Đó là các quyền con người, quyền công dân sẽ được bổ sung trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự được Bộ Công an kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV năm 2018.
Đã được Hiến định
Dự án luật này sẽ bổ sung các quyền dân sự, quyền kết hôn, ly hôn, quyền hiến mô, hiến tạng đối với người đang chấp hành án phạt tù, người bị kết án tử hình và quy định thời gian giải quyết đơn xin ân giảm, đơn kêu oan của người bị kết án tử hình.
Thực tiễn quá trình người bị kết án tử hình chờ thi hành án, họ và thân nhân đề nghị được đăng ký kết hôn, lấy tinh trùng của người bị kết án tử hình để lưu giữ tại cơ sở y tế nhằm mục đích duy trì nòi giống, mục đích nhân đạo... Đây là những yêu cầu chính đáng về quyền con người đã được Hiến định. Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự hiện hành chưa quy định. Để giải quyết yêu cầu này trong cuộc sống, Luật Thi hành án hình sự cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đề cao nguyên tắc nhân đạo, cải cách tư pháp và hội nhập.
Đặng Văn Tuấn (SN 1976; ngụ quận 1, TP HCM) bị tuyên tử hình về tội “Giết người” Ảnh: PHẠM DŨNG
Hiến pháp 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn” (điều 36); “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của pháp luật” (khoản 3, điều 20). Như vậy, việc kết hôn; ly hôn, hiến mô, cho tinh trùng... là quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 quy định.
Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Bộ Luật Dân sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017) cũng quy định quyền kết hôn là một trong những quyền nhân thân trong hôn nhân gia đình (điều 39); quyền hiến - nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được quy định tại điều 35 Bộ Luật Dân sự 2015. Còn Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28-1-2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân - Gia đình 2014 cũng quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định về việc cho tinh trùng, noãn.
Bảo đảm quyền con người
Theo Luật Thi hành án hình sự năm 2010, chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tạm giam.
Tại điều 4 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 (hiện lùi hiệu lực theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 của Quốc hội) thì việc tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm: “1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 2. Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh, quyết định về tạm giữ, tạm giam, trả tự do của cơ quan, người có thẩm quyền; 3. Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; 4. Bảo đảm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan; 5. Áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các đặc điểm nhân thân khác của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”. Tại điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 còn quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam có quyền “được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam”.
Một nguyên tắc tiến bộ, bảo đảm quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật định “(điều 14). Như vậy, quy định cụ thể của các đạo luật nêu trên đều không cấm người bị kết án tử hình kết hôn; hiến, cho, lưu giữ tinh trùng...
Hiến pháp và các đạo luật nói trên bảo đảm tối đa về quyền con người, kể cả người đang chấp hành hình phạt tù, người bị kết án tử hình. Vì thế, những nội dung bổ sung về quyền kết hôn, ly hôn, hiến tạng... của người đang chấp hành hình phạt tù, người bị kết án tử hình trong dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự là cần thiết, thể hiện tính nhân văn của nhà nước.
Việc cụ thể hóa Hiến pháp còn chậm Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành hơn 3 năm qua. Thế nhưng, việc cụ thể hóa Hiến pháp vào cuộc sống bằng các đạo luật đến thời điểm này là chậm so với yêu cầu của người dân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Để bảo đảm quyền con người - quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp - trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự 2010, các cơ quan tư pháp trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn tòa án, thi hành án hình sự, cơ sở giam giữ, các cơ quan khác có liên quan tạo điều kiện để người bị kết án tử hình và thân nhân của họ được thực hiện ngay các quyền dân sự, quyền nhân thân theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013. |
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa)
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn