Mặc bộ đồ ngủ, ngồi bệt dưới nền đất, cô Phalla, 35 tuổi, đang cầm bình sữa cho đứa con uống. Đứa trẻ ọ ẹ vài tiếng, bị thu hút bởi màu móng tay xanh của cô. Thế nhưng, cô Phalla lại đang mâu thuẫn về việc liệu đứa con mà cô đang nuôi có phải là của mình hay không? Thực tế, cô Phalla đã được trả tiền để mang thai hộ cho một cặp vợ chồng người Trung Quốc.
Hồi cuối năm 2018, chính quyền Campuchia đã đưa ra các quy định và biện pháp nhằm ngăn chặn việc mang thai hộ. Cô Phalla nằm trong số hàng chục phụ nữ buộc phải nhận nuôi đứa con mà họ đã mang thai hộ. Nếu không, họ sẽ phải nhận cáo buộc buôn người và đối mặt với án tù lên đến 20 năm.
"Vì tôi được thuê để mang thai hộ nên tôi cảm thấy đứa bé không thuộc về tôi, đó không phải là con tôi", cô Phalla nói.
Bao biện cho hành vi "đồng phạm" buôn người
Hoạt động mang thai hộ thương mại nở rộ ở Campuchia cách đây vài năm nhưng đến năm 2016 đã nhanh chóng bị cấm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn tiếp tục hoạt động ngầm sau lệnh ân xá cho phép các bậc cha mẹ từ Úc, Mỹ và các quốc gia khác đến Campuchia để nhận con của họ, có hiệu lực đến năm 2018.
Đến tháng 6/2018, cô Phalla cùng 32 người phụ nữ khác đã bị bắt và bị buộc tội buôn người. Tháng 8 năm đó, cô Phalla hạ sinh một đứa con dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Sau đó, cô Phalla được tại ngoại với điều kiện là cô không được cho đứa trẻ đi và phải nuôi đến khi nó đủ 18 tuổi. Cô cũng phải đem đứa con trình diện cảnh sát mỗi tháng 1 lần. Cô Phalla không được phép thay đổi địa chỉ nếu không có sự đồng ý của thẩm phán điều tra. Nếu không đáp ứng những điều kiện này, cô Phalla sẽ bị bắt giữ và ngồi tù. Những người phụ nữ khác bị bắt giữ cùng cô Phalla cũng có 2 lựa chọn tương tự.
Một trong những phụ nữ phải sinh con trong khi còng tay trên giường bệnh, trong khi một người khác rơi nước mắt khi nghĩ về viễn cảnh nhiều năm sau song sắt. Họ đã vô cùng lo sợ khi phải sinh con trong lúc bị bắt giữ.
Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR) đã kêu gọi chính quyền truy tố các cơ quan mang thai hộ bất hợp pháp thay vì buộc tội những người phụ nữ được thuê để mang thai hộ. Giám đốc điều hành CCHR, Chak Sopheap cho biết: "Bằng cách buộc họ phải nuôi dạy một đứa trẻ để tránh phải ngồi tù, chính quyền Campuchia đang kết tội gấp đôi đối với một nhóm người vốn đã dễ bị tổn thương”.
Tuy nhiên, Chou Bun Eng, từ Ủy ban Quốc gia về Chống buôn người, cho biết những người mang thai hộ không phải là nạn nhân mà chính là những kẻ đồng lõa "giấu" trẻ em trong bụng mẹ để buôn lậu chúng qua biên giới. Vì vậy, họ được coi là những đồng phạm.
Mang thai hộ vì quá nghèo
Cô Phalla đã có 3 người con, 1 cặp sinh đôi 8 tuổi và 1 bé trai 5 tuổi. Cô biết về chuyện mang thai hộ từ một đồng nghiệp. Sau đó, Phalla đã cùng một số người phụ nữ khác đến Bệnh viện Trung tâm của Phnom Penh để cấy phôi vào tử cung. Nhưng khi các phóng viên phỏng vấn, y bác sĩ tại đây nói họ chưa từng tiến hành thủ tục này.
Vào cuối năm 2017, khi cô Phalla đồng ý trở thành người mang thai hộ, mức lương hàng tháng của cô tối thiểu chỉ 218 USD (hơn 5 triệu đồng). Cô Phalla quyết định nhận lời mang thai hộ với hy vọng sẽ kiếm được số tiền 14.000 USD (hơn 320 triệu đồng), gấp 5 lần so với mức lương hàng năm. Nhờ đó, cuộc sống của cô và các con sẽ bớt nghèo khó hơn.
Ros Sopheap đến từ nhóm vận động Giới và Phát triển cho Campuchia, cho biết việc đặt phụ nữ vào tình huống buộc phải nuôi con hoặc vào tù khiến họ không còn lựa chọn nào khác là phải giữ đứa trẻ. Những người phụ nữ này thường gặp áp lực về tài chính, không chỉ để cho bản thân mà còn để nuôi sống gia đình.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là một hiện tượng toàn cầu, khi trứng của người hiến tặng có thể có nguồn gốc từ châu Phi, được đưa vào tử cung của một phụ nữ ở châu Á và được giao cho cha mẹ ở Trung Quốc hoặc phương Tây. Khi các cặp vợ chồng người Israel đang cố gắng đưa con của họ rời khỏi Nepal sau trận động đất xảy ra năm 2015, thì người Úc lại ngày càng đi du lịch nhiều đến Ukraine với hy vọng có một đứa con.
Trong cuốn sách "Babies for Sale?" do tác giả Miranda Davies chỉnh sửa - một cuốn sách về những tác động đạo đức của việc mang thai hộ thương mại toàn cầu - cho rằng khả năng sinh sản của phụ nữ đã phục vụ nhu cầu của những người khác cho các mục đích chính trị và kinh tế từ rất lâu đời. Nhưng khi công nghệ y tế tiến bộ tiếp tục sử dụng phụ nữ, chúng ta phải đặt ra câu hỏi về đạo đức và nhân quyền.
Tình mẫu tử kỳ diệu
Trong cuộc phỏng vấn với tờ ABC, một số người phụ nữ mang thai hộ nói rằng khoảnh khắc họ nhìn thấy đứa trẻ mà họ sinh ra, họ yêu nó ngay lập tức và muốn nuôi nó.
Theo Tiến sĩ Deborah Dempsey, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Công nghệ Swinburne, mặc dù không có mối liên hệ di truyền nào giữa mẹ và con, nhưng ở nhiều trường hợp không phải phương Tây, các bà mẹ cảm thấy có sự kết nối thông qua các hành động như sinh nở và cho ăn.
Tiến sĩ Deborah Dempsey nói thêm rằng trẻ em thường rất muốn biết về nguồn gốc di truyền của mình, do đó những người mẹ mang thai hộ nên nói với đứa trẻ về hoàn cảnh chào đời ngay từ khi chúng còn bé thay vì đợi đến lúc chúng trưởng thành.
Trong ngôi nhà nhỏ, cô Phalla và chồng đã quyết định sẽ nói với đứa con mà cô mang thai hộ về nguồn gốc của cô bé tại thời điểm thích hợp. Bé gái khi ấy chỉ mới 8 tháng tuổi. "Lúc đầu, tôi định giấu con bé, nhưng tôi cần phải nói sự thật với con bé trước khi nó biết được từ những người hàng xóm", cô Phalla nói.
Làm mẹ của một đứa con do chính mình sinh ra nhưng lại không có máu mủ với mình, cô Phalla có rất nhiều trăn trở và mâu thuẫn. Cô cho rằng khi bé gái lớn lên, nó cũng sẽ tự hỏi liệu cô có phải mẹ ruột của nó hay không khi họ có quá nhiều điểm khác nhau về ngoại hình, tính cách.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nhung-phu-nu-mang-thai-ho-o-campuchia-nhan-320-trieu-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn