Hình ảnh các thanh niên giẫm lên nhau để tranh cướp lộc hoa tre tại hội Gióng diễn ra hôm mùng 6 tháng giêng - (Ảnh: N.Đ. T).
Nhiều biến tướng
Hiện tại đang là mùa lễ hội, nhiều người tranh thủ đến chùa xin lộc đầu năm để cầu may. Tuy nhiên, không ít các lễ hội có nhiều biến tướng như: Cướp lộc, cờ bạc, chơi đỏ đen...
Về vấn đề này, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhận định, đi lễ hội đầu năm để cầu sức khỏe, xin lộc, cầu may là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, hiện một số lễ hội xuất hiện nhiều biến tướng như cướp lộc, cờ bạc trá hình... vi phạm các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội.
“Cướp lộc, cờ bạc trá hình thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng”, bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, cướp lộc biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi, nên nhiều người giành giật, tranh cướp, dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm.
Trước ý kiến cho rằng, mặc dù Bộ VHTT&DL đã có quy định không tổ chức các lễ hội thực hiện các hành vi mang tính bạo lực, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận... nhưng tại một số địa phương vẫn tồn tại, bà Thủy cho rằng, đối với những lễ hội còn duy trì các tập tục không còn phù hợp, Bộ đề xuất tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục…
Cũng theo bà Thủy, đầu năm 2017, các lễ hội có một số tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã có sự chuyển biến rõ rệt như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) (đây là năm thứ hai không tổ chức chém lợn công khai giữa sân đình); Hội đả cầu, cướp phết ở Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn, không có nội dung tổ chức cướp phết, mà chỉ trình diễn nghi lễ….
Tuy nhiên, vẫn có địa phương thực hiện chưa tốt công tác quản lý lễ hội nên còn hiện tượng thương mại hóa như thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang...
Vì thế, để hạn chế những hiện tượng trên, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, nghiên cứu xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh trong lễ hội.
Đối với những lễ hội còn duy trì các tập tục không còn phù hợp, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở để điều chỉnh.
Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội theo hướng tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; thành lập các đoàn kiểm tra trước, trong và sau lễ hội.
Còn cảnh “đầu rơi máu chảy” sẽ bị xử lý
Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL cho biết, Bộ VHTTDL cấm những lễ hội mang tính chất phản cảm.
Chẳng hạn: Cảnh đầu rơi máu chảy hoặc diễn tả những hành động man rợ sẽ bị cấm.
Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL
Ngoài ra, VHTTDL cũng quy định cấm những hành vi mặc trang phục không phù hợp với những nơi tôn nghiêm, những hành vi như đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.
“Tất cả những nội dung đó cũng đã có trong văn bản quy phạm pháp luật. Không chỉ xử phạt những người tổ chức mà còn có thể xử phạt.
Ngoài ra, đối với những người tham gia các hành vi như bói toán, lên đồng, cờ bạc trong hoạt động lễ hội và các hành vi khác thì trong quá trình văn bản quy phạm pháp luật được ban hành thì Bộ VHTTDL sẽ có những theo dõi hành vi của người tham gia lễ hội. Tất nhiên là người tham gia lễ hội thì không thể đưa những văn bản quy phạm hoặc những chế tài xử lý vi phạm vào những ý thức đó mà phải có những biện pháp tuyên truyền, nhiều hơn nữa đối với những người tham gia lễ hội", Bà Hương nói.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn