Trong bài “Học nghề phổ thông để cộng điểm xét tốt nghiệp: Liệu có cần thiết?” của bạn đọc Trung Thạch đăng trên Dân trí ngày 4/10, trong đó tác giả đã phân tích trong tình hình “thừa thầy, thiếu thợ” như ở nước ta hiện nay thì việc học nghề khi học sinh vào đời, muốn kiếm việc làm, nuôi sống bản thân.
Còn việc mất khoảng 6, 7 tháng học nghề để chỉ phục vụ xét tốt nghiệp cuối cấp trong khi đó quy định để học sinh được công nhận tốt nghiệp có nhiều thay đổi, theo hướng ngày càng tạo điều kiện để các em được tốt nghiệp như hiện nay thì nên chăng việc học nghề phổ thông cần có sự thay đổi? Thậm chí bỏ luôn việc học nghề này để tiết kiệm chi phí, công sức và cả thời gian cho học sinh?
Trước ý kiến trên, PV Dân trí đã phỏng vấn ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Giáo dục phổ thông - Bộ GD&ĐT để hiểu rõ hơn về giáo dục nghề phổ thông.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông - Bộ GD&ĐT
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc dạy nghề phổ thông chỉ nhằm mục đích cộng điểm vào kỳ tốt nghiệp THCS hay THPT? ông cho biết ý nghĩa của việc giáo dục nghề phổ thông đối với việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh?
Mục tiêu của giáo dục nghề phổ thông là giúp cho học sinh có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Hoạt động giáo dục nghề phổ thông tạo cơ hội cho học sinh được học tập, tìm hiểu để có những hiểu biết, kỹ năng ban đầu về một số nghề phổ biến nhất trong xã hội. Bên cạnh đó, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp học sinh tìm hiểu về các lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội; khám phá năng lực của bản thân, đối chiếu với những yêu cầu của một số nghề cụ thể để giúp cho việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Vì vậy giáo dục nghề phổ thông là một trong những nội dung chính trong quá trình giáo dục hướng nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT.
Việc Bộ GDĐT quy định cho các địa phương sử dụng kết quả thi nghề phổ thông của học sinh THCS để cộng điểm khuyến khích trong kì tuyển sinh vào THPT; kết quả thi nghề phổ thông của học sinh THPT được cộng điểm khuyến khích để xét tốt nghiệp THPT là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích học sinh học nghề phổ thông, góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT chứ việc cộng điểm không phải mục đích của việc giáo dục nghề phổ thông.
Theo đánh giá của ông, chương trình đào tạo nghề phổ thông nhiều năm qua hiệu quả đến đâu? Có ý kiến cho rằng ở nhiều nơi việc giáo dục nghề phổ thông thực hiện chưa tốt, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Theo đánh giá chung, thông qua hoạt động giáo dục nghề phổ thông, học sinh có điều kiện vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học trong Chương trình giáo dục phổ thông, nhất là ở môn công nghệ vào thực tiễn đời sống và sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...
Như vậy, hoạt động giáo dục nghề phổ thông đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng vận dụng các nội dung giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục nghề phổ thông còn góp phần hình thành những phẩm chất của người lao động có kế hoạch, có kỉ luật, có kĩ thuật và ý thức an toàn, vệ sinh môi trường. Những năng lực và phẩm chất trên đều có tác dụng định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau cấp THCS và cấp THPT.
Trong khi có nhiều địa phương, cơ sở giáo dục làm tốt, cũng còn một số nơi chưa tổ chức và quản lý tốt việc giáo dục nghề phổ thông; điều kiện dạy học chưa đảm bảo; một số nơi việc dạy nghề phổ thông còn chạy theo số lượng; một số học sinh còn học kiểu đối phó, thi nghề để mong được cộng điểm khuyến khích,… Trước tình hình đó, trong hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hằng năm, Bộ đều có chỉ đạo việc rà soát, tăng cường điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục dục nghề phổ thông.
Trên thực tế học sinh THCS đã được tham gia học nghề phổ thông rồi, vậy tại sao ở THPT học sinh lại phải tham gia học nghề phổ thông nữa thưa ông?
Đối với cấp THPT, giáo dục nghề phổ thông là nội dung tự chọn bắt buộc (mọi học sinh đều phải học nghề nào đó do nhà trường hoặc học sinh tự chọn) với thời lượng học nghề phổ thông ở cả cấp học là 105 tiết nên yêu cầu kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh cao hơn so với cấp THCS. Cụ thể:
Về kiến thức: Giáo dục cho học sinh hiểu được một số kiến thức cơ bản về công cụ, kỹ thuật, quy trình công nghệ và về an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với một nghề phổ thông đã học, biết đặc điểm và yêu cầu của nghề đó.
Về kỹ năng: Hình thành cho học sinh một số kỹ năng sử dụng công cụ, kỹ năng thực hành kỹ thuật theo quy trình công nghệ để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông và phát triển nhu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Về thái độ của người học: Phát triển hứng thú kỹ thuật và nhu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào lao động, thói quen làm việc có kế hoạch, tuân thủ quy trình kỹ thuật và bảo đảm an toàn lao động, bước đầu có tác phong công nghiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường, có ý thức tìm hiểu và lựa chọn nghề nghiệp.
Giáo dục nghề phổ thông ở cấp THCS là nội dung dạy học tự chọn (học sinh có thể chọn một trong số các môn Ngoại ngữ 2; Tin học, Nghề phổ thông). Mục tiêu của giáo dục nghề phổ thông ở cấp học này nhằm giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động. Thời lượng giáo dục nghề phổ thông ở THCS chỉ có 70 tiết học với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ thấp hơn cấp THPT.
Sắp tới, Bộ GDĐT có chủ trương và giải pháp gì để đổi mới trong việc dạy học nghề phổ thông nói riêng và nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh nói chung?
Kể từ năm học 2016-2017, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông được Bộ trưởng Bộ GDĐT xác định là 1 trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của ngành GDĐT cả nước.
Thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường tổ chức và quản lý hoạt động hướng nghiệp và giáo dục nghề trong trường phổ thông; đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình dạy nghề phổ thông; chọn lựa, bổ sung các chương trình dạy nghề đáp ứng với yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường;
Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông; thí điểm triển khai mô hình giáo dục trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương nhằm tăng cường khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, góp phần thực hiện phân luồng học sinh sau THCS và THPT.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Nhật Hồng (ghi)
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn