Cẩn trọng với bệnh sốt mò - nguy cơ gây tử vong cao

Thứ hai - 15/08/2016 23:11

Cẩn trọng với bệnh sốt mò - nguy cơ gây tử vong cao

Bệnh sốt mò là một trong những bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Orientia tsutsugamushi gây ra qua trung gian mò Leptotrombidium. Nếu không được điều trị bệnh sẽ có những biến chứng nặng, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường xuất hiện vào tháng 5 đến tháng 11.
  • 1

    Giới thiệu bệnh sốt mò

    Bệnh sốt mò còn được gọi là sốt rừng rú hay Tsutsugamushi. Nó thường xuất hiện ở các vùng phía Đông Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

    Nguồn bệnh gây ra là dã thú gặm nhấm, chuột đồng, một số loài chim biển, chó, gà, lợn, thỏ. Côn trùng truyền bệnh là ấu trùng mò Trombiculae. Ấu trùng nằm trên mặt đất, ngọn cỏ, khi gặp người hoặc súc vật thì bám vào hút máu truyền bệnh rồi rời khỏi người, tiếp tục biến hóa thành mò trưởng thành.

    Mò phát triển nhiều vào các tháng mưa (tháng 5 đến tháng 11). Người hay mắc bệnh là nông dân, công nhân trồng rừng, bộ đội hành quân ở những nơi có nhiều bụi rậm, lau lách.

    Thời kỳ ủ bệnh 5-7 ngày có thể 10 ngày không có dấu hiệu gì. Bệnh khởi phát có thể từ từ, có thể đột ngột. Bệnh nhân sốt cao 39-41 độ C, kéo dài 15-20 ngày, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, vã mồ hôi, đau các cơ lưng, ý thức kém. Mạch chậm, huyết áp hạ. Thời kỳ toàn phát có xuất hiện triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân. Loài sinh vật này truyền nhiễm trong trường hợp nặng có thể tử vong.

  • 2

    Sinh bệnh học

    Người bị nhiễm sốt mò khi rơi vào vòng lưu hành tự nhiên của bệnh và bị ấu trùng mò đốt.

    Sau khi xâm nhập qua da, orientia nhân lên tại chỗ, tạo thành nốt sần, tiến triển thành nốt phỏng và vết loét hoại tử có vảy.

    Trong cơ thể người, orientia phát triển trong các tế bào nội mạc các mạch máu nhỏ ở tất cả các cơ quan và phủ tạng như phổi, gan, lách, thận, não, tim, gây tổn thương và biểu hiện ở các cơ quan này.

  • Vòng đời phát triển con mò
  • 3

    Dấu hiệu bệnh

    Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 ngày đến 21 ngày (trung bình từ 9 đến 12 ngày).

    Thời kỳ khởi phát bệnh có thể đột ngột hoặc bán cấp, sau một vài ngày mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ.

    Thời kỳ toàn phát: thường gặp sốt, vết loét ngoài da, phát ban, sưng hạch lymphô, tổn thương ở các cơ quan và phủ tạng.

    Dấu hiệu của bệnh thường có 3 dấu hiệu:

    - Nốt loét: Có ở 80% số bệnh nhân bị sốt mò. Sau 24 giờ, vết đốt phồng lên, đường kính 2 mm, 4 ngày dịch đục, 5 ngày mụn vỡ, xung quanh có sẩn cứng sau đóng vẩy màu nâu đen.

    Vị trí vết loét thường ở chỗ da mềm, ẩm, kín như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn; có thể thấy ở đùi, bụng, cổ, ngực, lưng (phần lớn chỉ 1 nốt, một số trường hợp 2 nốt). Khi vết loét khỏi, da xung quanh cứng, đóng vảy màu nâu. Vết loét không ngứa, không đau rát, nên bệnh nhân không để ý đến.

    - Sưng hạch bạch huyết: 91% trường hợp có hạch nổi ở khu vực gần vết loét. Hạch bằng hạt táo, hạt mận, di động, hơi đau. Hạch toàn thân thấy ở nách, bẹn, cổ (45%), thường nhỏ hơn hạch khu vực.

    - Ban dát sẩn: Mọc vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6, có ở 82% các trường hợp, đường kính bằng hạt kê đến 1 cm, màu mận chín, sờ hơi cứng. Ban mọc toàn thân không theo thứ tự, mọc ở mặt, ngực, bụng, tồn tại 4-5 ngày.

  • 4

    Chẩn đoán bệnh

    Bệnh sốt mò rất khó đoán dễ bị nhầm với bệnh khác đến khi phát hiện ra thì đã muộn. Cách chuẩn đoán bệnh phân biệt với các bệnh có sốt khác như:

    - Thương hàn: Sốt kéo dài, li bì, lơ mơ. Bụng chướng, táo bón, có khi tiêu lỏng, đau và ùng ục ở hố chậu phải. Mạch chậm.

    - Sốt rét: Sốt từng cơn, ngoài cơn lại bình thường. Xét nghiệm: Bạch cầu không tăng, hồng cầu giảm, tìm thấy ký sinh trùng sốt rét trong máu.

    - Sốt xuất huyết: Sốt kéo dài nhiều ngày. Mắt đỏ, da hơi đỏ. Ban xuất huyết mọc vào lúc giảm sốt. Cũng có hạch toàn thân, nhưng nhỏ và ít. Bạch cầu không tăng.

    - SARS: Thể biến chứng phổi của sốt mò cần phân biệt với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). SARS có triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục trên 38 độ C; mạch nhanh, nhức đầu, đau mỏi cơ, nổi hạch ngoại biên, đôi khi tiêu chảy. X-quang phổi thấy tổn thương tổ chức kẽ. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng, ôxy giảm. Đặc biệt, SARS lây lan mạnh theo đường không khí (hô hấp), dễ bị suy hô hấp cấp.

  • 5

    Diễn biến bệnh

    Bệnh nhân sốt mò có thể diễn biến nặng ngay từ tuần đầu của bệnh với viêm phổi và suy hô hấp. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, bệnh thường diễn biến nặng từ tuần thứ hai với biểu hiện ở nhiều cơ quan và phủ tạng như hô hấp, tuần hoàn, thần kinh. Bệnh nhân thường tử vong do suy đa phủ tạng, trong đó ARDS là nguyên nhân hàng đầu. Tỷ lệ tử vong của sốt mò trong giai đoạn trước kháng sinh có thể lên tới 50-60%.

    Trong những trường hợp không được điều trị kháng sinh đặc hiệu và không tử vong, bệnh nhân thường hết sốt sau 10-14 ngày; những bệnh nhân nặng có thể có sốt kéo dài 21 ngày hoặc lâu hơn. Nhiệt độ thường hạ nhanh; các biểu hiện khác của bệnh thường khỏi hoàn toàn, mặc dù thời kỳ hồi phục có thể kéo dài. Một số biểu hiện như rối loạn tuần hoàn, giảm thính lực, có thể tồn tại nhiều tuần đến nhiều tháng. Sốt mò ở phụ nữ có thai có thể gây biến chứng về thai sản như sảy thai, thai chết lưu, hoặc cân nặng khi sinh thấp.

  • Bệnh nhân bị mò đốt
  • 6

    Xét nghiệm bệnh

    Bạch cầu giảm ở giai đoạn sốt; lympho tăng; máu lắng tăng; phản ứng Weil Felix OXK dương tính. Nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, chỉ vài ngày sốt giảm, các dấu hiệu trên sẽ hồi phục dần dần và khỏi hẳn.

    Những trường hợp nặng thường có biến chứng vào các cơ quan nội tạng và thần kinh như: viêm phế quản, viêm phổi kẽ, có thể dẫn đến suy hô hấp, viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, rối loạn ý thức, viêm não màng não, một số hôn mê. Tử vong do biến chứng là 1%.

Điều trị bệnh

  • 1

    Điều trị đặc hiệu

    Các thuốc trong nhóm tetracycline là điều trị ưu tiên cho sốt mò.

    - Thuốc hấp thu tốt qua đường tiêu hoá, có thời gian bán thải kéo dài, và ít tác dụng phụ

    - Doxycycline là thuốc được lựa chọn hàng đầu. Liều thường dùng là viên 100mg uống hai lần trong một ngày, kéo dài 7 ngày.

    - Tetracycline được sử dụng ở liều 2g/24 giờ chia 4 lần, cách nhau 6 giờ.

    - Chloramphenicol được sử dụng bằng đường uống hoặc đường tiêm, liều khuyến cáo là 2g một ngày chia 4 lần, cho đến khi hết sốt 2-3 ngày.

    - Các thuốc macrolide cũng có tác dụng với sốt mò, tốt nhất là azithromycin và thuốc này có thể chỉ định cho trẻ dưới 8 tuổi và phụ nữ mang thai.

    Các bệnh nhân sốt mò được điều trị kháng sinh đặc hiệu thường hết sốt trong vòng 2 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Bệnh nhân có thể bị tái phát sau khi ngừng điều trị, nhất là khi sử dụng phác đồ ngắn ngày và bắt đầu sớm, trong tuần đầu của bệnh. Điều trị kháng sinh liều ngắn ngày, vì vậy, không được khuyến cáo; phác đồ dài ngày tốt hơn dùng liều cao ngắn ngày.

  • 2

    Điều trị hỗ trợ

    Người bệnh sốt mò cần được điều trị hỗ trợ như bù nước và điện giải, hạ nhiệt, nhất là khi bệnh nhân sốt cao kéo dài;

    Dùng các thuốc vận mạch khi huyết áp hạ.

    Bệnh nhân suy hấp cần được điều trị oxy và hỗ trợ hô hấp nếu có ARDS.

Nguồn tin: www.lamsao.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây