Tan Xihong vốn xuất thân từ một gia đình nghèo ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Trước khi ông chào đời, bố của ông đã chuyển đến Thượng Hải và làm nhân viên trong một quán trà. Năm Tan Xihong mới 4 tuổi, bố ông qua đời, để lại nỗi mất mát lớn cho gia đình. Cũng từ đó, gia đình không còn thu nhập chính nữa, rơi vào cảnh túng thiếu, Tan Xihong vừa học xong tiểu học thì phải bỏ dở dang vì không có tiền đóng học phí. Tuy nhiên, điều đó cũng không cản trở sự ham học của người đàn ông này.
Tan Xihong vừa đi làm thêm giúp gia đình có thu nhập, vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi để học thêm tiếng Anh, trau dồi kiến thức Lý, Hóa và sớm có được một số kỹ năng nhờ sự thông minh thiên bẩm của mình.
Những kinh nghiệm thời trẻ của Tan Xihong có thể coi là một huyền thoại. Ông từng gặp được cựu Tổng thống Tôn Trung Sơn trong thời gian làm việc tại Cục Điện báo Thượng Hải và tham gia một số sự kiện lớn có ảnh hưởng tới lịch sử Trung Quốc. Sau đó, ông còn được Tôn Trung Sơn giúp đỡ để sang Pháp du học. 7 năm sau đó, Tan Xihong được Pháp trao tặng bằng Thạc sĩ Quốc gia về Lịch sử Tự nhiên, sau này trở về Trung Quốc giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh.
Tan Xihong.
Kể từ đó, cuộc đời của Tan Xihong bước sang trang mới. Ông được coi là tầng lớp trí thức hàng đầu, được nhiều người kính trọng. Cũng nhờ đó, ông mới gặp được người phụ nữ của đời mình.
Trong thời gian học tập tại Pháp, ngoài việc đạt được những thành tích về học hành, Tan Xihong còn làm quen được với Chen Weijun, sau này trở thành người vợ đầu tiên của ông.
Khác với Tan Xihong, Chen Weijun sinh ra trong một gia đình vô cùng giàu có và quyền thế ở thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam. Bố của bà là Chen Gengji, một phú ông có tiếng thời đó. Nhờ vậy, Chen Weijun có một nền tảng đầy đủ từ bé và trình độ học vấn cao. Từ khi còn nhỏ, Chen Weijun đã được học tiếng Anh, khi lớn lên thì được gia đình gửi sang Pháp du học.
Vốn dĩ, gia đình Chen Weijun muốn mai mối bà với con cái của một gia đình giàu có, bề thế nhưng nào ngờ, nàng tiểu thư lại rơi vào lưới tình của Tan Xihong. Sau một thời gian yêu đương mặn nồng, cả hai đã quyết định kết hôn ngay tại Pháp vào năm 1916. Khi đó, chuyện tình này trở nên khá nổi tiếng vì chẳng khác nào "Lọ Lem phiên bản nam". Có người ngưỡng mộ cặp đôi nhưng đồng thời cũng có không ít chỉ trích.
Gia đình Tan Xihong.
Nhất là phía gia đình của Chen Weijun, họ một mực phản đối cuộc hôn nhân này, bởi cho rằng Tan Xihong không xứng đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối với con gái mình. Bất kể việc Tan Xihong hiện tại có thành công, tài giỏi thế nào thì vẫn không che đi được xuất thân nghèo khó của mình. Nhưng bất luận thế nào, Tan Xihong và Chen Weijun đã quyết tâm ở bên nhau, ngay cả gia đình cũng không thay đổi được.
Chỉ đáng tiếc sau 6 năm chung sống, đến năm 1922, bà Chen Weijun đột ngột qua đời vì bệnh nặng, để lại 2 đứa con thơ cho Tan Xihong. Sự ra đi đột ngột của vợ đã để lại một khoảng trống rất lớn đối với Tan Xihong bởi trước đó, cuộc hôn nhân của ông có thể nói là vô cùng hạnh phúc, viên mãn. Đòn giáng nặng nề này cũng khiến mối quan hệ giữa 2 nhà Tan - Chen bị cắt đứt.
Thế nhưng mối duyên nợ giữa 2 gia đình này chưa dừng lại ở đó. Mùa thu năm Chen Weijun qua đời, cô em gái cùng cha khác mẹ của bà là Chen Shujun đã từ Quảng Châu lên Bắc Kinh để học đại học. Tuy nhiên, Chen Shujun đã bị bỏ lỡ ngày thi, cuối cùng phải ở nhờ trong nhà anh rể Tan Xihong.
Do vẫn còn nặng tình cảm với vợ nên khi cô em vợ Chen Shujun xuất hiện, ông Tan Xihong cũng dành sự quan tâm và bù đắp lớn cho Chen Shujun. Ngược lại, sự ân cần và dịu dàng của Tan Xihong đã khiến trái tim cô gái 22 tuổi Chen Shujun nhanh chóng xôn xao, lạc nhịp. Chen Shujun đã giúp đỡ Tan Xihong chuyện nhà cửa, trông coi 2 đứa con khi ông bận rộn, dần dần cả 2 gắn bó với nhau lúc nào không hay.
Chen Shujun, người vợ thứ 2 của Tan Xihong.
Cuối cùng, Tan Xihong quyết định kết hôn lần 2 và người vợ thứ 2 của ông không ai khác chính là cô em gái của người vợ quá cố, Chen Shujun. Điều đáng nói, cuộc hôn nhân thứ 2 diễn ra chỉ 6 tháng sau khi bà Chen Weijun qua đời.
Tin tức về giáo sư Đại học Bắc Kinh tái hôn với em vợ chỉ nửa năm sau khi vợ qua đời đã nhanh chóng lan truyền và trở thành đề tài bàn tán nóng hổi. Thậm chí là vào thời hiện đại, một người đàn ông kết hôn với em gái vợ sau khi vợ vừa qua đời nửa năm cũng đủ trở thành đề tài nóng, khiến những người trong cuộc bị chỉ trích nặng nề, chứ chưa nói đến thời đại trước, khi tư tưởng của con người còn bảo thủ, do đó khó mà có thể tưởng tượng được những áp lực khủng khiếp mà Tan Xihong phải gánh chịu.
Không những thế, Tan Xihong và Chen Shujun còn phải đối mặt với nhiều chỉ trích hơn khi một người đàn ông xuất hiện trên mặt báo, nói mình là bạn trai của Chen Shujun và tố cáo Tan Xihong đã cướp người yêu của mình. Người đàn ông này nói rằng mình và Chen Shujun đã có hôn ước từ trước nhưng chính sự xuất hiện của Tan Xihong đã phá hủy mối quan hệ của họ. Do đó, anh ta chỉ trích Tan Xihong nặng nề trên báo chí, khiến ông chịu đả kích lớn.
Thế nhưng không lâu sau đó, chính Chen Shujun đã lên tiếng đính chính rằng mình và người đàn ông kia không hề có quan hệ gì, cũng chưa từng đính ước. Bà cho biết chuyện tình của mình với Tan Xihong hoàn toàn là tự nguyện, dựa trên tình yêu. Sau đó, người ta phát hiện ra người đàn ông kia là do gia đình họ Chen sắp đặt và mua chuộc vì ghét bỏ Tan Xihong, lại thêm sự thổi phồng của các tờ báo thời đó khiến mọi chuyện ngày càng lớn hơn.
Ngôi nhà nơi vợ chồng Tan Xihong sinh sống.
Trong năm đó, số phiếu bầu vị trí của Tan Xihong tại Đại học Bắc Kinh từ hạng nhất xuống chỉ còn hạng 6. Thậm chí, nhiều giáo sư trong trường cũng lên tiếng về chuyện của ông, có người ủng hộ, cũng có người phản đối.
Đối mặt với tất cả những điều này, Tan Xihong chỉ im lặng. Đứng giữa vòng xoáy, ông không hề nói 1 lời, không hề giải thích hay biện minh cho bản thân, chỉ dành hết tâm sức của mình cho việc thành lập khoa sinh học của Đại học Bắc Kinh.
Cái kết dành cho câu chuyện này có lẽ cũng khiến nhiều người bất ngờ. Mặc kệ những lời đàm tiếu và chế giễu xung quanh, Tan Xihong và Chen Shujun sống hạnh phúc bên nhau suốt nhiều năm. Ông Tan Xihong cũng trở thành người có đóng góp lớn cho ngành sinh học Trung Quốc. Sau này, nhiều người nhắc lại câu chuyện của ông và cho rằng chính sự im lặng giữa tâm "bão" của Tan Xihong là một cách xử trí cao tay mà không phải ai cũng làm được.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/chang-trai-ngheo-cuoi-vo-giau-co-vo-mat-6-thang-lai-c...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn