Năm 2016, nhu cầu của Đồng bằng sông Cửu Long cần 981 bác sĩ và 398 dược sĩ, trong đó, các tỉnh có nhu cầu cao nhất là An Giang, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang.
Quan trọng hơn, 5 chuyên ngành hiếm gồm Giải phẫu bệnh, Lao, Phong, Pháp y, Tâm thần hiện chỉ có 152 bác sĩ đang làm việc nhưng trong thời gian tới, có đến hơn 50% bác sĩ này đến tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay 13 tỉnh đều có 13 Trung tâm pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y; 8 bệnh viện lao và bệnh phổi ở các tỉnh đi vào hoạt động từ lâu nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh chỉ có từ 1 - 5 bác sĩ, riêng Kiên Giang hiện không có bác sĩ chuyên ngành lao. Có 5 tỉnh không có bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu của bệnh viện tỉnh.
Để đáp ứng nhu cầu cho các tỉnh, thành, thời gian qua, ngoài hệ đào tạo chính quy, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã đào tạo theo địa chỉ cho những sinh viên được địa phương cử đi học và hỗ trợ kinh phí học tập. Các sinh viên làm cam kết học xong về địa phương công tác. Hệ đào tạo này có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn hệ chính quy từ 2 đến 3 điểm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều tỉnh, có không ít người học xong không thực hiện theo cam kết.
BS Từ Công Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang nêu thực trạng: “Dù chúng tôi bố trí các bác sĩ làm tại bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng nhiều em vẫn tìm cách đi. Năm 2015, An Giang có 3 bác sĩ xin bồi hoàn kinh phí để không làm việc tại địa phương. Ngoài ra khá nhiều em mới ra trường, lẽ ra phải làm nghĩa vụ ít nhất 2 năm nhưng các em nằng nặc xin đi học nội trú, rồi học tiếp lên cao hơn. Không cho thì các em bồi hoàn tiền để sang làm ở bệnh viện tư. Mà các bệnh viện tư này sẵn sàng cho mượn hàng trăm triệu đồng để các bác sĩ bồi hoàn tiền đi học”.
ThS.BS Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế Long An, chia sẻ: “Hàng năm Long An có hàng chục học sinh trúng tuyển các trường ĐH y dược ở TP.HCM và Cần Thơ, nhưng học xong các em không về địa phương công tác”.
Theo Sở Y tế Kiên Giang, từ trước đến nay chưa có sinh viên nào tốt nghiệp bác sĩ hệ chính quy về làm ở tuyến xã, trong khi chương trình đào tạo theo địa chỉ cũng chỉ phân bác sĩ tới tuyến huyện mà thôi.
Không chỉ bỏ địa phương, nhiều bác sĩ còn bỏ bệnh viện công để đầu quân cho các bệnh viện tư khiến nguồn nhân lực càng thiếu hụt trầm trọng. Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện tỉnh có 14 - 15 bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư đã tạo áp lực lớn cho các bệnh viện công trong thời gian gần đây.
Theo BS Từ Công Tuấn, với mức lương chỉ hơn 2 triệu cho một bác sĩ mới ra trường tại các bệnh viện công thì sẽ không thể níu chân được bác sĩ khi các bệnh viện tư sẵn sàng trả lương ít nhất không dưới 8 triệu đồng/tháng.
ThS.BS Lê Thanh Liêm nêu thực trạng cơ cấu đào tạo nhân lực ngành y đang mất cân đối và chưa đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện Việt Nam đào tạo quá nhiều bác sĩ nhưng chất lượng có vấn đề, nhiều bác sĩ rất yếu về chuyên môn. Tại Long An, tất cả bác sĩ mới ra trường khi vào công tác đều phải đào tạo lại. Đây là do các trường tăng chỉ tiêu đào tạo nhưng thiếu cơ sở cho sinh viên thực hành.
Trước ý kiến của một số địa phương đề xuất giảm điểm chuẩn đào tạo y dược, BS Lê Hùng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ khẳng định, thiếu bác sĩ đang là vấn đề toàn cầu, nhưng không vì thế mà được phép giảm sút chất lượng đào tạo.
Để thu hút bác sĩ về địa phương công tác, các tỉnh, thành cần có cơ chế chính sách mang tính thuyết phục chứ không chỉ kêu gọi suông. Đồng thời cần liên kết, đề xuất với Nhà nước ban hành chính sách xứng đáng cho người lao động của ngành y tế để thu hút họ vào làm việc tại tuyến công lập. Đó mới là giải pháp căn cơ, chứ không thể chỉ tăng chỉ tiêu, hạ điểm chuẩn, xin cơ chế đặc thù trong đào tạo.
Y tế là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp đến mạng sống con người nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu.
Nguồn tin: www.24h.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn