Người dân rải tiền, hình ảnh phản cảm khi đi lễ chùa.
Hối lộ thần thánh, ô uế cửa Phật
Hiện nay, nhiều người dân đi lễ chùa thường có thói quen rải tiền lẻ ở trên bàn thờ, kẽ tay chân của tượng Phật.
Trao đổi với phóng viên, TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay Phật nhằm được lợi lộc trong lúc đi lễ chùa là quan niệm sai lầm.
Ông phân tích, do tâm lý người dân cứ nghĩ “cho tiền thần linh” thì sẽ được lợi lộc vào mình nên ra sức rải tiền. Tuy vậy, đó là những điều không đúng đắn. Việc làm này không thể hiện tâm linh mà đó chính là sự không hiểu biết của người dân, thể hiện tinh thần mê tín của mình chứ không phải tâm linh.
Ngoài ra, đồng tiền thể hiện gương mặt của một quốc gia nên mỗi người đều phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ. Đằng này, người dân đua nhau đổi tiền lẻ, rải khắp chùa chiền nhìn chẳng khác gì "rác thải"; đi lễ thì chen chúc, dẫm đạp lên tiền.
“Đó là hình ảnh phản cảm, không thể chấp nhận được với một người đi lễ chùa”, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nói.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, đi lễ chùa là nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, nhiều người dân đi lễ chùa chưa có ý thức và thái độ chuẩn mực.
GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng, rải tiền, nhét tiền vào tay Phật là “hối lộ thánh thần”
Theo ông Thịnh, nguyên nhân bởi “một số người chưa hiểu đến nơi đến chốn”. Nhiều người không biết rằng, đến chùa không được đốt vàng mã, không mang đồ mặn. Đặc biệt, không được phép rải tiền lẻ hay nhét tiền vào tay tượng.
“Rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay Phật là “hối lộ thánh thần”, ô uế cửa chùa. Đó là điều tối kỵ và sai giáo lý nhà Phật”, GS.Ngô Đức Thịnh nói.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, rải tiền lẻ ở khắp nơi trong đền chùa tạo ra một hình ảnh phản tín ngưỡng và không có văn hóa. Bởi thần linh đâu cần những thứ đó, vấn đề là ở tấm lòng thành.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng cho rằng, hành vi rải tiền, nhét tiền vào tay Phật là “mua chuộc thần linh”, đây không mang ý quá xấu mà ở khía cạnh mang tính che chở.
Hành vi ném tiền lẻ, tiền xu cũng có ở Châu Âu không chỉ riêng ở phương Đông. Nếu ở các nước Nhật, Hàn sẽ có những thùng tiền, vị trí chấp nhận được để người dân cho vào. Còn ở ta, nói là thái quá, bất chấp nhét vào tay Phật, đây là điều không thể chấp nhận được.
Đi chùa, cái tâm phải chân thành
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam cũng cho rằng, rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay Phật là không đúng hay hiểu cách khác là bất kính, hủy hoại tượng bằng hình thức mê tín của người dân. Đã không hiểu thì càng không hiểu tiếp, đã mê muội lại càng mê muội tiếp. Cứ người này nối người kia truyền tai nhau thông tin, dư luận bất thành văn, thành làn sóng dư luận không hay.
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó chủ tịch thường trực hội đồng trị sự Giáo Hội phật giáo Việt Nam khuyến cáo, khi đi chùa người dân chỉ nên mua hương hoa. Tuy nhiên, hòa thượng cũng cho rằng, rất hạn chế việc đốt hương. Bởi việc đốt hương, đốt vàng mã chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống của con người.
“Khi đi vào chùa cái Tâm của mình cần chân thành. Chỉ cần thế, Phật đã chứng nhận và đã biết tới”, Hòa thượng nói.
Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu khuyên mọi người nên gom tiền lại bỏ vào hòm công đức của nhà chùa. Hoặc đem số tiền đó cúng dàng cho sư tăng trong chùa để tu học hay đem số tiền đó đi làm từ thiện chứ không nên làm như vậy trông mất thẩm mỹ nơi cửa Phật.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn