Rất đông người dân đến đền Trần (Nam Định) để xin ấn trong ngày khai ấn hằng năm.
Mới đây, thông tin được Facebooker Lương Ngọc Huỳnh chia sẻ trên trang cá nhân về việc ai cũng có thể sở hữu một lá ấn tại đền Trần (Nam Định), khiến uy linh của các Vua Trần bị tổn thương nghiêm trọng đã gây xôn xao dư luận.
Theo Facebooker này, người đóng ấn Vua ban phải là Vua hoặc chí ít cũng phải là Thừa Tướng được Vua uỷ quyền thì cái ấn đó mới có giá trị, còn mấy cụ trông nom khu di tích dám cầm ấn của Vua "làm giả" không phải ấn của Vua thật để đóng và phát loạn lên lại còn để cho những kẻ đầu cơ ở chợ đen mang bán thì quả là quá to gan lớn mật.
“Ấn Vua là để thưởng công cho những người có công với nước với dân, chứ không phải để phát cho mấy bà bán tôm, bán tép, bán hàng trà đá vỉa hè, cũng không phải ban phát cho những kẻ tham chức tham quyền, tham quan, tham nhũng tiền bạc của nhân dân”, facebooker viết.
Chia sẻ của faceboker Lương Ngọc Huỳnh nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ảnh chụp màn hình
Ngày 8/2, trao đổi với PV, PGS.TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia thông tin, ấn ở đền Trần hiện nay không phải là ấn Vua mà chỉ là ấn ở các đền phủ xưa với tính chất trấn yểm, cầu an nên ai cũng có thể xin.
“Ngày xưa ấn tín là bùa chú của các đền, có tính chất hỗ trợ việc an dân. Các gia đình xin ấn với mong muốn tìm sự phù trợ của thần linh. Ngày nay, người dân đồn thổi cộng với lễ hội vài năm gần đây có sự hiện diện của quan chức cấp cao khiến người ta lầm tưởng ấn đền Trần thực sự có thể giúp thăng quan tiến chức, hưởng bổng lộc nên đổ xô đi xin”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, nói ấn đền Trần là ấn vua ban thưởng cho người có công đó chỉ là huyền thoại đương đại, do người dân lầm tưởng chứ không phải như vậy. Ấn đền Trần chỉ là ấn nằm trong tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, các nơi thờ Đức Thánh Trần đều có những ấn tương tự.
Ông Quang cho biết thêm, trong thời xưa, lễ khai ấn không được diễn ra thường xuyên và trải qua thời kì chiến tranh chống Mỹ, chống Pháp cũng bị gián đoạn. Những năm đầu thế kỉ 21, lễ hội mới rục rịch khôi phục trở lại trong phạm vi hẹp.
“Đến khoảng những năm 2004-2005, lễ hội mới được phổ biến rộng rãi ra toàn tỉnh Nam Định và toàn quốc. Từ đó đến nay, lễ hội được tổ chức liên tục”, ông Quang chia sẻ.
Cảnh tượng chen lấn, dẫm lên đầu nhau để xin ấn những năm trước.
Ông Cao Xuân Hoạt - Trưởng ban quản lý Di tích đền Trần cho biết thêm, lễ hội khai ấn đền Trần đã có từ hàng trăm năm nay và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ khai ấn Đền Trần có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.
“Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Ấn không có giá trị phù trợ cho đường quan lộc mà chỉ để cầu tài, cầu phúc, cầu bình an”, ông Hoạt nói.
Năm nay, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 7-12/2 (tức 11-16 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Lễ khai ấn sẽ diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng. Lễ phát ấn sẽ bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng 15 tháng Giêng (sớm hơn 30 phút so với mọi năm) tại khu vực nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. Số lượng ấn phát ra không giới hạn. Sẽ có khoảng hơn 1.000 cán bộ chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, bảo vệ trên địa bàn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại lễ hội Đền Trần năm 2017. |
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn