Được làm lại từ bộ phim truyền hình ăn khách năm 2010 của Hàn Quốc Bread, Love and Dreams - Vua Bánh Mì bản Việt khởi đầu với câu chuyện đầy kịch tính trong gia đình ông chủ Đạt.
Sóng gió trong gia đình bắt đầu khi ông Đạt - khi này đã có vợ con, lại có với bà Dung một đứa con trai ngoài giá thú tên là Hữu Nguyện. Sau hàng loạt biến cố xảy ra, bà Dung phải chia xa với con, còn Hữu Nguyện khởi đầu chặng đường đầy gian nan với niềm đam mê cháy bỏng dành cho bánh mì.
Trong phim, Dung (Nhật Kim Anh) – mẹ của nam chính được xây dựng với hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, xinh đẹp, hiền hậu, chỉ vì hoàn cảnh không mong muốn mà trở thành vợ lẽ, phải chịu nhiều tủi nhục.
Tuy vậy, do cách xây dựng nhân vật và sắp xếp diễn biến của phim, nhân vật Dung thay vì nhận được sự cảm thông từ khán giả cho cuộc đời trắc trở của mình, lại gây hoang mang bởi hành vi lén lút phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Dẫu cô không hề có dã tâm chiếm đoạt tài sản và tranh giành với vợ cả, thì cũng không thể “tẩy trắng” được một sự thật hiển nhiên là, cô chính là “tiểu tam” gây ra hàng loạt đợt sóng ngầm dữ dội cho nhà ông Đạt.
Nhân vật Dung có thật sự đáng thương?
Kiểu nhân vật “tiểu tam” đã xuất hiện trên màn ảnh từ lâu và thường xuyên tạo nên kịch tính cho các bộ phim truyền hình. Những “người thứ ba” cũng được khắc họa hết sức đa dạng, từ trơ trẽn, độc ác đến “ngây thơ vô số tội”.
Nhân vật Dung trong Vua Bánh Mì chính là “tiểu tam” xinh đẹp luôn tỏ ra yếu đuối, vô hại, chỉ vì hoàn cảnh trớ trêu nên mới làm điều có lỗi. Nhưng có thật sự là cô Dung trở thành kẻ thứ ba do số phận bất hạnh?
Vốn là một cô bé mồ côi được bà Ngà (NSƯT Lê Thiện) cưu mang từ khi còn nhỏ, Dung được tạo điều kiện đi học làm y tá và sau đó phụ trách chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Cô đã luôn làm tròn bổn phận của mình cho đến khi “lỡ” có bầu với cậu chủ - lúc này đã là người đàn ông có gia đình, vợ con đề huề.
Khi mọi chuyện vỡ lở, Dung bị Khuê – vợ chính thức của ông Đạt hành hạ và bày trò hãm hại, phải mang con đi thật xa để trốn, sau đó lại phải giao con lại cho nhà nội, chịu cảnh mẹ con chia cách. Tuy vậy, hoàn cảnh khó khăn của Dung gợi sự thương cảm từ khán giả thì ít, mà bất mãn với cô thì nhiều.
Luôn xuất hiện với phong thái hiền dịu, đoan trang, nói lời hay ý đẹp, Dung lại hành động hoàn toàn ngược với vẻ bên ngoài. Vào đêm ông Đạt đi nhậu về, say xỉn, Dung đưa ông lên phòng, pha nước chanh giải rượu. Nếu cô chỉ dừng ở đây thì hẳn đã hoàn thành bổn phận của một y tá tận tâm.
Nhưng, Dung lại tiếp tục đo huyết áp cho một người vừa uống rượu và trò chuyện với ông Đạt, để rồi rơi vào vòng tay ông khi ông không kiềm chế nổi mình. Sự chống cự của Dung cũng chỉ rất yếu ớt, và như thế cô đã điềm nhiên trở thành kẻ thứ ba bên lề cuộc hôn nhân của vợ chồng ông Đạt – bà Khuê.
Nếu Dung là một người đứng đắn, liệu cô có để mình rơi vào tình huống nhạy cảm với ông chủ? Ở vị trí một y tá và hơn nữa – một cô gái đã được gia đình ông Đạt chăm sóc và nuối nấng, lẽ ra Dung phải hết sức cẩn thận với công việc và các mối quan hệ trong nhà.
Đằng này, dù biết rõ ông Đạt đã có vợ con, Dung vẫn qua lại với ông chủ sau lưng bà Khuê, lại không tìm cách tránh thai dù bản thân là y tá.
Dung đang đóng vai một cô gái ngây thơ vô tội, vì một khoảnh khắc thiếu tỉnh táo nên mới mắc sai lầm. Nhưng cô đã hoàn toàn có thể tránh, hoặc khắc phục được sai lầm đó, chứ không phải đợi đến khi mọi chuyện vỡ lở, cái thai trong bụng đã lớn, và chỉ biết nói câu “Xin lỗi” và cầu xin được giữ lại đứa con.
Có lý do nào để biện minh cho “tiểu tam”?
Trong các diễn biến mới nhất của phim, khán giả đã được biết về quá khứ giữa Dung và cậu chủ Đạt. Theo đó, Dung và Đạt vốn có tình cảm với nhau từ trước nhưng sau này, vì tham vọng sự nghiệp nên ông Đạt đã cưới bà Khuê (Thân Thúy Hà) vì gia thế của bà.
Cuộc hôn nhân của ông Đạt vốn không hề có tình yêu, và Dung chính là người đến trước trong mối quan hệ giữa Dung – Đạt – Khuê. Dẫu vậy, điều này cũng không thể “tô hồng” cho sự thật rằng, Dung vẫn là người thứ ba chen vào gia đình ông Đạt.
Dù ông Đạt và bà Dung trước đây đã từng có tình cảm với nhau nhiều đến đâu, thì họ đã không thể đến với nhau sau khi ông Đạt quyết định cưới vợ. Khi mối quan hệ vợ chồng đã được xác lập, thì hành vi ngoại tình, phản bội, hay lén lút chen chân vào gia đình người khác đều đáng trách.
Kể cả khi bà Khuê - vợ ông Đạt cũng ngoại tình và sinh ra đứa con trai với thư kí, thì khán giả cũng không khỏi bớt phản cảm trước sự lầm lỡ của bà Dung.
Khi đã mang thai, bà Dung không hề có ý định thế chân vợ cả mà quyết nuôi con một mình ở một nơi xa. Nhưng sau đó, chỉ vừa mới bị đe dọa, bà đã lại vội vã giao con mình cho nhà nội, đẩy con vào cuộc chiến tranh gia tài.
Dẫu sóng gió trong nhà ông Đạt chẳng phải do mình bà Dung gây ra, nhưng bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra mâu thuẫn, chia rẽ giữa các thành viên trong gia đình.
Không có lý do nào, dù là hợp lý đến đâu, để biện minh cho việc trở thành người thứ ba trong cuộc hôn nhân của người khác. Người không được yêu vẫn là vợ chính thức, còn người được yêu nhưng lén lút sau lưng người đàn ông có vợ, thì vẫn luôn là kẻ bên lề.
Kết cục nào cho “tiểu tam”?
Trong phiên bản gốc của Vua Bánh Mì, mẹ của Tak Gu (bà Dung trong phiên bản Việt) đã có tác động lớn đến quá trình phát triển nhân cách của nhân vật chính. Dù sống trong hoàn cảnh túng thiếu, nhưng bà đã hết lòng chăm sóc và nuôi dạy Tak Gu để cậu lớn lên thành người chính trực, dũng cảm và nghĩa khí, được mọi người cảm phục và tôn trọng.
Đến phiên bản Việt Nam, những ấn tượng tốt đẹp về bà mẹ này đã giảm dần bởi cách xây dựng nhân vật không đồng nhất giữa lời nói và việc làm: nói lời hay ý đẹp nhưng lại hành động hoàn toàn ngược lại.
Sự có mặt của bà Dung và con trai đã khiến bà Khuê vô cùng bất mãn và liên tiếp gây ra những chuyện xấu xa, và chính những biến cố này sẽ tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời nam chính sau này. Là tiểu tam xen vào gia đình người khác, bà Dung đã phải chịu đựng rất nhiều khổ sở, và cả con trai bà cũng không tránh khỏi vòng xoáy tranh giành quyền lực. Và những diễn biến tiếp theo của Vua Bánh Mì sẽ còn tiếp tục hé lộ hành trình của bà cùng cậu con trai đầy nghị lực.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nhat-kim-anh-trong-vua-banh-mi-nguoi-phu-nu-dang-thuo...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn