11 diễn biến
UBND thành phố Hà Nội vừa có thông báo số 844 về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất được cập nhật tới 10h ngày 17/12, Hà Nội điều chỉnh cấp độ dịch thuộc cấp quận, huyện, thị xã và cấp xã, phường so với báo cáo đánh giá 7 ngày trước.
Cụ thể, toàn thành phố Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng) trong phòng, chống dịch COVID-19 như 7 ngày trước.
Có 4 huyện ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh), giảm 4 địa bàn so với công bố vào ngày 11/12, gồm: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Ứng Hòa. 24 quận, huyện ở cấp độ 2 (tăng 3 quận, huyện) và 2 quận ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam), tăng 1 quận.
Về cấp xã, phường: Có 439 địa phương ở cấp độ 1; 132 địa phương ở cấp độ 2; 25 xã, phường ở cấp độ 3 và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ).
Lực lượng chức năng rào chắn tại nơi có F0
Trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận 11.769 ca dương tính SARS-CoV-2 cộng đồng (tăng 4.357 ca so với 14 ngày trước đó).
Ngoài ra, trong 14 ngày gần đây, trên địa bàn thành phố có 25 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng. Gồm các xã Vân Nội, Việt Hùng của huyện Đông Anh; các phường: Khâm Thiên, Văn Miếu, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Phương Liên, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở của quận Đống Đa; xã Yên Viên của huyện Gia Lâm; phường Đống Mác của quận Hai Bà Trưng; các phường: Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Đông của quận Hoàn Kiếm; các phường Thanh Trì, Vĩnh Hưng của quận Hoàng Mai; xã Đông Xuân của huyện Quốc Oai; các phường Quảng An, Yên Phụ của quận Tây Hồ; xã Văn Bình của huyện Thường Tín. Theo đánh giá cấp độ dịch, 25 xã, phường này ở cấp độ 3.
Còn lại, trong số 554 xã, phường, thị trấn, có 422 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 và 132 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2.
Cùng với tiêu chí về số ca mắc trong cộng đồng, đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Hà Nội còn dựa vào độ bao phủ vắc xin COVID-19.
Theo đó, đến nay, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố là 94,3%, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vắc xin là 94,1%.
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4 đến hết ngày 17/12) là 24.237 ca. Trong đó, số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 9.354 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly 14.883 ca.
Đặc biệt, liên tiếp trong 3 ngày (từ ngày 15 đến 17/12), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận từ 1.300 đến 1.400 ca mỗi ngày. Riêng ngày 17/12, số ca mắc lên tới 1.440 ca.
Nguồn: http://danviet.vn/cap-do-dich-moi-nhat-cua-ha-noi-sau-nhieu-ngay-ghi-nhan-so-ca-f0-tang...
Trả lời PV Báo Sức khỏe và Đời sống vào sáng 18/12, bà Bùi Thị Chiên-Chủ tịch UBND xã Hồng Phúc, huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho biết: "Trong đêm qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) nhận được thông báo về một nam giới sinh năm 1995, thôn Phụ Dực có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 không rõ nguồn lây. Trường hợp này là thành viên Hội người mù huyện Ninh Giang, tạm trú tại Long Biên, Hà Nội, về quê tham gia đám sang cát của người thân".
Toàn bộ trường hợp F1, F2 được test nhanh đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2
Theo cơ quan chức năng, do có công việc ở quê, nên khoảng 9h sáng ngày 13/12, nam thanh niên ra quán mua test nhanh COVID-19 về nhà tự test và cho kết quả âm tính.
Khoảng 0h ngày hôm sau, anh này đi ô tô từ phường Đức Giang, quận Long Biên (Hà Nội) về xã Hồng Phúc và 3h sáng về đến nghĩa trang nhân dân thôn Phụ Dực tham gia đám sang cát người thân. Đến sáng, trường hợp này về nhà bác (ở thôn Phụ Dực) ăn sáng và ăn cỗ đám sang cát, tiếp xúc với những người có mặt tại đây. Vào 11h trưa cùng ngày, ca dương tính đi xe ô tô trở về nơi tạm trú (phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội). Buổi chiều, nam thanh niên đi về TP. Hải Dương và đến nhà nghỉ gần Nhà khách Công đoàn thuê ở lại nhưng không nhớ tên khách sạn.
Vào 8h sáng 15/12, trường hợp này đến Nhà khách công đoàn tỉnh Hải Dương dự thi tiếng hát từ trái tim do Hội người mù tỉnh phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức. Đến 11h cùng một số người uống bia tại quán bia Hà Còi (TP. Hải Dương). Sau khi uống bia xong, anh đi ô tô về Hà Nội.
Đến sáng 16/12, anh này thấy trong người khó chịu và gọi người đến nhà truyền nước, sau đó thấy đỡ. Sáng hôm sau, do bị mất khứu giác nên anh này đã đến Phòng xét nghiệm (Công ty TTHH HI-MEDIC) để lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính. Hiện trường hợp này đang ở Hà Nội, không sốt, không ho, mất khứu giác.
"Vào khoảng 20h30 đêm qua chúng tôi nhận được thông tin và lập tức báo cáo huyện và tiến hành triệu tập cuộc họp khẩn trong đêm..
Ca dương tính này là trường hợp đầu tiên xuất hiện tại xã chúng tôi, nhưng trước đó trên địa bàn có nhiều F1 nguy cơ cao. Vì vậy các phương án ứng phó đã được BCĐ chúng tôi chuẩn bị từ trước nên khi nhận được thông tin về ca dương tính địa phương không bị động", Chủ tịch UBND xã Hồng Phúc nói.
Cũng trong đêm qua, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 xã Hồng Phúc tiến hành rà soát, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; phong tỏa tạm thời thôn Phụ Dực (gồm 519 hộ, với 1454 nhân khẩu) và cho lập 3 chốt kiểm soát đường ra vào thôn.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ca-mac-khong-ro-nguon-lay-ve-que-du-dam-sang-cat-huyen-ninh-g...
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong công văn, Bộ Y tế nêu rõ hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra, biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, theo Bộ Y tế.
Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 17/12, cả nước ghi nhận trên 1,5 triệu ca, trong đó có gần 1,1 triệu bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh và hơn 29.000 ca tử vong. Hiện, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.
Trong 1 tuần gần đây, Việt Nam liên tục ghi nhận khoảng 15.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày, trong đó có từ 9.000-10.000 ca cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, biến thể Omicron đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine Covid-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong.
Nguồn: https://danviet.vn/dip-tet-nguyen-dan-bo-y-te-de-nghi-dung-hoat-dong-tap-trung-dong-ngu...
Sáng 18/12, tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong 2 ngày gần đây số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Tỉnh này giảm mạnh, ghi nhận ngày 16/12 là 275 ca và ngày 17/12 là 209 ca (giảm 66 ca).
Tính đến 8h sáng cùng ngày, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 288.763 ca mắc Covid-19. Trong đó, 15.063 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 31.890 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính, 195.774 bệnh phát hiện trong khu phong tỏa, 46.036 ca trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa).
Từ ngày 17/12 đến 8h ngày 18/12, ghi nhận 209 ca thì có 43 ca nhiễm cộng đồng, 44 ca phát hiện tại các cơ sở y tế, 34 ca trong khu cách ly, 88 ca trong khu phong toả.
Số liệu ca nhiễm ở các địa phương ghi nhận cụ thể Tp.Thuận An 35 ca, thị xã Bến Cát 33 ca, huyện Dầu Tiếng 29 ca, huyện Bắc Tân Uyên 27 ca, thị xã Tân Uyên 26 ca, Tp.Thủ Dầu Một 24 ca, huyện Bàu Bàng 15 ca, huyện Phú Giáo 11 ca, Tp.Dĩ An 4 ca và người từ các tỉnh, thành khác đến tỉnh Bình Dương phát hiện nhiễm Covid-19 là 5 ca.
Số liệu ca nhiễm ở các địa phương ghi nhận cụ thể Tp.Thuận An 35 ca, thị xã Bến Cát 33 ca, huyện Dầu Tiếng 29 ca, huyện Bắc Tân Uyên 27 ca, thị xã Tân Uyên 26 ca, Tp.Thủ Dầu Một 24 ca, huyện Bàu Bàng 15 ca, huyện Phú Giáo 11 ca, Tp.Dĩ An 4 ca và người từ các tỉnh, thành khác đến tỉnh Bình Dương phát hiện nhiễm Covid-19 là 5 ca.
Các ca nhiệm cộng đồng ghi nhận tại Tp.Thuận An 7 ca, huyện Dầu Tiếng 8 ca, Tp.Thủ Dầu Một 4 ca, thị xã Bến Cát 6 ca, huyện Phú Giáo 2 ca, thị xã Tân Uyên 6 ca, huyện Bắc Tân Uyên 5 ca, Tp.Dĩ An 1 ca và huyện Bàu Bàng 3 ca và người ngoài tỉnh đến xét nghiệm cộng đồng phát hiện nhiễm Covid-19 là 1 ca.
Mặc dù ca nhiễm ghi nhận ở tỉnh Bình Dương nhiều nhất trong khu phong toả. Tuy nhiên, số ca chỉ hơn 80 người, đây là số liệu giảm sâu so với thời gian trước.
Theo Sở Y tế Bình Dương, số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (42,1%) và qua sàng lọc cộng đồng (20,6%).
Tình hình thu dung điều trị, số bệnh nhân thu ghi nhận trong ngày 3.805 bệnh nhân, số bệnh nhân xuất viện trong ngày 4.586 bệnh nhân. Số người nhiễm đang điều trị 60.942 ca, trong đó có 1.975 ca đang điều trị trong các cơ sở điều trị, 58.967 bệnh nhân đang điều trị tại nhà.
Tính đến hết ngày 14/12, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm 4.317.968 liều vắc-xin/5.054.180 liều được phân bổ (2.464.542 liều mũi 1 và 1.847.022 liều mũi 2 và 6.404 mũi 3).
Bên cạnh đó, 270.335 liều vắc xin phòng cho Covid-19 cho đối tượng 12-17 tuổi (mũi 1 là 172.091 liều, mũi 2 là 98.244 liều) và 137.901 liều cho đối tượng 15-17 tuổi và 132.434 liều cho đối tượng 12-14 tuổi.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-duong-so-ca-nhiem-covid-19-giam-sau-a537338.html
Tối 17/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, kết quả đến 18h, test nhanh trong ngày phát hiện thêm 465 ca dương tính, trong đó có 140 ca khẳng định có mã bệnh của Bộ Y tế.
Trong 140 ca mắc COVID-19 mới này, phát hiện tại khu cách ly tập trung 6 ca, giám sát y tế tại nhà 2 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 65 ca, tại cộng đồng 67 ca.
Sau nhiều ngày liền có số ca mắc trong ngày ở mức từ 200 - 300, số ca mắc COVID-19 được phát hiện trong ngày hôm nay ở Thừa Thiên Huế đã giảm. Đáng chú ý, TP Huế là địa phương suốt thời gian qua ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng luôn ở mức cao nhất, thì hôm nay cũng đã giảm mạnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 8.140 ca F0 gồm cả số bệnh nhân nơi khác chuyển đến BV TW Huế điều trị. Hiện đang điều trị 2.583 ca, đã được điều trị khỏi 5.546 ca. Có 11 ca tử vong, trong đó có 4 ca bệnh nặng từ các tỉnh khác chuyển đến; các trường hợp tử vong đều do già yếu, bệnh nền.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên tiêm đầy đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19.
Theo kế hoạch, triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên đạt số lượng liều được phân bổ và tránh lãng phí. Bảo đảm tuân thủ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine.
Theo đó, thời gian triển khai sẽ diễn ra từ tháng 12/2021 đến hết năm 2022 (căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế) với nguyên tắc triển khai tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng đồng thời tất cả các loại vaccine đủ điều kiện theo sự phân bổ của Bộ Y tế để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho những người đã được tiêm đủ liều cơ bản. Huy động hệ thống chính trị tham gia kế hoạch tiêm chủng. Huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng.
Đối với liều bổ sung, đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…
Tiêm loại vaccine, cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Moderna). Khoảng cách, tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine. Vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Đối với liều nhắc lại, đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch (người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, đội phản ứng nhanh, cán bộ tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19), người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, các nhân viên y tế khác.
Loại vaccine, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Moderna). Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA (Pfizer, Moderna).
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (vaccine Astrazenenca). Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thua-thien-hue-so-ca-mac-giam-len-ke-hoach-tiem-vaccine-lieu-...
Sáng 18/12, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, tỉnh này có thêm 113 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được các y bác sĩ của các bệnh viện dã chiến điều trị khỏi bệnh. Như vậy, số bệnh nhân xuất viện từ ngày 22/7 đến nay là 16.476 ca, chiếm gần 70% số ca mắc.
Cũng theo báo cáo, từ 17h ngày 17/12 đến 7h ngày 18/12, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận thêm 186 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2. Các ca bệnh được ghi nhận tại Tp.Nha Trang 87 ca, Tp.Cam Ranh 17 ca, thị xã Ninh Hòa 22 ca, huyện Vạn Ninh 17 ca, huyện Diên Khánh 31 ca và huyện Cam Lâm 12 ca.
Trong đó, 21 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng tại thị xã Ninh Hòa (xã Ninh Bình 3 ca, phường Ninh Giang 1 ca, xã Ninh Sim 3 ca), huyện Vạn Ninh (xã Vạn Bình 1 ca, thị trấn Vạn Giã 1 ca, xã Vạn Hưng 1 ca, xã VạnThắng 9 ca, xã Vạn Thọ 2 ca).
Cùng với đó là 141 trường hợp cách ly tại nhà, 22 trường hợp ghi nhận trong khu cách ly y tế tại dân cư và 2 trường hợp ghi nhận trong khu cách ly tập trung.
Liên quan đến các trường hợp dương tính mới, ngành y tế và cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã truy vết, cách ly 196 F1 và 51 F2.
Như vậy, từ ngày 23/6 đến 7h ngày 18/12, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 23.551 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Có 8/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ghi nhận có ca mắc Covid-19.
Trong đó, nhiều nhất là Tp.Nha Trang với 11.495 trường hợp, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 4.598 trường hợp, huyện Diên Khánh 2.643 trường hợp, Tp.Cam Ranh 1.523 trường hợp, huyện Vạn Ninh 1.241 trường hợp, huyện Cam Lâm 1.139 trường hợp, huyện Khánh Sơn 616 trường hợp và huyện Khánh Vĩnh 296 trường hợp.
Toàn tỉnh đã truy vết 29.309 F1 và 21.056 F2, thực hiện lấy 1.144.731 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 5.609.950 mẫu test nhanh kháng nguyên.
Theo CDC Khánh Hòa, Tỉnh này có thêm 5 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Như vậy, số ca tử vong từ ngày 20/7 đến nay là 131 ca. Số bệnh nhân đang điều trị là 6.944 người.
Về công tác triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, đến nay đã có 109.679 trẻ tiêm mũi 1 (tỉ lệ 95,98%), 37.878 trẻ tiêm mũi 2 (tỉ lệ 33,15%).
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-ghi-nhan-them-186-ca-nhiem-covid-19-co-21-ca-cong-...
Ngày 17/12, trao đổi với PV Báo Giao thông về việc ban hành quy định riêng, buộc người ngoại tỉnh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi di chuyển vào địa phương này, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang khẳng định: Chủ trương trên nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan từ bên ngoài vào Bắc Giang.
Cụ thể, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp di chuyển từ địa phương khác về Bắc Giang làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người dân trên địa bàn.
Người ngoại tỉnh xét nghiệm Covid-19 tại chốt kiểm dịch TP Bắc Giang.
Gần đây nhất, ngày 16/12, trường hợp đi du lịch tại Hòa Bình trở về bị nhiễm Covid-19, sau đó người này đã đi dự tiệc, đến dự nhiều điểm đông người khiến nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nhiều trường học phải đóng cửa. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh vẫn đang phải tích cực truy vết, cách ly để phòng dịch.
Với những trường hợp như trên, UBND tỉnh Bắc Giang luôn chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xử lý nghiêm, đủ điều kiện sẽ khởi tố vụ án hình sự để xử lý, răn đe.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, hiện nay, các mô hình phòng chống dịch bệnh cũng đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thử nghiệm, tiếp tục hoàn thiện để tìm ra phương án tốt nhất.
Việc UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản yêu cầu như trên cũng nhằm mục đích tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, bảo đảm cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Hơn nữa, qua việc test nhanh tại chốt, đã giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện nhiều trường hợp dương tính với Covid-19 để đưa đi cách ly, điều trị.
“Thực tế cho thấy, khi xuất hiện 1 ca bệnh trên địa bàn sẽ kéo theo chi phí hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vì phải xét nghiệm, cách ly trên diện rộng, trong nhiều chu kỳ. Kéo theo đó là gây áp lực lớn đến hệ thống y tế cơ sở khi phải làm việc suốt ngày đêm.
Do đó, biện pháp này đang được người dân, nhất là các doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn và người lưu thông vào Bắc Giang đồng tình, ủng hộ, thực hiện nghiêm vì cuộc sống yên bình như hiện nay đang giúp họ có việc làm, thu nhập, bảo đảm tiến độ các đơn hàng dịp cuối năm”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nói.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/lanh-dao-tinh-bac-giang-ly-giai-quy-dinh-rieng-buoc-xet-ngh...
Tối 17/12, lãnh đạo TP Hải Phòng thông tin, UBND thành phố vừa ban hành văn bản về việc dừng hoạt động Chốt kiểm soát liên ngành và hoạt động test nhanh SARS-CoV-2 tại Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi từ 0h ngày 18/12/2021.
TP Hải Phòng dừng hoạt động chốt kiểm dịch Covid-19 tại sân bay Cát Bi từ 18/12
Trước đó, cùng ngày, UBND TP Hải Phòng cũng đã ra văn bản về việc cách ly và xét nghiệm đối với F0 và F1 trên địa bàn thành phố.
UBND TP Hải Phòng chỉ đạo đối với bệnh nhân F0, trong đó bệnh nhân F0 điều trị tại nhà: thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 14, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì kết thúc điều trị (cấp giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19), tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày tiếp theo.
Còn bệnh nhân F0 điều trị tại cơ sở y tế: Ca bệnh không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị: thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc Ct ≥ 30 thì kết thúc điều trị (cấp giấy ra viện); tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo.
Ca bệnh có triệu chứng lâm sàng: Thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 14, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc Ct ≥ 30 thì kết thúc điều trị (cấp giấy ra viện); tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo.
Đối với bệnh nhân F0 đủ điều kiện chuyển xuống tầng dưới điều trị thì thực hiện xét nghiệm RT-PCR trước khi chuyển tầng:
Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc Ct ≥ 30 thì cho về cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà đủ 14 ngày (tính từ ngày bắt đầu điều trị) và tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày tiếp theo.
Nếu kết quả xét nghịệm dương tính (Ct ≤ 30), tiếp tục thực hiện đủ thời gian điều trị, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 14 hoặc sau 3 ngày đối với những bệnh nhân chuyển tầng từ ngày điều trị thứ 12 (đảm bảo thời gian giữa 2 lần lấy mẫu xét nghiệm tối thiểu 72 tiếng); nếu có kết quả âm tính, thực hiện cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo; nếu có kết quả dương tính, thực hiện như điều trị tại nhà.
Đối với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà: Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38°C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sờ để thăm khám và xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu đối với trường hợp F1: Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19) tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thực hiện như sau:
Cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện), tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).
Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19, thực hiện cách ly tại nhà/cơ sở cách ly 14 ngày; thực hiện xét nghiệm RT-PCR 3 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3, lần 3 vào ngày thứ 14).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hai-phong-dung-chot-kiem-dich-covid-19-tai-san-bay-cat-bi-d...
Một trong số các trường hợp là bà Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1970, thôn 8, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) ra thăm con từ Hà Nội về tới địa phương đã bị buộc phải đi cách ly tập trung vào ngày 17/12.
Từ nơi cách ly tập trung, bà Nguyễn Thị Vui nói với phóng viên Dân Việt: "Khi tôi về tới nhà, tôi đã tiêm 2 mũi vắc xin, ở Hà Nội tôi cũng không đi đâu. Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, tôi liền ra trạm y tế xã Đông Sơn khai báo. Sau đó tôi về nhà thì liên tục nhận được điện thoại bắt buộc đi cách ly tập trung".
Bà Nguyễn Thị Vui cũng cho biết: "Tôi không nhận được một văn bản, giấy tờ hay quyết định gì về việc cách ly tập trung với bản thân mình. Họ bắt tôi phải tự đi xe lên nơi cách ly tập trung vào ngày 17/12".
"Họ còn liên tục gọi điện, thúc ép rằng nếu không chịu đi cách ly tập trung thì sẽ cho công an bắt. Tôi sợ quá phải đi cách ly tập trung trong khu cách ly tập trung tại trường nghề Việt - Xô của thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình)".
Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã gọi cho bà Vũ Thị Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp về trường hợp của bà Nguyễn Thị Vui hiện đang cách ly tập trung.
Phóng viên Dân Việt hỏi: "Cơ sở, căn cứ quy định pháp luật nào để cách ly tập trung bà Nguyễn Thị Vui là người về từ Hà Nội? Thành phố Tam Điệp thực hiện theo văn bản cũ (đã thay thế) số 3557/SYT-NVY hay sao?"
Bà Vũ Thị Hường nói: "Chúng tôi vẫn cứ thực hiện theo chỉ đạo từ trước tới nay của Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp. Chúng tôi chưa nhận được chỉ đạo gì từ Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp nên cứ áp dụng theo quy định cũ từ trước thôi. Văn bản mới thì cũng phải vài ba ngày tới mới áp dụng".
Bà Vũ Thị Hường còn nói thêm: "Quy định của Bộ, của tỉnh là như thế nhưng ở thành phố Tam Điệp, chỉ đạo của Chủ tịch thành phố là to nhất, cứ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp thôi".
Bên trong khu cách ly tập trung trường nghề Việt - Xô (thành phố Tam Điệp). Ảnh: NT
Chúng tôi đề cập tới trường hợp của bà Nguyễn Thị Vui hiện đang bị cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung Trường nghề Việt - Xô (Tam Điệp), bà Vũ Thị Hương nói: "Bà Nguyễn Thị Vui muốn ra khỏi khu cách ly tập trung thì gia đình lên trình bày lại với Trạm trưởng Trạm y tế xã Đông Sơn rồi xin ra cái quyết định không phải cách ly chuyển lên trên Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp sẽ ký".
Có thể nói, Ninh Bình là một trong số những tỉnh có ca mắc Covid-19 thấp. Thế nhưng, một số biện pháp chống dịch của Ninh Bình dường như chưa hợp lý.
Sau khi có Nghị quyết Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", trong thời gian khá dài sau đó, Ninh Bình vẫn duy trì các chốt kiểm soát từng người, phương tiện kể cả người chỉ đi ngang địa bàn tỉnh này một cách máy móc.
Nguồn: https://danviet.vn/tiem-du-2-mui-vac-xin-tu-ha-noi-ve-ninh-binh-van-phai-cach-ly-tap-tr...
Thông tin trên được ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, chiều 16-12.
“Đến nay đã có 8 F0 trong trường học gồm 6 học sinh và 2 giáo viên. Các trường hợp trên đều được các trường xử lý tốt vì đã có kịch bản ứng phó sẵn. Vì thế phụ huynh cứ yên tâm”, ông Hải nói.
Học sinh lớp 9 trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân trở lại trường sau thời gian dài học online. Ảnh: KHÁNH CHI
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ban đầu khi khảo sát, số học sinh đi học gần 80%. Tuy nhiên đến ngày đi học, số học sinh đến trường lại tăng cao, chiếm hơn 90%.
Trước khi các em đi học lại, các cơ sở giáo dục có kế hoạch cụ thể cũng như phương án xử lý khi xuất hiện F0 và có diễn tập. Việc xuất hiện F0 đã được các trường lường trước vì thế nhà trường đã phối hợp với y tế địa phương xử lý tốt.
Những trường hợp F0 này, Sở GD&ĐT đã có báo cáo với UBND TP.
TP.HCM đang trong thời gian thí điểm dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9, 12 trên địa bàn. Riêng huyện Củ Chi xin lùi thời gian thực hiện một tuần so với mốc chung.
Sau hai tuần thí điểm, UBND TP.HCM giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét, quyết định, mở rộng dần đối tượng học trực tiếp từ ngày 3-1-2022.
Các trường trung học tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 từ ngày 10 đến 22-1-2022. Trong thời gian này, các trường ở địa bàn cấp độ dịch 1, 2, 3 học sinh đã đi học trực tiếp sẽ tổ chức thi trực tiếp. HS diện F0, cách ly, đang giãn cách sẽ được cho kiểm tra bổ sung, hoàn thành trước ngày 28-2.
Nội dung kiểm tra học kỳ 1 không vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục. Đề kiểm tra không bao gồm các nội dung đã tinh giản. Hình thức kiểm tra do hiệu trưởng quyết định, có thể tự luận, trắc nghiệm hoặc kết quả.
Nguồn: https://plo.vn/giao-duc/tphcm-8-hoc-sinh-va-giao-vien-la-f0-khi-mo-cua-truong-hoc-10340...
Ngày 17-12, bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế; Phó Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo nhanh tình hình, diễn biến phòng chống dịch trong ngày trên địa bàn tỉnh.
Theo đó trong ngày đã có thêm 175 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Bình Thuận lên 22.788 ca (Phan Thiết 7.522, Tuy Phong 3.711, La Gi 2.539, Hàm Thuận Bắc 2.102, Bắc Bình 1.678, Đức Linh 1.718, Hàm Thuận Nam 1.332, Tánh Linh 1.009, Hàm Tân 687, Phú Quý 490).
Trong ngày tỉnh Bình Thuận có thêm 6 trường hợp tử vong, gồm huyện Tuy Phong 3 trường hợp; các huyện Bắc Bình, Đức Linh, Hàm Thuận Nam đều có 1 trường hợp. Số bệnh nhân tử vong đều trên 50 tuổi nâng tổng số tử vong do COVID-19 tại Bình Thuận lên 220 ca tử vong (15 ca tử vong tại TPHCM).
Hiện số ca mắc COVID - 19 đang điều trị: 5.537 ca, trong đó điều trị tại cơ sở y tế: 2.532 ca và điều trị tại nhà: 3.005 ca. Đối với số ca mắc COVID - 19 đang điều trị có diễn tiến nặng là 104 ca (Phan Thiết 62, Bắc Bình 23, Đức Linh 13, La Gi 06).
Tính đến chiều 17-12, số người tiêm vaccine mũi 1 tại Bình Thuận 893.832/902.470, đạt tỷ lệ 99,0% dân số từ 18 tuổi trở lên; số người tiêm vaccine mũi 2: 707.463/902.470, đạt tỷ lệ 78,4% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Đối với số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm vaccine mũi 1 tại Bình Thuận là 58.088/135.851, đạt tỷ lệ 42,7%; tiêm mũi 2: 155/135.851, đạt tỷ lệ 0,11%.
Nguồn: https://plo.vn/xa-hoi/so-ca-tu-vong-do-covid19-tai-binh-thuan-da-tang-len-220-truong-ho...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-f0-khong-ro-nguon-lay-ve-que-du-dam-sang-...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn