Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ nhì thế giới, là miếng bánh đầy hấp dẫn mà ai ai cũng muốn có phần. Với một tên tuổi mới mẻ như Mobiistar, có được chỗ đứng tại nơi đây thực sự không phải là chuyện một sớm một chiều.
Sự kiện ra mắt của Mobiistar tại Ấn Độ
Vào ngày 24/5 vừa qua, Mobiistar đã chính thức "lấn sân" sang thị trường Ấn Độ, ra mắt hai sản phẩm giá rẻ XQ Dual và CQ, đồng thời tuyên bố sẽ chọn quốc gia này làm trụ sở chính để điều hành công việc toàn cầu. Tập trung vào camera selfie cùng mức giá rẻ, có thể nói mục tiêu lớn nhất của Mobiistar lúc này là giành thị phần ở phân khúc smartphone bình dân - vốn đang bị những thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi thống trị.
Chia sẻ với trang tin Ấn Độ Indiatimes, ông Ngô Nguyên Kha, CEO Mobiistar có nói: "Điện thoại hỗ trợ 4G hiện có rất nhiều ở Ấn Độ và mạng 4G cũng đang phát triển nhanh chóng. Đây được xem là thị trường trọng điểm của ngành công nghiệp di động và chúng tôi nhìn thấy những cơ hội lớn tại nơi này".
Theo công ty nghiên cứu IDC, thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm đạt 14% với tổng số 124 triệu chiếc vào năm 2017, khiến đây trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất trong số 20 thị trường điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn cầu.
Tất nhiên, đối với một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, phân khúc bình dân sẽ là nơi sự cạnh tranh diễn ra gay gắt nhất. Ngay cả Samsung cũng mất đi vị thế thống trị của mình sau khi Xiaomi gia nhập thị trường, còn iPhone – smartphone cao cấp của Apple chỉ có thị phần khiêm tốn là hơn 2%. Vậy, Mobiistar lấy gì để cạnh tranh, khi hai thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới cũng không thể?
XQ Dual và CQ, hai smartphone đầu tiên của Mobiistar tại Ấn Độ.
Chúng ta hãy thử nhìn sang Xiaomi, thương hiệu smartphone có thị phần cao nhất Ấn Độ một chút. "Bí kíp" thành công của thương hiệu Trung Quốc này là gì? Nếu bạn hỏi bất kỳ một ai đó rằng họ ấn tượng điều gì nhất với Xiaomi, câu trả lời gần như chắc chắn sẽ là "giá rẻ nhưng cấu hình tốt". Vậy tại sao Xiaomi có thể bán rẻ, hay tại sao các thương hiệu khác lại không bán rẻ như Xiaomi để cạnh tranh? Câu trả lời là hãng chấp nhận lợi nhuận thấp, build sản phẩm làng nhàng vì phải cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và kinh doanh.
Trung Quốc nổi tiếng là nơi có lượng nhân công đông đảo nhưng rẻ mạt, nên chi phí sản xuất rõ ràng sẽ rẻ hơn. Xiaomi cũng không đầu tư vào quảng bá, và nếu bạn còn nhớ thì cách đây vài năm bạn có tìm "đỏ con mắt" cũng chẳng thấy cửa hàng bán smartphone nào của hãng. Thay vào đó, Xiaomi chỉ bán trên các kênh trực tuyến, tập trung phát triển sản phẩm để xóa bỏ định kiến "của rẻ là của ôi". Sau khi chiếm được cảm tình của thị trường, hãng từ đó mới bắt đầu đẩy mạnh việc kinh doanh.
Quay trở lại với Mobiistar, tại thị trường Việt Nam được biết đến như là một nhà sản xuất ODM (đọc thêm tại đây ). Có lẽ họ đang đi theo con đường của Xiaomi và quyết cạnh tranh "khô máu" với nhà sản xuất Trung Quốc này khi hãng tuyên bố sẽ cho ra mắt các sản phẩm trong khoảng giá 6.000 Rs đến 10.000 Rs (2 đến 3,5 triệu đồng) - rẻ hơn cả sản phẩm Xiaomi tương đương, bán thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.
"Chúng tôi sẽ tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị trường Ấn Độ. Ban đầu, máy sẽ được phân phối thông qua hình thức bán hàng trực tuyến rồi sau đó khi mở rộng quy mô, chúng tôi sẽ bán máy qua các kênh trực tiếp".
"Chúng tôi phải đầu tư để đưa sản phẩm của mình tới Ấn Độ và sau đó khiến cho người tiêu dùng biết đến thương hiệu Mobiistar", ông Kha nói thêm.
Mobiistar tuyên bố họ sẽ có 850 trung tâm dịch vụ ngay từ ngày đầu ra mắt, và dự kiến sẽ tăng lên 1000 trong vòng 3 tháng tới. Ngoài ra, họ đang ưu tiên tuyển dụng nhân sự bản địa, đồng thời liên kết với nhà máy V-Sun Technologies để lắp ráp các thiết bị ngay tại Ấn Độ. Đây rõ ràng là một nước đi nhắm chiếm được thiện cảm của người dân nơi đây, khi nhiều công ty nước ngoài thậm chí còn tỏ ra không muốn "dây dưa" với những doanh nghiệp nội địa.
Công ty của Mobiistar tại Ấn Độ hiện đang có 50 nhân sự, và họ đang lên kế hoạch tăng con số này lên 200 bằng cách tuyển thêm các giám đốc điều hành cho những vị trí như bán hàng, tiếp thị và phát triển sản phẩm.
VH
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn