Người hùng và ký ức cầu Ghềnh trăm năm

Thứ ba - 24/01/2017 13:27

Người hùng và ký ức cầu Ghềnh trăm năm

Hai người hùng cứu tàu khi cầu Ghềnh sập là 2 anh em ruột trong gia đình có 8 anh chị em, họ đã thật sự trở thành anh hùng trong lòng dân.

Gần Tết, căn nhà nhỏ của anh Huỳnh Ngọc Hoàng nằm chênh vênh bên mé cầu Ghềnh mới phía bờ Nam sông Đồng Nai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đầm ấm với tiếng cười giòn tan của cậu con trai nhỏ gần 5 tuổi. Anh Hoàng là một trong hai “người hùng”- hai anh em ruột đã cứu đoàn tàu không lao xuống sông Đồng Nai khi cầu Ghềnh cũ bị sập.

Anh Huỳnh Ngọc Sơn - 1 trong 2 "người hùng cầu Ghềnh" - đứng bên cây cầu Ghềnh mới được xây dựng lại tương tự cây cầu cũ

“Người hùng”… không biết chữ

Khi chúng tôi đến, anh Hoàng đang ngồi dán những ống nhựa nhỏ, loại ống hút người ta sử dụng trong quán cà phê sau đó bỏ đi, anh nhặt về rồi dùng keo dán lại tạo thành những căn nhà mô hình nho nhỏ xinh xinh, gắn đèn nhấp nháy để cho trẻ con chơi. Anh nói, do sức khỏe yếu nên không đi làm việc nặng được, chỉ làm việc vặt trong nhà và chơi với con, buồn buồn thì đi nhặt nhạnh những cái ống hút, những đồ vật nhỏ người ta bỏ đi về dán thành những căn nhà đồ chơi cho mấy đứa trẻ trong xóm, “nếu có ai mua thì bán”.

Đối diện nhà anh Hoàng, cùng chung mảnh sân nhỏ là nhà anh Huỳnh Ngọc Sơn, anh ruột anh Hoàng, cũng là “người hùng” cứu đoàn tàu tránh khỏi thảm họa khi cầu Ghềnh sập. Anh Sơn là con thứ 5, anh Hoàng là con út trong gia đình có 8 anh chị em. Nhà anh Hoàng, anh Sơn là hai nhà nằm sát chân cầu Ghềnh ở bờ Nam. Đây là đất tiên tổ, xưa mẹ anh Hoàng là người gốc Hoa kết duyên cùng bố anh là người Đồng Nai chính gốc. Hai ông bà khai hoang khu đất ngay sát chân cầu Ghềnh, một bên giáp sông, các bên còn lại giáp bờ kè chân cầu và một ngôi đền lớn. Ông bà có một lò thổi bỏng ngô, gạo để mưu sinh, nuôi đàn con. Khi ông bà khuất núi, để lại cho 8 đứa con khu đất lúc này đã thành mé trung tâm TP, tuy nhiên do đông con, mỗi người chỉ được một miếng vài chục mét vuông, chúm chụm vào nhau với một mảnh sân và lối đi chung. Hiện khu đất này nằm trong khu vực sắp giải tỏa. TP phát triển, không gian hành lang cầu Ghềnh cần được giải phóng thông thoáng.

Anh Hoàng cho biết, năm nay anh 46 tuổi, lấy vợ muộn nên con còn nhỏ. Cậu bé 5 tuổi hiếu động khiến căn nhà nhỏ trở nên sôi động, ấm cúng. Do anh bị đau cột sống không làm được việc nặng nên thu nhập của gia đình nhờ cả vào người vợ buôn gánh bán bưng. Trong xóm, bên cạnh nhà anh Sơn (chúng tôi cũng đã từng gặp để thông tin sự việc khi sự cố xảy ra-PV) và đa số các gia đình khác cũng hoàn cảnh nghèo tương tự như nhau. Sau sự cố sập cầu, do có công chạy báo kịp thời cho nhân viên trạm gác cứu đoàn tàu chỉ còn ít giây là có thể lao xuống sông, anh Hoàng và anh Sơn đều được các ban ngành tổ chức khen thưởng, cũng được vài chục triệu đồng.

Không chỉ vậy, biết việc anh Hoàng là “người hùng” đối với người dân nhưng lại thiệt thòi nhất trong các anh chị em vì… không biết chữ, một cô giáo lớn tuổi trong vùng đã nhận dạy vỡ lòng miễn phí. Thế là cứ buổi chiều, người ta lại thấy người đàn ông dáng khắc khổ cắp sách đến lớp với phấn trắng bảng đen, gò mình đọc từng con chữ a, b, c với các cháu nhỏ, trong lớp học tình thương cách nhà vài km.

Không chỉ cứu đoàn tàu!

Anh Hoàng nhớ lại, hôm đó 20-3-2016, anh đang cùng vợ con chuẩn bị bữa cơm trưa thì bỗng nghe một tiếng “rầm”, âm thanh rất lớn và lạ, không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra. Ngơ ngác, hốt hoảng, theo quán tính anh chạy ra phía sân nhà rồi leo lên bờ kè đường sắt, chạy về phía cầu Ghềnh, cách 100 m, nơi có tiếng động. Thì hỡi ơi, không thể tin được, cầu Ghềnh trên tuyến đường sắt độc đạo Bắc- Nam, tồn tại từ hàng trăm năm nay trên mặt sông rộng lớn đã đổ sập, cả nhịp cầu chính ở giữa bị đứt, đổ oặt xuống sông. Trời ơi, làm sao đây, tàu sẽ đến, hàng trăm, nghìn con người trên tàu. Không thể suy nghĩ được thêm gì nữa, như phản xạ tự nhiên, bóng dáng bé nhỏ của người đàn ông khắc khổ bước thấp bước cao có lúc ngã dúi dụi, lao đi trên đường sắt ngược về phía Nam- nơi có trạm gác chắn của các nhân viên đang làm việc. Vừa chạy, người đàn ông vừa la lớn: “Cầu Ghềnh sập rồi, cầu Ghềnh sập rồi”! Lúc này nhiều người dân đã túa ra (anh Hoàng cũng không để ý phía sau lưng mình, anh Sơn cũng đang chạy hớt hải như thế vừa la toáng lên là cầu Ghềnh sập), nhưng nhiều người vẫn chưa tin. Kể cả khi chạy đến trạm gác chắn cách gần 300 m, anh Hoàng gần như quỵ xuống vì bị đau cột sống, thở đứt quãng thông báo, các nhân viên gác chắn nháo nhào nhưng vẫn chưa tin.

May thay, tổ trực tàu hôm đó đã nhanh nhạy triển khai công tác xử lý tình huống. Anh Phạm Tiến Dũng, 31 tuổi, sau khi nhận thông báo từ anh Hoàng đã lập tức cố gắng bình tĩnh, cùng các cộng sự phối hợp kiểm tra, chuẩn bị cho việc dừng tàu khẩn cấp. Một người chạy về hướng cầu Ghềnh xác minh sự cố đang khiến người dân nhốn nháo. 3 nhân viên dùng tín hiệu để làm cầu nối báo hiệu khẩn cấp. 3 người ở 3 đoạn đường, trong lúc người chạy về phía hiện trường để xác minh, thì người khác cũng lao hết tốc lực về phía ngược lai, dùng tín hiệu của ngành thông báo dừng tàu khẩn cấp cố để tàu kịp dừng càng xa càng tốt.

Đoàn tàu hàng số 2542, đang chạy với tốc độ khoảng 50 km/giờ đã kịp hãm phanh, dừng cách cầu Ghềnh khoảng 200 m. Theo tính toán, nếu không có sự ứng phó kịp thời, việc đoàn tàu này lao tuột lên cây cầu gãy và ào xuống sông chỉ còn được tính bằng giây! Khi lái tàu bước xuống và tá hỏa nhìn cây cầu bị sập trước mặt, bóng dáng anh Hoàng và anh Sơn cũng đã hòa lấp trong đám đông hàng trăm người dân túa ra bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng hãi hùng.

Trong xóm nhỏ chiều cuối năm, khi nhắc lại sự việc nhiều người hàng xóm vẫn nói lời cảm ơn 2 người đàn ông “sứ giả cứu tàu”. “Gần cầu là khúc cua đường sắt, nếu điều xui xẻo xảy ra, đoàn tàu bị lao xuống sông thì những toa phía sau chắc chắn sẽ đổ lật xuống hàng loạt nhà dân sát ngay bên cạnh, khi đó không biết sẽ thêm điều khủng khiếp nào xảy ra…”, những người hàng xóm của 2 “người hùng cứu tàu” nói.

Ký ức trăm năm

Cầu Ghềnh với công năng và kiến trúc đặc sắc của nó đã trở thành một trong những biểu tượng lịch sử, nét văn hóa thân thuộc của những người dân Biên Hòa. Ảnh: TL

Xóm nhỏ ngày nay thuộc phường Bửu Hòa nơi hai anh em Sơn và Hoàng cư ngụ cũng chính là vùng đất lịch sử trăm năm của TP Biên Hòa. Phía đầu cầu bên kia chính là cù lao Phố, nay là xã Hiệp Hòa, vùng đất thương cảng nổi tiếng năm xưa thuở những người gốc Hoa sang lập nghiệp và danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào mở mang bờ cõi. Khi người Pháp chiếm miền Nam, năm 1901, cùng với hệ thống đường sắt, cầu Ghềnh được xây dựng (do hãng Eiffel thực hiện gần như cùng thời điểm với việc xây dựng tháp Eiffel ở Paris). Thế hệ trước, các cha chú của những người dân nơi đây, đã từng đóng góp mồ hôi và cả máu cho công trình lịch sử này. Từ đó đến nay, cầu Ghềnh với công năng và kiến trúc đặc sắc của nó đã trở thành một trong những biểu tượng lịch sử, nét văn hóa thân thuộc của những người dân Biên Hòa.

Thời điểm cầu Ghềnh sập, chúng tôi đã có mặt ở đây nhiều ngày đêm để theo dõi việc cứu hộ và sau đó là xây dựng cầu mới, đã chứng kiến bao nỗi niềm xót xa tiếc nuối của những thế hệ người con Biên Hòa trước sự cố xảy ra đối với biểu tượng trăm năm.

“Cũng như hai anh em cứu tàu khi xảy ra sự cố sập cầu Ghềnh, những người dân ở đây đều cảm thấy thân thuộc với cây cầu biểu tượng gắn bó cả trăm năm này, đều coi cầu như của mình, nhưng thôi coi như nó cũng đã hoàn thành sứ mệnh, phải thay cầu mới…”, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa ngậm ngùi.

Niềm vui có cầu mới

Sau sự cố sập cầu, Chính phủ lập tức chỉ đạo và Bộ GTVT được giao cấp tập xây dựng ngay cầu mới để kết nối lại đường sắt Bắc –Nam, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế. Sau 3 tháng, cầu mới được đưa vào sử dụng với kiểu dáng tương tự cầu cũ. Các bị can liên quan vụ việc để sà lan tông sập cầu đã bị khởi tố, điều tra. Cầu mới có thêm làn đường cho người đi xe máy và đi bộ (trước đó sau vụ tai nạn đường sắt tại đây vào dịp giáp Tết năm 2011, cầu Ghềnh không còn được cho đi chung giữa đường bộ và đường sắt).

“Cầu Ghềnh mới thực hiện đúng tiến độ đề ra, giảm thiểu, khắc phục thiệt hại, các nhịp cầu cũ được trục vớt và sẽ phục vụ cho du lịch, nhìn chung người dân Biên Hòa cũng cảm thấy bằng lòng”, ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa nói.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây