Tổng thống Pháp Macron từng tuyên bố sẽ biến Pháp thành "quốc gia startup", và trở thành cái nôi cho dự án taxi bay đầy tham vọng của Uber chính là cách tốt nhất để bắt đầu thực hiện mục tiêu đó.
Dự án xe tự lái của Uber - từ chấm dứt thử nghiệm tại Arizona cho đến khiến thị trưởng của Pittsburgh nổi giận - đã có một tuần không mấy suôn sẻ. Trớ trêu thay, sáng kiến taxi bay của Uber lại đang có một tương lai rất sáng sủa đang đón chờ ở phía trước. Theo trang Futurism, Uber vừa tuyên bố vào hôm nay (25/5) rằng hãng sẽ mở một trạm nghiên cứu Uber Elevate ở Paris. Các nhà nghiên cứu của Uber sẽ dành 5 năm tới và 23,4 triệu USD để nghiên cứu cách điều hướng giao thông hàng không và tuân thủ các quy định của Châu Âu.
Đây là phòng thí nghiệm ô tô bay đầu tiên của Uber bên ngoài nước Mỹ, nhưng cũng không phải là điều bất ngờ khi dự án được "cất cánh" tại Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo cách đây một năm rằng ông dự định biến Pháp trở thành "quốc gia khởi nghiệp", và ông đã cố gắng giữ lời hứa từ đó đến nay.
Bên cạnh thỏa thuận Uber, Pháp đã thực hiện một số tiến bộ lớn cho mục tiêu đó: Facebook sẽ chi 48 học bổng trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học Pháp, IBM sẽ tạo ra 1.800 việc làm công nghệ cao trong nước, hãng startup vận chuyển thực phẩm Deliveroo sẽ đầu tư khoảng 117 triệu USD trong vài năm tới. Nhiều chính quyền địa phương cũng đã có tiến bộ trong việc hỗ trợ khởi nghiệp bằng cách cung cấp không gian cho các công ty Hyperloop để tiến hành thử nghiệm. Thành phố Limoges, Pháp đã thu hút startup Canada TransPod với không gian xây dựng dành cho các nguyên mẫu. Trong một thỏa thuận tương tự, Orleans, một thành phố xa hơn ở phía bắc, có khả năng sẽ trở thành trụ sở cho dự án SpaceTrain
Tuy nhiên, tham vọng lớn nhất vẫn là taxi bay của Uber. Điều này một phần là do giao thông máy bay luôn phải được điều tiết chặt chẽ, và vẫn chưa rõ những loại máy bay này sẽ được xếp vào đâu - chúng không phải là máy bay đầy đủ, nhưng chúng còn hơn cả máy bay không người lái. Tại Mỹ, NASA đã lường trước về các dự án như thế này bằng cách tăng cường các bộ phận nghiên cứu mới, ví dụ như tích hợp hệ thống máy bay không người lái vào Hệ thống Không phận Quốc gia. Họ trao nghiên cứu của họ cho Cục Hàng không Liên bang (FAA), cơ quan đưa ra tất cả các quy định về việc ai có thể làm gì và khi nào trong không phận. NASA cũng đã cộng tác với Uber về các tiêu chuẩn an toàn.
Tại Pháp, máy bay không người lái thương mại bắt buộc phải có người vận hành được huấn luyện tốt, một số người có thể cần giấy phép phi công. Một cơ quan điều tiết khác mà Uber cần làm việc là Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu (EASA), đơn vị đang lên kế hoạch ban hành các hướng dẫn về máy bay không người lái dự kiến sẽ có trong năm nay. EASA vẫn chưa hề lên tiếng về dự án này của Uber, khiến việc triển khai taxi bay của công ty có thể sẽ gặp ít nhiều khó khăn.
Nếu Uber vẫn muốn thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng của mình vào năm 2020, họ sẽ cần "đèn xanh" của EASA càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tình hình của công nghệ xe tự lái hiện tại, có lẽ EASA không thực sự phải quá vội vàng làm gì cả.
Hoàng Lan
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn