Một trong những nỗi sợ phổ biến nhất của con người chính là việc bị chôn sâu dưới lòng đất, sau đó bất ngờ phát hiện chính bản thân vẫn còn sống. Mặc dù chuyện này rất hiếm khi xảy ra nhưng nó đã tạo cảm hứng cho tác giả Jan Bondeson viết ra cuốn sách "Buried Alive: The Terrifying History of Our Primal Fear".
Cuốn sách trên được xuất bản năm 2001, trong đó có ghi lại trường hợp của một người phụ nữ đã qua đời trong một cơn động kinh nhưng sau đó bất ngờ đội quan tài sống dậy ngay giữa đám tang, khiến tất cả mọi người xung quanh chết lặng, sau đó người phụ nữ này thậm chí còn sống thêm được nhiều năm nữa. Vậy người phụ nữ đó là ai? Thực hư câu chuyện này ra sao?
Người phụ nữ trong câu chuyện trên có tên Essie Dunbar, 30 tuổi. Vào mùa hè năm 1915, bác sĩ D. K. Briggs ở thị trấn Blackville, bang Nam Carolina, Mỹ, được gọi đến để khám cho một người phụ nữ da đen, chính là cô Essie, người đang lên cơn động kinh dữ dội. Sau đó, bác sĩ Briggs không tìm thấy dấu hiệu sự sống ở Essie nên tuyên bố cô đã qua đời.
Ảnh minh họa.
Thi thể cô Essie được đặt trong một quan tài bằng gỗ và đám tang được sắp xếp tổ chức vào 11h sáng hôm sau. Họ muốn kéo dài chút thời gian để người em gái của cô Essie sống ở một thị trấn lân cận có cơ hội tham gia.
Buổi lễ diễn ra khá dài với tận 3 nhà thuyết giáo thay nhau tiến hành nhưng họ đợi mãi vẫn không thấy người em đến nơi. Cuối cùng, họ quyết định chôn cất quan tài của cô Essie xuống ngôi mộ sâu gần 2 m.
Tuy nhiên chỉ vài phút sau khi quan tài được chôn cất, người em gái của cô Essie đã xuất hiện. Thương cho hoàn cảnh của 2 chị em, mọi người quyết định sẽ đào quan tài lên một lần nữa để người em gái được nhìn mặt cô Essie một lần cuối. Chẳng ai ngờ, khi các ốc vít quan tài được tháo ra và nắp quan tài mở ra, cô Essie đột nhiên ngồi dậy giữa đám tang, quay sang mỉm cười với em gái mình.
Ba nhà thuyết giáo bị sốc nặng đến nỗi ngã cả vào ngôi mộ. Một người thậm chí bị gãy 3 cái xương sườn còn 2 người kia thi nhau chạy trốn vì hoảng sợ. Tất cả những người đưa tang, bao gồm cả em gái của cô Essie, đều vô cùng kinh hãi, tưởng rằng cô Essie là một hồn ma nên la hét thất thanh rồi nhanh chóng bỏ chạy. Tất cả mọi người càng trở nên kích động hơn khi thấy cô Essie trèo ra từ ngôi mộ rồi đuổi theo họ vào thị trấn.
Kể từ đó, cô Essie vẫn sống thêm nhiều năm nữa nhưng luôn bị những người xung quanh nghi ngờ và xa lánh. Họ cho rằng cô là một thây ma trở về từ cõi chết.
Bức ảnh về chân dung bà Essie được lan truyền.
Vậy câu chuyện về Essie Dunbar có thật sự xảy ra? Người phụ nữ này thật sự đã "cải tử hoàn sinh"? Theo tờ Snopes, vào thời điểm đó, không có bất cứ bài báo hay báo cáo nào về câu chuyện của cô Essie. Các báo cáo chỉ xuất hiện trong vài thập kỷ sau đó nhưng không có bằng chứng xác thực. Chính tác giả Jan Bondeson cũng phải lưu ý rằng: "Sau này, câu chuyện về bà Essie đã trở nên phổ biến trong địa phương nhưng không có nghĩa là câu chuyện về người phụ nữ đội quan tài sống dậy được chứng thực khi nó được kể đi kể lại, cuối cùng xuất hiện trên một bài báo về cái chết thật sự của bà vào năm 1955".
Trên thực tế, có một người phụ nữ tên Essie Dunbar đã qua đời vào ngày 22/5/1962. Còn bài báo năm 1955 mà ông Jan Bondeson đọc được viết về cái chết của một bác sĩ đã từng tuyên bố không chính xác về cái chết của Essie. Bà Essie vẫn sống thêm 40 năm nữa nhưng câu chuyện về cái chết của bà lại được nhiều người lớn tuổi trong thị trấn lan truyền.
Bài báo trên đã được in lại nguyên văn trên một số tờ báo vào nhiều thời điểm khác nhau trong những năm 1950, 1960 và 1980. Do đã nhiều năm trôi qua, việc xác minh tính trung thực của câu chuyện là một vấn đề vô cùng nan giải. Tuy nhiên, rất nhiều người tin rằng đây chỉ là một câu chuyện truyền miệng, được tạo ra từ trí tưởng tượng của con người.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/su-that-ve-nguoi-phu-nu-doi-quan-tai-song-day-cuoi-vo...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn