nên đi theo hướng đào tạo đa ngành, đa bậc học như hiện nay, rất dễ dẫn đến những xung đột, đổ vỡ.
Ban giám hiệu nhà trường phải xác định được sứ mạng của trường đang nằm ở đâu trong phân khúc hệ thống, sự đóng góp với thế mạnh đặc thù về nhân lực cho xã hội, chứ không phải đóng góp chung chung.
Khi trường xây dựng được chiến lược, thế mạnh nội sinh, chất lượng đào tạo chuẩn mực theo chuẩn chất lượng chung (AUN), tự thân trường sẽ vào top các trường trọng điểm.
Lê Phương
(lephuong@dantri.com.vn)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn