Hình ảnh người đàn ông với khuôn mặt phúc hậu, bận đồ tây trắng, đeo cà vạt nơ đen, tạp dề đỏ, có nụ cười tươi rói đã quá quen thuộc với những ai là tín đồ của gà rán KFC (Kentucky Friced Chicken).
Ông không chỉ đơn giản là đại diện của món ăn nổi tiếng toàn cầu mà còn là người sáng lập ra nó. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau món gà rán hàng tỉ người trên thế giới ăn hàng ngày ấy là cả một câu chuyện dài về sự kiên trì, cống hiến, tham vọng, vượt khó, vươn tới thành công, bất chấp tuổi tác của ông – đại tá Harland Sanders.
Harland Sanders (1890) sinh ra ở một nông trại ở bang Indiana, Mỹ. Thế nhưng tuổi thơ không trôi qua một cách êm đềm như nhiều đứa trẻ khác, năm lên 6 tuổi, cha mất, để lại người mẹ trẻ với cậu bé Sanders còn đang thay răng sữa với 2 người em của cậu nhóc này. Mất đi người cha, nhiệm vụ trông em để mẹ đi làm thuộc về Sanders.
Một trong những nhiệm vụ hàng ngày của cậu bé Sanders lúc ấy là cho các em ăn, vì thế, đến khi vừa tròn 7 tuổi, Sanders đã là một “đầu bếp” thực thụ của gia đình. Có lẽ gà rán – món ăn sau này sẽ làm nên tên tuổi của ông cũng được ông làm quen trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, cuộc sống vất vả thực sự của cậu bé Sanders chỉ thực sự bắt đầu khi mẹ tái hôn lúc cậu 12 tuổi. Cha dượng không thích những cậu con trai riêng quanh quẩn xung quanh mình nên đã gửi em trai ông đến nhà dì còn bản thân ông được đưa đến làm việc ở một trang trại cách nhà 80 dặm, chỉ để em gái ở lại với mẹ. Từ đây, ông nhận ra rằng, mình sẽ phải làm việc cả ngày vì thế, ông bỏ học khi đang ở lớp 7.
Cuộc sống cứ như vậy trôi đi cho đến khi ông 16 tuổi, Sanders đã khai gian tuổi để được gia nhập quân đội 1 năm. Khi ra khỏi quân ngũ, ông bắt đầu bước vào cuộc sống lao động vất vả và bươn trải. Bắt đầu được thuê làm công nhân đường sắt. Nhưng chẳng bao lâu ông bị sa thải vì đánh nhau với đồng nghiệp. Ông buộc phải quay về sống với mẹ rồi kiếm được công việc bán bảo hiểm nhân thọ. Nhưng cuối cùng, Sander ngày ấy lại lần nữa bị đuổi vì vi phạm nội quy. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, ông từng bị đuổi việc tất cả 4 lần trong những năm này.
Cũng trong thời gian đó, 18 tuổi ông gặp được mối tình đầu tiên và cưới cô làm vợ. Tuy nhiên chỉ vì bị đuổi việc, cuộc sống bấp bênh nên lúc 20 tuổi, vợ Sanders đã yêu cầu ly hôn rồi mang theo con gái. Ông đã làm thêm trong một quán cà phê nhỏ và cuối cùng thành công trong việc thuyết phục vợ trở về nhà.
Tất nhiên, đó vẫn chưa là gì, Sander vẫn không hề chán nản hay bỏ cuộc. Năm 1920, ông (30 tuổi) thành lập một công ty tàu phà. Ông đã cố gắng kiếm tiền bằng kinh doanh tàu để lập ra một công ty chuyên sản xuất đèn cuối cùng vẫn không thể cạnh tranh với nơi khác làm tốt hơn mình.
Những thất bại chồng chất, những nỗi buồn riêng trong gia đình nối tiếp nhau, nhưng trong suốt đoạn đời trai trẻ đó của Sanders, duy chỉ có một điều không hề thay đổi, đó chính là tình yêu với món gà rán mà ông biết làm từ thủa nhỏ.
Chính vì thế, đến năm 40 tuổi, ông bắt đầu bán món gà rán của mình ở một trạm dịch vụ nhưng do cuộc cạnh tranh quá gắt gao với đối thủ, kết quả ông chính là người “bị bắn hạ” trong cuộc chiến ấy. 4 năm sau, ông mua lại được một nhà nghỉ từng bị cháy, sửa chữa lại để bán gà rán. Nhưng về sau, ông đã lại định mở thêm một nhà nghỉ mới cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra buộc ông phải đóng cửa.
Một trong những điều kì lạ nhất trong cuộc đời ông là khi đến tuổi 65, sau khi điều hành một nhà hàng trong nhiều năm, ông nhận thấy mình không có một xu dính túi. Ông nhận được một khoản tiền trợ cấp xã hội đầu tiên là 105 đô la. Ông cảm thấy thực sự tuyệt vọng vì có cảm giác như Chính phủ cho rằng ông không thể tự nuôi nổi bản thân mình.
Có thông tin cho rằng sự tuyệt vọng dẫn đến việc ông muốn tự tử, kết thúc những chuỗi ngày thất bại của cuộc đời. Tuy nhiên không có bằng chứng xác thực cho việc này. Hơn nữa, một người tham vọng như Harland Sanders không thể dễ dàng tìm đến cái chết như vậy. Chỉ có khoản tiền trợ cấp ít ỏi nhận được từ chính phủ có vẻ như thức tỉnh đam mê khởi nghiệp của ông một lần nữa. Và đó mới chỉ là khởi đầu cho câu chuyện thành công của ông sau này.
Ông là người thực sự thích chia sẻ công thức gà rán của mình và ông từng nhận được nhiều phản hồi tích cực của những người nếm thử món gà rán của mình. Đến tuổi này, nhiều người lựa chọn sự an nhàn khi về hưu nhưng ông lại tìm đến các nhà hàng khắp khu vực nơi mình sống để tìm kiếm sự hợp tác. Ông muốn ai đó có thể giúp ông quảng cáo công thức gà rán của mình. Thật không may, ông nhận được rất ít sự nhiệt tình giúp đỡ.
Thế rồi bằng sự quyết tâm, không từ bỏ, ông bắt đầu những chuyến đi của mình bằng chiếc xe hơi cá nhân, đến tận các nhà hàng khác nhau rồi nấu món gà rán ngay tại chỗ cho các chủ nhà hàng thưởng thức. Nếu họ thích gà rán, món gà của ông sẽ được họ bán.
Người ta truyền tai nhau rằng, Sanders đã phải nghe 1.009 từ “Không” trước khi nhận được cái gật đầu đầu tiên của mình. Có nghĩa là ông bị từ chối 1.009 lần trước khi những miếng gà rán của ông được chấp nhận. Nếu như người khác sớm đã bị sự từ chối phũ phàng ấy làm gục ngã nhưng có lẽ với Sanders, không gì có thể làm ông bị đánh bại.
Với cửa hàng đầu tiên này ông đã nhận được thỏa thuận, đối với mỗi miếng thịt gà được bán ra, ông sẽ nhận được một khoản tiền nhỏ. Nhà hàng sẽ nhận được các gói hỗn hợp 11 loại thảo mộc và gia vị bí mật mà ông pha chế riêng, tránh cho họ biết được công thức.
Ít ai có thể tưởng tượng được, sau khi nhận được cái gật đầu đồng ý đó, cho đến năm 1964, Sanders đã có tới 600 cửa hàng bán thương hiệu gà rán của ông. Vào thời diểm này ông đã bán công ty của mình với giá 2 triệu đô (khoảng hơn 15 triệu đô hiện tại), nhưng vẫn sẽ là người phát ngôn chính cho hãng.
Năm 1976, Harland Sanders được xếp hạng là người thứ 2 nổi tiếng trên thế giới. Thật tuyệt vời khi bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 65 trong khi hầu hết mọi người đang hưởng thụ tuổi già thì ông lại xây dựng thành công một đế chế gà rán toàn cầu.
Nhiều năm sau thất bại và bất hạnh, cuối cùng ông đã chiến thắng. Xây dựng thành công được slogan "Vị ngon trên từng ngón tay" cho món gà rán nổi tiếng của mình.
Xây dựng thành công được slogan "Vị ngon trên từng ngón tay" cho món gà rán nổi tiếng của mình.
Ở tuổi 90 (1980), ông đã qua đời vì bệnh viên phổi. Vào thời điểm đó, đã có khoảng 6.000 địa điểm bán KFC ở 48 quốc gia. Đến 2013 đã có khoảng 18.000 địa điểm KFC ở 118 quốc gia trên thế giới.
Nếu bạn từng bị sốc bởi vì bị từ chối quá nhiều hay chán nản vì thất bại thì hãy nhớ về câu chuyện của đại tá Harland Sanders. Bị sa thải nhiều lần, cạnh tranh thất bại, nhà hàng bị hỏa hoạn rồi đóng cửa vì chiến tranh… từng bị từ chối 1.009 lần nhưng cuối cùng, ở độ tuổi nghỉ hưu, ông vẫn tạo ra một chuỗi nhà hàng ăn nhanh lớn nhất Thế giới.
Có lẽ, Harland Sanders đã không để bất cứ điều gì đánh ngã mình.
Xem thêm cách làm gà rán KFC:
nguồn video: Ha Ly cooking
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn