Sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để đánh giá chất lượng biển sau sự cố xả thải của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ đã thành lập hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học về môi trường sinh học biển, thủy văn, hải dương học, hóa học, cùng đại diện các bộ ngành liên quan, tiếp thu ý kiến phản biện của một số chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông Hà bày tỏ hy vọng cùng với sự nỗ lực của các bên, môi trường và các giá trị về kinh tế, sinh thái và nhân văn của dải ven biển miền Trung sẽ sớm được phục hồi, người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. |
GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu, trình bày kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Về chất lượng nước biển, sau khi phân tích 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam, nhóm chuyên gia cho biết các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng cơ bản trong giới hạn cho phép, đảm bảo đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản.
Các thông số sắt, phenol và xyamua - nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường giảm đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép. Cụ thể, quan trắc tháng 5 có 3,8% số mẫu sắt vượt giới hạn cho phép, chủ yếu ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Một tháng sau, lượng mẫu sắt vượt giới hạn chỉ còn 1,8% , chủ yếu ở tầng đáy. Điều này cho thấy, sắt trong nước biển đã giảm đi đáng kể, số lượng mẫu vượt giới hạn cho phép cũng giảm.
Hàm lượng xyanua đạt 0,002-0,1 mg/l (tháng 5) nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng thông số tổng phenol trong tháng 5 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp (2-10 mg/l), nhưng tháng 6 có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là tầng đáy. Điều này là do cơ chế nhả hấp phụ phenol từ dạng phức hỗn hợp và từ trầm tích đáy vào nước biển. Đến tháng 8/2016, phenol trong nước biển giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Về chất lượng trầm tích biển, nhóm chuyên gia đã phân tích 29 mẫu tháng 5 và 146 mẫu trầm tích bề mặt, 16 điểm mẫu cột trầm tích tháng 6, cũng cho giá trị nằm trong giới hạn. Hàm lượng tổng phenol và xyanua giảm rõ rệt theo thời gian. Nếu như tháng 5 phenol kaf 6-12,5 mg/kg thì tháng 6 giảm còn 0,35-1,2 mg/kg. Tương tự, xyanua từ 0,16-0,3 mg/kg tháng 5 giảm 0,11-0,21 mg/kg tháng 6.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra tại các khu vực thuộc Sơn Dương - Hà Tĩnh (khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên Huế (khoảng 160 km2) có thông số cao hơn khu vực khác, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nguyên nhân chịu tác động của dòng xoáy cục bộ.
Về tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt, nhóm nghiên cứu thực hiện tại 9 khu vực có rạn san hô và các dạng nền đáy khác trong vùng biển Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế với 63 điểm khảo sát. Kết quả, thời điểm khảo sát tháng 4 và tháng 5, trên bề mặt đá và các rạn san hô có hiện tượng lớp bột màu vàng phủ bám. Hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt có giá trị cao, dao động 3,80-7,79 ppm.
Tháng 6 và 7, vẫn còn hiện tượng lớp màng màu vàng bám trên bề mặt đá, rạn san hô và các khe đá tại các khu vực có rạn san hô, rạn đá ngầm, nhưng đã giảm đi nhiều. Trên nền đáy bùn và đáy cát hầu như không còn phát hiện được lớp màng bám này. Hàm lượng phenol trong màng bám hệ keo sắt ở 9 khu vực giảm mạnh, khoảng 0,32-1,75 ppm. Nhiều nơi lượng phenol giảm trên 90% như hòn Sơn Dương, Chân Mây...
Về hệ sinh thái, phân tích 3.156 mẫu thuộc các nhóm sinh vật phù du, động vật đáy, san hô, cá biển..., nhóm nghiên cứu cho biết, tháng 4 và 5, rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển. Nhưng đến tháng 6 và 7 không còn hiện tượng trên, san hô bắt đầu phục hồi tự nhiên, cá kích thước nhỏ có dấu hiệu trở lại với mật độ dày hơn.
Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ 28/4 đến 8/8 hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.
Cá nhỏ đã quay về, không nên đánh bắt
TS Friedhelm Schroeder: "Chiều nay tôi sẽ đến biển miền Trung bơi". |
Sau khi nghe báo cáo nghiên cứu, tiến sĩ Friedhelm Schroeder, 40 năm nghiên cứu về môi trường ở Đức đánh giá, chương trình giám sát, phân tích lần này của Việt Nam rất kỳ công, chính xác, tin cậy với phương pháp đánh giá ngang bằng với các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu. "Để chứng minh cho quý vị, chiều nay tôi sẽ ra biển bơi vì tôi rất thích bơi lội", ông nói.
Chia sẻ vui mừng khi cá nhỏ đã quay trở lại biển miền Trung, chuyên gia này cho rằng thời gian tới Việt Nam cần giữ được các loài cá nhỏ, không được đánh bắt ngay, và phải thu hút các nguồn lợi thủy sản khác. Một vài nơi còn phenol thì cần tiếp tục được rà soát, lấy mẫu phân tích. Trong tương lai chúng ta phải kiểm soát tốt không chỉ ở Fomosa mà nhiều tỉnh khác, phải đảm bảo công nghệ xử thải cao và khả năng ứng phó với thảm họa.
Biển tự sạch là quy luật tự nhiên
GS.TS Trần Nghi, người nhiều năm nghiên cứu môi trường, trầm tích biển, đánh giá đây là kết quả nghiên cứu bước 1, chờ nghiên cứu bước 2 lúc đó mới có kết luận khi nào môi trường 4 tỉnh thật sự có thể đánh bắt, cá ăn được, biển trở lại bình thường. "Đây chưa phải là kết thúc nghiên cứu để trả lời thỏa đáng cho dân, nhưng tôi đánh giá cao cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả", ông Nghi nói.
Về các thông số ô nhiễm giảm, ông Nghi giải thích, sắp tới biển sẽ sạch trở lại như trước vì đó là quy luật. "Việc này tôi không phải động viên hay có tính chất chính trị gì cả. Trước đây khi sự cố môi trường xảy ra, tôi cũng về Quảng Bình, chính những người thân của tôi cũng tỏ ra rất bức xúc vì môi trường biển bị hủy hoại, tuy nhiên sau những quy trình đánh giá khoa học, khách quan cho thấy biển sẽ sạch là hoàn toàn tự nhiên", ông nói.
Theo tiến sĩ Trinh Văn Tuyên (Viện Công nghệ Môi trường), thời gian tới không nhất thiết phải quan trắc nhiều điểm, nhiều chỉ tiêu, mà chỉ nên tập trung vào một số điểm còn tích tụ chất độc, giám sát và phân tích xem đã an toàn chưa. Ngành tài nguyên cần giám sát môi trường ở khu vực Formosa để không để xảy ra sự cố như trước đây nữa.
Còn nhiều yếu tố chưa được làm rõ
Nhận xét về báo cáo, PGS.TS Nguyễn Văn Hợp (Đại học Khoa học Huế) cho rằng có một số yếu tố quan trọng "chưa được làm rõ" như trước thời điểm xảy ra sự cố Formosa xử lý nước thải như thế nào? Khi xảy ra sự cố thì Formosa đã thải ra môi trường bao nhiêu tấn phenol, xyanua, bộ phận nào thải ra các chất gây ô nhiễm đó?
Theo ông Hợp, các kết quả nghiên cứu đều đưa ra nhận xét chất độc giảm dần theo thời gian, nhưng giảm đến đâu thì phải có kết quả so sánh, cụ thể là so sánh với trước khi ô nhiễm và với các vùng biển không ô nhiễm như Thanh Hóa, Quảng Nam. "Không thể nói chung chung là đã giảm", ông nói.
TS Chu Hồi: "Cần trả lời câu hỏi của thực tiễn, ăn cá an toàn hay chưa". |
Ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Biển và Hải đảo góp ý, nghiên cứu không nhất thiết điều tra diện rộng vì sự cố xảy ra khá lâu, cần tập trung để trả lời câu hỏi thực tiễn đưa ra như tắm biển được chưa, tắm ở đâu, đánh cá được chưa, đánh khu vực nào, ăn cá toàn hay chưa.
Chủ tịch Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế cho rằng cần công bố thông tin trên đến để người dân biết, yên tâm trong sản xuất; đồng thời giám sát chặt chẽ việc xả thải của Formosa.
Câu hỏi ăn cá được chưa còn chờ nghiên cứu của Bộ Y tế
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, báo cáo tuy chưa trả lời được hoàn toàn câu hỏi cá đã ăn được chưa, biển đã sạch chưa, nhưng cung cấp cho người dân những thông số quan trọng về chất lượng nước biển hiện tại, các quy luật tự làm sạch của biển, các vùng xoáy còn phenol.
Tới đây các nhà khoa học sẽ xác định cụ thể địa danh, vùng biển an toàn để người dân nắm rõ, phục vụ cho việc đánh bắt thủy hải sản, du lịch tắm biển và các hoạt động thể thao. "Về bơi lội, tắm biển và nuôi trồng thủy sản, dưới góc độ khoa học, tôi thấy an toàn tuyệt đối, trừ các vũng xoáy ở bắc đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình, mũi biển từ Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị và Chân Mây - Thừa Thiên Huế", ông Hà nói và cho biết, với vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn hải sản, thì cần chờ thêm nghiên cứu từ Bộ Y tế.
Đầu tháng 4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt khởi nguồn từ khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Tại cuộc họp báo ngày 30/6, Chính phủ công bố thủ phạm khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Doanh nghiệp đã thừa nhận sai phạm, chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, câu hỏi chất lượng biển miền Trung thế nào, người dân tắm và ăn cá đánh bắt trong phạm vi 20 hải lý trở xuống có làm sao không thì còn bỏ ngỏ.
Nhóm phóng viênNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn