Theo phong tục của làng, hàng năm cứ vào ngày 13 tháng Giêng là người dân La Phù lại mang lợn ra đình để dâng tế Thành Hoàng. Tương truyền lễ rước “ông lợn” là dịp để người dân tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc giữ nước.
Tích xưa truyền lại, khi đó người dân trong vùng mang lợn đến dâng Tĩnh Quốc Tam Lang để ông khao quân trước khi lên đường đánh giặc. Để tỏ lòng biết ơn người dân gọi ông là Thành hoàng và nét văn hóa đặc trưng này vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.
“Ông lợn” được dâng do các xóm tuyển chọn và nuôi dưỡng chu đáo từ nhiều năm. Mỗi xóm trong làng chỉ được chọn một chú lợn duy nhất và đó phải là con lợn to béo, được chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ và tắm rửa hàng ngày.
Ngay từ cuối giờ chiều ngày 9/2 (tức 13 tháng Giêng Âm lịch), nhiều con đường ngõ xóm trong làng La Phù đã rộn rã tiếng trống chiêng báo hiệu ngày hội đã đến.
Việc tham gia đội hình rước kiệu, đưa lợn ra đình đối với các thanh niên làng La Phù là một vinh dự bởi họ quan niệm việc này sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn, sung túc trong cả năm.
Những chú lợn trước khi tham dự lễ rước sẽ được đưa đến nhà các ông Đám (gia đình đăng cai tổ chức rước lợn cho xóm đó) rồi được làm thịt, trang trí đẹp và đưa lên kiệu đợi giờ đẹp để rước ra đình làm lễ dâng tế.
Năm nay, 17 “ông lợn” được tuyển chọn từ khắp các thôn xóm của làng La Phù được lựa chọn để dâng lên đức Thành Hoàng. Năm nay “ông lợn” nặng nhất có trọng lượng lên tới 216kg.
Các “ông lợn” được trang trí bằng nhiều phụ kiện sặc sỡ, bắt mắt như tai giả, mắt giả, mũi giả... Người La Phù quan niệm, “ông lợn” càng to, càng đẹp thì càng thể hiện được lòng thành của mình.
Điểm quan trọng nhất của việc trang trí “ông lợn” đó là lớp mỡ được bóc cẩn thận phủ lên thân lợn làm áo choàng vì theo quan niệm cảu dân làng, một ông lợn to đẹp được dâng tế sẽ đem lại nhiều may mắn.
Khắp làng trên xóm dưới, toàn bộ người dân làng La Phù đổ ra đường chào đón lễ rước “ông lợn” lên đình làng.
Đúng 21 giờ, các “ông lợn” được rước vào đình làng. Lễ tế sau đó bắt đầu từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau. Tới 7 giờ sáng toàn bộ gia đình có lợn tế lễ mổ xẻ, làm thịt và tán lộc cho những người dân quanh vùng đã đăng ký.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn