Rajabbi Khurshed, một cô gái trẻ người Tajikistan (một quốc gia ở Trung Á) được bố mẹ sắp xếp cho một cuộc hôn nhân năm 18 tuổi với người đàn ông cô chưa từng gặp mặt. Trước đó, Rajabbi phải trải qua cuộc kiểm tra y tế, trong đó có việc kiểm tra xem cô còn trinh tiết hay không. Sau khi cưới được vài tuần, chồng cô gái là Zafar Pirov, 24 tuổi, đã liên tục nghi ngờ, sỉ nhục vợ khi bắt Rajabbi tiếp tục đi làm kiểm tra trinh tiết tại những phòng khám khác. Cuối cùng anh ta đuổi vợ ra khỏi nhà và đòi lấy vợ hai.
Không thể chịu đựng nổi những dày vò, đay nghiến từ nhà chồng, 40 ngày sau đám cưới, Rajabbi đã quyết định uống giấm tự tử. Cô qua đời tại một bệnh viện ở Chorbogh, phía nam quận Vose, vài giờ sau đó. Trên giường bệnh, Rajabbi nói với bố mẹ rằng cô phải chịu áp lực rất lớn từ chồng kể từ sau đêm tân hôn và "không thể chịu đựng thêm được nữa".
Cô dâu Rajabbi không hề biết chồng mình là ai cho tới ngày kết hôn.
Mẹ cô, bà Fazila Mirzoeva, cho biết Rajabbi chưa từng có bạn trai hay mối quan hệ thân mật với bất kỳ ai. Cô là một trinh nữ và có giấy chứng nhận của bác sĩ để chứng minh điều đó. Bà Fazila gọi con gái mình là nạn nhân của "sự vu khống và bạo lực", đồng thời cho biết gia đình đã kêu gọi công chúng cầu xin Tổng thống Emomali Rahmon và các quan chức khác can thiệp để giúp bảo vệ danh tiếng của Rajabbi.
Trong khi đó, anh chồng Zafar phải đối mặt với tội danh khiến vợ mới cưới tự tử và có thể phải đối mặt với án tù 8 năm. Khi nói chuyện với các nhà chức trách, anh ta bảo vệ bản thân bằng cách nhấn mạnh rằng người vợ mới của anh ta không còn trinh trong đêm tân hôn dù không có bất cứ tài liệu nào để chứng minh điều đó. “Cô ta đã uống giấm khi tôi yêu cầu cô ta về nhà bố mẹ đẻ”, Zafar nói.
Quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều cấm kỵ trong xã hội Tajikistan bảo thủ và có thể khiến người phụ nữ bị công chúng khinh bỉ suốt đời. Vào năm 2015, việc kiểm tra y tế tiền hôn nhân là điều bắt buộc với cả cô dâu và chú rể nhằm ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS, viêm gan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, nhưng hoạt động này thường mở rộng thêm việc kiểm tra trinh tiết của phụ nữ. Cơ quan đăng ký có thể từ chối công nhận hôn nhân nếu cặp đôi không trải qua các cuộc kiểm tra và cung cấp giấy chứng nhận y tế thích hợp.
Cô Rajabbi trước khi bi kịch xảy ra.
Cô dâu Rajabbi đã chọn kiểm tra sự trong trắng và nhận được giấy chứng nhận kết quả của bác sĩ. Nhưng ở một nước nghèo nơi mức lương vô cùng thấp và nạn tham nhũng tràn lan, nhiều người Tajikistan tin rằng chứng nhận này có thể mua được.
Zafar cho biết anh ta đã đưa vợ mới đến hai phòng khám khác nhau, trong đó có một cái ở thủ đô Dushanbe, để tiến hành kiểm tra thêm nhằm chứng minh sự trong sạch của cô ấy. Cả hai nơi này đều khẳng định cô Rajabbi còn trinh, nhưng Zafar cương quyết rằng các bác sĩ đã sai. Anh ta tiếp tục yêu cầu cô dâu của mình "nói ra sự thật".
Cuối cùng, chỉ vài tuần sau khi kết hôn, anh ta đã ép cô dâu của mình để anh ta cưới vợ hai. "Vợ tôi đã viết một tuyên bố cho phép tôi lấy vợ thứ hai vì cô ấy không còn trinh khi chúng tôi kết hôn", Zafar nói.
Một tòa án quận Vose đã áp dụng lệnh cấm đi lại đối với Zafar trong khi chờ xét xử, mặc dù không có ngày nào được ấn định.
Tranh chấp trinh tiết đã khiến các gia đình tan nát ở Tajikistan. Các tòa án đã ghi nhận khoảng 600 vụ tranh chấp liên quan đến trinh tiết vào năm 2014, trước khi các xét nghiệm y tế tiền hôn nhân được đưa ra. Hầu hết những phụ nữ liên quan đều kiện chồng vì đã tuyên bố sai lầm là họ "không trong trắng" trong đêm tân hôn.
Vào năm 2014, một cô dâu 19 tuổi đến từ quận Rudaki của thủ đô Dushanbe đã kiện thành công người chồng mới của mình vì tội vu khống sau khi anh ta đánh đuổi cô về nhà bố mẹ đẻ vào đêm tân hôn của họ với cáo buộc cô không còn trinh trắng. Cô dâu, được xác định tên là Husnigul, đã trải qua một số cuộc kiểm tra y tế do tòa án chỉ định và kết luận cô vẫn còn trinh sau đêm tân hôn. Tòa án tuyên bố Husnigul còn trong trắng và yêu cầu chàng rể bồi thường tài chính cho cô. Husnigul cho biết cô đã đệ đơn ly hôn, từ chối lời đề nghị của chồng để giải quyết tranh chấp nội bộ và bắt đầu cuộc sống hôn nhân cùng nhau.
Người đứng đầu Trung tâm Pháp y Quốc gia ở Dushanbe, Yahyo Odinaev, suy đoán rằng trong một số trường hợp, đàn ông "không thực hiện được nhiệm vụ "ân ái" do thiếu kinh nghiệm hoặc do các yếu tố tâm lý khác" mà đổ lỗi cho cô dâu của họ để bản thân không phải gánh chịu những lời gièm pha và chỉ trích từ xã hội.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/noi-co-dau-buoc-phai-chung-minh-trinh-tiet-voi-chong-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn