Thịt ngon, nhanh lớn, chân to gấp nhiều lần gà thường… là những đặc điểm nổi bật của gà Móng quý hiếm.
Gà vào “Sách đỏ”
Các cụ bảo rằng, sở dĩ có tên làng Móng bởi nhìn từ trên xuống, làng của họ có dáng cong cong hình móng ngựa khi được bao bọc bởi dòng Châu Giang hữu tình. Cao niên ở làng Móng cho biết, chẳng rõ gà Móng xuất hiện nơi đây từ khi nào. Chỉ biết, hàng trăm năm qua, gà Móng đã có ở làng, được các tiền nhân lấy tên làng đặt cho giống gà cổ thuần chủng này.
Ngày nay, gà Móng được xác định có nguồn gene thuộc loại quý hiếm số 1 Việt Nam, được ghi vào Sách đỏ bảo tồn. Dù vậy, gà Móng là loài vật duy nhất không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn. Gà được nhân giống từ làng Móng, nuôi phổ biến trên toàn xã Tiên Phong. Ông Trần Xuân Xưởng, người làng Móng có hơn 30 năm kinh nghiệm nuôi gà quý hồ hởi: “Gà Móng bản địa có thân hình to lớn, nuôi 7 tháng con trống đạt 3,5 - 4kg, con mái nặng 2,5 - 3kg. Gà trống gáy trầm, lông màu đỏ tía, chân to nên còn gọi gà “chân voi”. Vảy thẳng không xù xì như gà Đông Tảo (Hưng Yên). Gà mái lông trắng nhạt, mỗi năm đẻ từ 200 - 300 trứng. Gà con khi nở màu lông trắng, chân vàng, vảy thẳng, kẽ chân có viền đỏ không lẫn vào đâu được. Thịt gà Móng dẻo, ngọt, giòn da, thơm ngon ngang với những loại “gà tiến Vua” như gà Hồ, gà Đông Tảo”.
Vào năm 2003, một cuộc khảo sát thực trạng nuôi gà ở Tiên Phong được thực hiện. Kết quả, gà Móng được Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) xác định có nguồn gene quý hiếm. Năm đó, giống gà quý được ghi vào Sách đỏ bảo tồn. Làng Móng cũng trở thành làng nuôi gà “Sách đỏ độc nhất vô nhị” trên cả nước.
Có của ăn của để nhờ… gà
Tại xã Tiên Phong, ông Xưởng được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm nuôi gà Móng.
Đã có rất nhiều gia đình nghèo trên ngôi làng cong cong hình móng ngựa thoát nghèo, có cuộc sống sung túc. Lão nông Xưởng cho hay, không ai bảo ai, không nhà nào mang giống gà khác về nuôi. Từ làng Móng, gà được nhân nuôi trên khắp xã, cả xã có hơn 700 hộ dân, thì gần 700 hộ nuôi giống gà này. Mỗi năm, gà đóng góp hơn 30% tổng thu nhập của toàn xã. Gà Móng được nuôi thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là nông sản, bèo, tảo vì vậy mà thịt chắc, đậm, dẻo, thơm ngọt, da giòn và không có mỡ dưới da nên không thể lẫn với bất cứ loại gà nào. Trước đây, khi gà Móng chưa nổi tiếng, các hộ dân làng Móng chủ yếu nuôi gà phục vụ nhu cầu gia đình, dư giả thì mới đem bán.
Giờ đây, khi giống gà quý đã nổi danh cả nước, được “thượng đế” khắp nơi ưa chuộng, lùng mua. Phong trào nuôi gà Móng ở Tiên Phong rộ lên. Nhà nào nuôi ít cũng hàng trăm con, nhà nhiều có đến vài nghìn con. Nơi đây, đã có hàng trăm gia đình xây nhà khang trang, nuôi con ăn học đại học nhờ thu nhập từ việc nuôi thương phẩm giống gà quý.
Ông Nguyễn Văn Thắm, hộ nuôi hơn 1.000 gà Móng đẻ và hàng trăm con gà trống cho biết, trung bình mỗi lứa gà Móng phải nuôi 7 tháng trở lên. Mỗi năm gà mái đẻ 5-7 lứa (10-15 trứng/lứa). Tỷ lệ ấp nở thành công 80%. Mỗi gà mái có thể cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/năm. Riêng với gà thịt, ngày thường giá dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Vào dịp gần Tết giá gà lên tới 180.000 – 250.000 đồng/kg. Dù giá có giảm chút ít song thời gian sau Tết Đinh Dậu này, vẫn nhiều khách hàng săn lùng gà Móng cho các mâm cỗ đãi khách của mình. Vậy nên, so với gà thông thường, thu nhập từ nuôi gà Móng cao hơn cả chục lần. Nhiều gia đình ở Tiên Phong có thu nhập đến vài trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi gà Móng.
Nhưng quan trọng hơn cả, đây là giống gà có sức đề kháng cực tốt. “Giống gà này khỏe, chịu bệnh tốt, mấy lần trúng dịch cúm H5N1 chẳng hề hấn gì. Từ khi được đưa vào Sách đỏ, những hộ chăn nuôi chúng tôi được hỗ trợ phòng dịch nên càng thuận lợi. Cũng nhờ gà Móng cả đấy, tôi xây nhà tầng khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Nhờ có con gà Móng mà nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn của để”, ông Thắm gật gù tâm sự.
Giải thích việc gà Móng không hề hấn gì qua mấy lần có dịch H5N1, ông Thắm lý giải, có ba lý do gà Móng nói “không” với dịch H5N1: Thứ nhất là do vị trí địa lý được bao bọc bởi con sông Châu Giang, cách ly với xã khác; Thứ hai là ở đây chỉ nuôi duy nhất gà Móng với sức khỏe tốt; Thứ ba là gà Móng được chăm sóc rất cẩn trọng, nhất là được người dân phòng bệnh cho rất tốt.
Gà Móng “lên hương”
Gà Móng có thân hình khỏe, chắc, nổi tiếng về khả năng kháng dịch bệnh. Ảnh: Đình Việt
Cũng có thời gian, việc nuôi gà Móng bế tắc “đầu ra”. Gà nuôi chất lượng nhưng việc đưa ra thị trường gặp rất nhiều khó khăn. Ấy là khi con gà làng Móng chưa có “tên tuổi”. Nhiều lần, muốn “khai sinh” con đường đưa gà lên Thủ đô tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Thắm đã ôm gà hàng chục lần lên các siêu thị, nhà hàng ở Hà Nội tiếp thị.
Cả tuần trời lê la ở Hà thành, nhưng nỗ lực của ông Thắm đều thất bại. Không phải bởi lý do về chất lượng gà mà do chưa có “dấu hiệu” rõ rệt để khách hàng phân biệt được loại thịt gà giá cao này.
Đó là chuyện cũ, còn bây giờ, phần vì “hữu xạ tự nhiên hương”, phần nhờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, giá trị đích thực của giống gà bản địa quý hiếm đã được xác nhận. Tiếng thơm gà Móng vang khắp cả nước. Ngày thường, cũng có nhiều người lặn lội từ các tỉnh tìm về đây mua gà về buôn bán. Ngay cả nguồn gà giống cũng sản xuất đến đâu, bán chạy đến đấy. Tuy nhiều nơi mua giống về nuôi, nhưng chất lượng gà Móng thơm ngon nhất vẫn chỉ có ở làng Móng.
Dân làng Móng bảo, thịt gà Móng ngon “trứ danh” có thể chế biến thành nhiều món độc đáo “ăn rồi thèm chèm chẹp”. Như món gà Móng luộc chấm muối chanh, tưởng chừng không có gì hấp dẫn, vậy mà, thịt gà chín rất ngọt, những bắp thịt đùi, bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau, khi ăn cảm nhận thịt không có gân, ngọt lưỡi. Cầu kì như các món hầm thuốc bắc, nấu đông, quay chảo, hấp lá sen, hấp gừng, xào lăn…cho đến nem da giòn thơm, lòng mề xào ớt bùi bùi, cay cay hương vị khoái khẩu…Khách phương xa đến làng Móng thưởng thức đặc sản “gà làng” một lần, ra về bịn rịn mãi.
Có sức hấp dẫn riêng, gà Móng ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Vào những dịp Tết, sau Tết, làng Móng rộn ràng đón khách hàng khắp nơi đổ về mua gà. Người mua nhỏ lẻ, cầu kỳ làm quà biếu, tặng thì thường tìm đến tận nơi để tuyển lựa cho mình một con gà ưng ý. Theo chân những người khách phương xa, gà Móng rộn ràng đi khắp nơi và góp phần làm nên hương vị mâm cơm cúng gia tiên, đãi khách quý những ngày Tết và sau Tết.
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận thương hiệu “Để gìn giữ, bảo tồn nguồn gene quý của gà Móng, địa phương đã thành lập Hiệp hội chăn nuôi và kinh doanh gà Móng Tiên Phong. Chúng tôi rất mừng, những nỗ lực đã đem đến thành công, con gà Móng quê hương chúng tôi đã có thương hiệu. Tháng 4/2016, Nhãn hiệu gà Móng Tiên Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp. Qua đó nâng cao giá trị thương hiệu, khả năng cạnh tranh, góp phần bảo vệ nguồn gene quý hiếm” – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong, Trần Quốc Thắng phấn khởi nói. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn