Ngày 22/9, tại hội thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn 2025", Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ nay đến năm 2020, Việt Nam đưa ra mục tiêu 80% cơ sở sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải So2, Nox, Co đạt chuẩn chất lượng. 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở xi măng, 70% cơ sở thép, hóa chất và phân bón hóa học được đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục theo quy chuẩn.
Nguồn thải từ phương tiện lưu thông trên đường là một trong nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa: Bá Đô. |
Đánh giá cao bản kế hoạch chi tiết và toàn diện, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam "khá tham vọng" trong một số mục tiêu, nhất là việc lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc ở các cơ sở công nghiệp.
Giáo sư Hoàng Xuân Cơ, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, nêu thực trạng một số nhà máy sản xuất có trạm quan trắc nhưng không sử dụng, vì vậy nếu lắp đặt cần có cách vận hành và giám sát chất lượng số liệu chặt chẽ, minh bạch. Một chuyên gia đến từ Đại học Xây dựng lo lắng liệu các nhà máy có chịu chi tiền không và nhà nước hỗ trợ ra sao khi chi phí cho việc này rất lớn.
Đại diện Ngân hàng thế giới cũng bày tỏ lo ngại về mức chi phí tốn kém trong lắp đặt hệ thống quan trắc, bởi Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông đề nghị Việt Nam nên có cách tiếp cận thận trọng để không tạo áp lực cho doanh nghiệp.
Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng nhiều năm qua vấn đề chất lượng không khí ở Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp so với các quốc gia trong khu vực, nhất là chỉ số bụi PM10 và PM 2,5 luôn cao hơn so với tiêu chuẩn. Nguyên nhân là giao thông đô thị với lưu lượng phương tiện dày đặc cùng hệ thống các khu công nghiệp mà không có biện pháp bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn