Sáng mùng 4 Tết, vợ chồng vị hoàng thân Nguyễn Phước Bảo Tài (53 tuổi, cháu nội của vua Thành Thái) lại khăn khói trở lại quận Bình Tân- TP HCM tiếp tục công việc phụ hồ để dành dụm tiền lo thuốc men cho đứa con gái duy nhất Nguyễn Phước Thanh Tuyền, 11 tuổi. Ngôi nhà nhỏ mà bạn đọc Báo Người Lao Động cùng Công ty Cổ phần Gentraco xây tặng (ở ấp Nhơn Hưng, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) để làm nơi thờ cúng vua Thành Thái, cung phi Chí Lạc, cha mẹ ông Bảo Tài là hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu (một trong 9 người con của vua Thành Thái) và bà Lý Ngọc Hoa, vị hoàng thân đành gửi lại người thân nhờ trông lo giúp, hẹn Tết năm sau sẽ quay về.
Vị hoàng thân Bảo Tài cùng vợ và con gái
Khác với những cái Tết trước, Tết này vị hoàng thân tỏ ra vui lắm. Vui không phải ông đã phát tài mà vì tình hình sức khỏe của bé Tuyền có nhiều chuyển biến tích cực.
Trước Tết Nguyên đán vài ngày, tôi gọi điện hỏi ông khi nào về quê. Ông bảo 29 hay 30 gì đó, vì cuối năm công việc phụ hồ đang trong những ngày chạy nước rút. Ông cũng khoe với tôi rằng bé Tuyền đã có thể tự đi cả chục bước rồi, không cần đến người dìu đi như Tết năm rồi.
Tết năm rồi, bé Tuyền chưa thể tự đi được, dù đã 10 tuổi
Cũng là người cha, tôi thấu hiểu được niềm vui sướng của cha mẹ khi thấy đứa con bé bỏng của mình bước đi những bước đầu tiên trong đời. Đối với ông Bảo Tài, niềm vui ấy càng được nhân lên gấp nhiều lần. Bởi lẽ, hơn 10 năm qua, vợ chồng vị hoàng thân này hầu như đã dốc mọi sức lực và số tiền có được từ đóng góp của các nhà hảo tâm vào quá trình điều trị căn bệnh bại não mà bé Tuyền phải gánh chịu từ khi mới lọt lòng. Đến nỗi, mỗi khi nghe ai đó bảo có bác sĩ giỏi, dù xa xôi mấy, vợ chồng ông Bảo Tài cũng tìm đến. Để rồi, đã bao lần vợ chồng ông khóc cạn nước mắt vì bệnh tình của con gái chẳng hề tiến triển. Ngày qua ngày, bé Tuyền cứ nằm bất động một chỗ như đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ. Vậy mà, điều kỳ diệu từ những bước chân của bé Tuyền đang dần hiện ra trước mắt vợ chồng vị hoàng thân trong những ngày đầu Xuân mới.
Tết năm nay, bé Tuyền tự mình đi được cả chục bước khiến gia đình ông Bảo Tài vỡ òa niềm vui
Kể về quá trình chữa trị cho bé Tuyền, ông Bảo Tài cho biết gần đây, thông qua báo chí, những nhà hảo tâm thuộc hội Nguyễn Phước tộc ở nước ngoài đã hỗ trợ chi phí cho bé Tuyền điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec ở Hà Nội. Theo đó, vợ chồng ông Bảo Tài đã 2 lần đem bé Tuyền ra Hà Nội điều trị, mỗi lần khoảng 15 ngày. Chi phí đi lại, ăn uống và nhà trọ tại Hà Nội đều do vợ chồng ông lo liệu từ số tiền phụ hồ 400.000 đồng/ngày/2 người. “Tới tháng 3 này, bé Tuyền sẽ tiếp tục ra Hà Nội điều trị đợt 3. Mong rằng con bé sẽ đi được thêm nhiều bước nữa”- ông Bảo Tài tỏ ra phấn khởi.
Anh em của ông Bảo Tài có tất cả 7 người, hiện 6 người còn sống. Ông Bảo Tài là con út trong gia đình. Do tất cả đều nghèo khó nên mỗi người sống mỗi nơi tại Việt Nam. Trước khi lên TP HCM làm phụ hồ, vị hoàng thân Bảo Tài từng trải qua các công việc chạy xe ôm, thuê mặt bằng mở quán cơm nhỏ phục vụ công nhân lao động tại Cần Thơ.
Ông Bảo Tài thắp hương lên bàn thờ ông bà, tổ tiên trước khi trở lên TP HCM tiếp tục công việc phụ hồ
Trước khi lên xe đò trở lại TP HCM, ông Bảo Tài tỏ ra lo lắng cho người anh kế của mình năm nay 57 tuổi nhưng nghèo khó không kém gì ông. “Gia đình anh ấy cũng thiếu trước hụt sau. Bản thân anh ấy không có việc làm. Phải chi có công ty nào nhận vào làm bảo vệ thì chắc anh ấy vui mừng lắm”- ông Bảo Tài tâm sự với tôi.
Thành Thái là vị vua thứ 10 của triều Nguyễn, tại vị từ năm 1889 đến năm 1907. Do chống Pháp nên ông bị phế truất và bị đưa đi đày trên đảo Réunion thuộc Pháp ở châu Phi từ năm 1916 đến năm 1947. Đi cùng vua Thành Thái khi đó còn có con trai là vua Duy Tân và các hoàng phi Giai Triệu, Chí Lạc.
Hoàng phi Chí Lạc, nhũ danh Hồ Thị Mừng, đã hạ sinh cho Thành Thái 9 người con. Những hoàng tử, công chúa ấy chưa từng có diễm phúc được sống trong nhung lụa.Ở nơi đất khách quê người, bà Chí Lạc luôn hướng những người con của mình về nguồn cội, bằng cách dạy tiếng Việt và cả những nhạc cụ dân tộc cho họ.
Dù cuộc sống rất khó khăn, vua Thành Thái vẫn giáo dục con cái một cách nghiêm khắc. Ông phân công cho mỗi người con đảm nhận từng công việc trong gia đình. Các công chúa Lương Mỹ, Lương Hảo phụ mẹ việc bếp núc; hoàng tử Vĩnh Quỳnh lo vườn tược, Vĩnh Khôi làm cận vệ cho cha, Vĩnh Giu đảm nhận việc trầu cau và lo bữa điểm tâm, còn Lương Thâm, Vĩnh Cầu, Lương Cầm phụ dọn dẹp nhà cửa...
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trước áp lực của dư luận, đặc biệt là sự vận động không mệt mỏi của vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường (con gái và con rể vua Thành Thái), thực dân Pháp phải trả tự do cho cựu hoàng Thành Thái. Đầu tháng 5-1947, toàn bộ gia quyến của cựu hoàng đã trở về VN.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn