10 diễn biến
Ngày 22/12, tin từ UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, nơi đây vừa có văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đề nghị hỗ trợ nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tỉnh Hậu Giang cho hay, số trường hợp F0 chuyển nặng và nguy cơ tử vong trên địa bàn tăng nhanh.
Văn bản nêu rõ, trong những ngày qua, ghi nhận số ca mắc mới tăng nhanh liên tục. Nhiều ổ dịch đã xuất hiện trong doanh nghiệp, nhà máy, công sở, bệnh viện và lây lan rộng trong cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, nơi đây đã ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm, điều trị khỏi 7.333 ca, tử vong 38 ca, hiện còn đang điều trị gần 3.500 ca. So với tuần trước, số ca mắc trong cộng đồng tăng 54,8%, số ca tử vong tăng 143%, số ca điều trị khỏi tăng 15%, số đang điều trị tại bệnh viện tăng 4,4%, số ca bệnh nặng tăng 39%.
Cũng theo UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua địa phương đã chủ động mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm khẩn trương khống chế và kiểm soát dịch hiệu quả trong thời gian sớm nhất.
Tỉnh được Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện Trung ương tại TP.HCM, trong đó có Bệnh viện Thống Nhất quan tâm hỗ trợ thuốc, vật tư, hóa chất xét nghiệm... phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương.
“Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, số trường hợp F0 chuyển nặng và nguy cơ tử vong tăng nhanh nên hiện tại Hậu Giang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực đáp ứng cho công tác điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19”, văn bản của UBND tỉnh Hậu Giang nêu.
Để giảm thiểu số trường hợp F0 chuyển nặng và tử vong trong thời gian tới, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bệnh viện Thống Nhất tăng cường nhân lực điều trị ở tầng 3 và tầng 2, với số lượng hỗ trợ là 10 bác sĩ (có chuyên môn, kinh nghiệm về hồi sức tích cực, cấp cứu), 20 điều dưỡng (có chuyên môn, kinh nghiệm về hồi sức tích cực, cấp cứu).
Theo Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, từ tối 20 đến tối 21/12, toàn tỉnh có thêm 413 ca mắc mới, trong đó, có 384 ca mắc cộng đồng.
Lũy kế từ đầu đợt dịch đến tối 21/12, tỉnh ghi nhận 12.395 ca mắc COVID-19, điều trị khỏi 9.524 ca, có 45 trường hợp tử vong, hiện đang cách ly điều trị 2.824 ca (trong đó, tầng 1 là 2.029 ca, tầng 2 là 716 ca và tầng 3 là 79 ca).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ca-nhiem-covid-19-tang-khong-ngung-hau-giang-de-nghi-ho-tro...
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 - TP HCM khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 chiều 21-12, Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến đã có phút trải lòng về khoảng thời gian căng thẳng trong chống dịch vừa qua.
Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến đã có phút trải lòng về khoảng thời gian căng thẳng trong chống dịch vừa qua.
"Có những cột mốc, dấu ấn trong dịch mà khi nhắc lại, chúng ta cảm thấy không hiểu rằng sức mạnh nào đã giúp chúng ta vượt qua được thời khắc, hoàn cảnh căng go như vậy" - Bí thư Quận ủy quận 1 nói.
Theo bà Yến, trong lúc căng go nhất đó, TP HCM đã kịp thời có những quyết sách, giải pháp, mô hình để góp phần kiểm soát dịch và chăm lo đời sống người dân.
Nhiều cán bộ không ngại khó, ngại khổ, ngại những diễn biến chưa lường được của dịch để lao vào tâm dịch cứu dân. Có những cán bộ đã nhiễm bệnh nhưng khi vừa hết thời gian cách ly, khi khỏe lại thì tiếp tục "vươn ra" chiến trường.
"Không thể kể hết những hy sinh, mất mát của người dân; có lúc không lường trước được dịch bệnh khắc nghiệt. Ai cũng cố gắng hết mình, có lúc tưởng không thể làm được nhưng chúng ta đã làm được những kỳ tích" - bà Trần Kim Yến bày tỏ.
Bí thư quận 1 chia sẻ có những đêm nghe điện thoại nhờ hỗ trợ của các bí thư, chủ tịch phường sau khi không thể gửi gắm được người dân của mình vào bệnh viện, khu cách ly. "Chúng tôi dùng hết sức, kể cả mối quan hệ của mình với lãnh đạo thành phố, các bệnh viện để gửi gắm bệnh nhân đang thập tử nhất sinh. Nhưng có những lúc chúng tôi bất lực. Tức xe đã đưa bệnh nhân đi rồi nhưng cuối cùng phải đưa bệnh nhân về nhà" - Bí thư Quận ủy quận 1 bật khóc.
Lặng đi một lúc, Bí thư Quận ủy quận 1 nghẹn lời cho biết trong hội trường này có những cán bộ lao ra giúp người khác, nhưng chỉ trong thời gian ngắn thôi đã mất mẹ rồi đến mất ba.
Rồi có những cô chú, bạn trẻ lao ra bằng cả tâm huyết của mình. "Có cả những bạn học sinh, giám đốc doanh nghiệp làm tình nguyện viên, lo từng bao gạo, bó rau, củ khoai cho người dân. Điều này rất quý" - bà Trần Kim Yến chia sẻ.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết đã có những cán bộ thoái thác nhiệm vụ, không thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình. Có những cán bộ vì quá áp lực, xin nghỉ.
Trong thời gian tới, đối với nhiệm vụ phòng chống dịch, bà Trần Kim Yến cho biết dù cơ bản đã kiểm soát được tình hình nhưng theo dự báo, tình hình dịch bệnh đang có diễn biến khá phức tạp, khó đoán định với biến chủng mới.
Do đó, việc phòng chống dịch vẫn là trọng tâm hàng đầu, không lơ là vì số lượng F0 tăng vừa qua là do sự chủ quan khi mình có tư tưởng sống chung với dịch, xem bệnh như một triệu chứng của cảm cúm.
Các cấp chính quyền tăng cường tuyên truyền, để phòng chống dịch thành thói quen của người dân trong bình thường mới. Rà soát, củng cố tổ Covid cộng đồng, chăm sóc F0 từ xa; theo dõi sát tại từng khu dân cư để có phương án ngăn chặn dịch lây lan.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-bi-thu-quan-uy-quan-1-nghen-ngao-co-nhung-luc-chung-t...
Trước đó, trên địa bàn Tp.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ghi nhận ca nghi nhiễm L.T.B.L, năm sinh 1981, nữ, khu phố C, phường Thanh Hải.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Tp.Phan Thiết được triển khai có hiệu quả, UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu những người dân đến Bộ phận may, Tổ số 14, Xưởng số 2 của Công ty TNHH May Thuận Tiến tại lô 2/15 Khu công nghiệp Phan Thiết, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc từ 7h30-17h 30 ngày 6/12-19/12 liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo và được tư vấn hỗ trợ.
UBND Tp.Phan Thiết đề nghị UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn Tp.Phan Thiết thông báo thông tin trên qua các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.
Đồng thời, yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly.
Theo số liệu thống kê của UBND Tp.Phan Thiết, ngày 21/12, Thành phố này có 28 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 13 ca tại khu cách ly, 15 ca cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết, tính từ ngày 27/4 đến 18h ngày 15/12, tỉnh Bình Thuận ghi nhận 23.687 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, Tp.Phan Thiết có số ca nhiễm cao với 7.604 trường hợp.
Số trường hợp cách ly là 57.665 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế có 22.902 trường hợp (đang cách ly 2.067 trường hợp, hoàn thành cách ly 20.835 trường hợp), cách ly tập trung của địa phương có 34.446 trường hợp (đang cách ly 33 trường hợp, hoàn thành cách ly 34.431 trường hợp), cách ly tập trung có thu phí có 317 trường hợp.
Ngoài ra, có 80.363 trường hợp cách ly tại nhà, trong đó đang cách ly có 8.235 trường hợp, hoàn thành cách ly có 72.128 trường hợp.
Số người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh từ 14h ngày 20/12 đến 14h ngày 21/12 là 12.336 người, trong đó tiêm mũi 1 có 835 người, tiêm mũi 2 có 11.333 người, tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có 168 người.
Tổng số người tiêm mũi 1 có 896.048, đạt tỉ lệ 99,3% (dân số ≥18 tuổi), số người tiêm mũi 2 có 740.786, đạt tỉ lệ 82,1% (dân số ≥18 tuổi). Tổng số trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi tiêm mũi 1 có 62.181, đạt tỉ lệ 42,2%; tiêm mũi 2 có 267, đạt tỉ lệ 0,20%.
Về tình hình xét nghiệm, số mẫu đã lấy là 4.984 mẫu, số mẫu đã thực hiện xét nghiệm 4.928 mẫu.
Riêng số mẫu đã lấy đối với người dân tại khu vực cách ly y tế, "vùng đỏ", "vùng cam" theo Công văn 4048/UBND-KGVXNV ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh là 1.787 mẫu.
Số ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi và xuất viện là 256 trường hợp.
Trong đó, thị xã La Gi 44 trường hợp, Tp.Phan Thiết 31 trường hợp, các huyện Hàm Thuận Nam 45 trường hợp, Đức Linh 44 trường hợp, Tánh Linh 30 trường hợp, Tuy Phong 24 trường hợp, Hàm Thuận Bắc 13 trường hợp, Hàm Tân 13 trường hợp, Bắc Bình 12 trường hợp.
Số trường hợp tử vong 6 ca, trong đó huyện Tuy Phong 3 ca (1 bệnh nhân nam, 49 tuổi, ngụ thị trấn Phan Rí Cửa; 1 bệnh nhân nữ, 61 tuổi, ngụ thị trấn Liên Hương; 1 bệnh nhân nam, 79 tuổi, ngụ xã Phú Lạc); huyện Tánh Linh 1 ca là bệnh nhân nữ, 91 tuổi, ngụ xã Đức Phú); Tp.Phan Thiết 1 ca là bệnh nhân nam, 53 tuổi, ngụ phường Lạc Đạo; thị xã La Gi 1 ca là bệnh nhân nữ, 65 tuổi, ngụ phường Phước Hội.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/binh-thuan-khan-tim-nguoi-den-cong-ty-may-khu-cong-nghiep-ph...
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương có 2 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh mua thiết bị kit test COVID-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có tổ chức đấu thầu qua mạng để mua 10.000 bộ test PCR và hóa chất sinh phẩm kèm theo. Gói thầu này có trị giá gần 5 tỷ đồng và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là đơn vị trúng gói thầu này. Tuy nhiên giữa đơn vị và Công ty Việt Á chưa ký hợp đồng mua bán.
Ngoài Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 22/5/2021, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh đã ký quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu "Mua sắm test nhanh, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Tĩnh".
Tên đơn vị trúng thầu là Liên danh Việt Á - Vật tư y tế Việt Nam - Thiên Phúc với giá trúng thầu là gần 6 tỉ đồng. Thành viên đứng đầu liên danh là Công ty Việt Á; thành viên liên danh gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ và thiết bị Thiên Phúc, Công ty Cổ phần cung cấp vật tư y tế và thiết bị Việt Nam.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết, đơn vị có mua bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á. Gói 6 tỷ này là liên danh giữa Công ty Việt Á và công ty khác. Hiện đơn vị đang làm báo cáo chi tiết về gói thầu này.
Có hay không việc được trích “phần trăm” trong gói thầu, ông Thanh khẳng định không có việc này. Gói thầu được đấu giá công khai qua mạng. CDC Hà Tĩnh chưa từng gặp Công ty Việt Á.
“Hiện chúng tôi đang báo cáo chi tiết về gói mua sắm bộ kit test COVID-19 của Công ty Việt Á. Việc này tôi không có gì giấu giếm, việc đấu thầu được tổ chức rộng rãi qua mạng. Tôi khẳng định Hà Tĩnh không nhận bất cứ phần trăm hay hoa hồng, tôi cũng chưa từng gặp người của Công ty Việt Á. Hiện công an cũng đã làm việc với đơn vị”, Giám đốc CDC Hà Tĩnh nói.
Trước đó, Giám đốc CDC Hà Tĩnh cũng cho biết, đơn vị có mua bộ kít xét nghiệm COVID-19 vào hai đợt, đợt 1 là đầu năm 2020 và đợt 2 là vào năm 2021. Tuy nhiên, số liệu cụ thể CDC đang báo cáo.
Nguồn: https://tienphong.vn/giam-doc-cdc-ha-tinh-khang-dinh-chua-tung-gap-nguoi-cua-cong-ty-vi...
Đó là kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Đà Nẵng vừa được bác sĩ Trương Văn Trình, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố cho hay.
Theo bác sĩ Trình, hiện Đà Nẵng còn 5.000 người chưa được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19. Đây là con số rất lớn. Sở Y tế sẽ thiết lập các điểm tiêm chủng thuận lợi cho người dân chứ không chỉ hai điểm tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi và cơ sở tiêm chủng dịch vụ - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (103 Hùng Vương) như dự kiến ban đầu. Ngoài ra, những đối tượng ốm đau, không đi lại được, Sở sẽ hỗ trợ xe tiêm chủng lưu động.
Đà Nẵng còn 5.000 người chưa được tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19.
Thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 24/12, dự kiến tiêm xong vào ngày 27/12. “Khi tiêm xong mũi 1, còn vắc xin sẽ cho triển khai luôn tiêm mũi 3, dự kiến khoảng 8000 người. Mũi 3 cũng sẽ ưu tiên trước cho các đối tượng nguy cơ”, bác sĩ Trình thông tin.
Ông cho biết thêm, khi Bộ Y tế phân bổ đủ vắc xin, Sở sẽ tiếp tục triển khai để đảm bảo trong quý I năm 2022 sẽ tiêm phủ hết mũi 3.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến lưu ý, sau khi Sở Y tế đã kết thúc việc tiêm chủng mũi 1, mà phát hiện ca dương tính nào chưa được tiêm vắc xin thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, Đà Nẵng triển khai quy trình đăng ký và thiết lập điểm tiêm chủng cho người dân chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Người dân từ đủ 12 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn chưa được tiêm chủng đủ liều cơ bản đăng ký tiêm từ ngày 17 đến 23/12, qua Tổng đài dịch vụ công Đà Nẵng, hoặc UBND xã, phường.
Nguồn: https://tienphong.vn/da-nang-con-5-000-nguoi-chua-tiem-mui-1-se-phu-mui-3-trong-quy-i-n...
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã mua hơn 20.000 kit xét nghiệm COVID-19 từ Cty Việt Á với giá 367.000 đồng/kit (tương đương khoảng 6 tỷ đồng-PV).
“Quá trình mua được thực hiện theo đúng quy định, không có tiêu cực. Thời điểm mua, từ lựa chọn đấu thầu đến thẩm định giá đều thực hiện qua tất cả các bước. Còn việc nhận hoa hồng, đối với ngành y tế Đắk Lắk đảm bảo không có chuyện này”, ông Nay Phi La nói.
Về quy trình thủ tục mua sắm trên, ông Nay Phi La khẳng định, đều được Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) lập kế hoạch, trình lên Sở Y tế rồi sở tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Sau đó, CDC Đắk Lắk thuê đơn vị độc lập thẩm định giá gói thầu rồi trình lên Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt. Hồ sơ cũng trình lên Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra lại quy trình, rồi CDC mới thực hiện mua. Các bước tiến hành phù hợp quy trình, quy định hiện hành.
Ở diễn biến khác, đại diện Sở Y tế Đắk Nông xác nhận không mua dụng cụ kit xét nghiệm COVID-19 của Cty Việt Á.
Như Tiền Phong đã đưa tin, Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can đối với 7 bị can, trong đó, có ông Phan Quốc Việt (SN 1980) - người sáng lập đồng thời là Tổng giám đốc Cty Việt Á để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Đến nay, bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.
Nguồn: https://tienphong.vn/dak-lak-khang-dinh-khong-nhan-hoa-hong-khi-mua-20-000-kit-xet-nghi...
Tối 21/12, Ủy ban Kiểm tra – Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với ông Phạm Duy Tuyến - Ủy viên BCH Đảng bộ Sở Y tế, Bí thư Chi bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Đảng bộ Sở Y tế Hải Dương.
Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy diễn ra sáng 21/12, ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định, sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương là rất nghiêm trọng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các Sở Y tế, Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan và lãnh đạo các cơ quan khi xảy ra sự việc tại CDC tỉnh Hải Dương. Đồng thời, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra Bộ Công an.
Ngôi nhà của bị can Phạm Duy Tuyến, nơi cơ quan công an khám xét, thu giữ một số sổ sách, tài liệu.
Trước đó, ngày 10/12, tổ công tác thuộc C03 – Bộ Công an khám xét khẩn cấp nhà ông Phạm Duy Tuyến, tại phố Nguyễn Thị Định, thuộc Khu đô thị phía Đông, thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương.
Thời điểm này, ông Phạm Duy Tuyến và vợ đã được cơ quan công an mời lên làm việc. Chứng kiến việc khám xét có đại diện công an phường, tổ dân phố và một số người thân ông Tuyến. Trong buổi khám xét, cảnh sát thu giữ một số sổ viết tay, sổ sách và nhiều giấy tờ đất đai (bản phô tô).
Đến ngày 17/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Cty Việt Á), CDC tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Cty Việt Á, Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương, Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Bước đầu, C03 - Bộ Công an xác định, Cty Việt Á bán kit test COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Bị can Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng cho Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương. Cơ quan điều tra đã kê biên 8 bất động sản của bị can Phạm Duy Tuyến.
Nguồn: https://tienphong.vn/dinh-chi-sinh-hoat-dang-giam-doc-cdc-tinh-hai-duong-post1403313.tp...
Ngày 22-12, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cho biết qua rà soát trong gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều không ký hợp đồng mua máy móc, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Theo ông Hiệu, vào tháng 5 và tháng 6-2021, trong thời điểm Bắc Giang là "tâm dịch", tỉnh nhận được sự hỗ trợ của cả nước để thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Thời điểm đó, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã chung sức, đồng lòng hỗ trợ Bắc Giang máy móc, vật tư, trang thiết bị y tế. Bởi vậy, tỉnh Bắc Giang đã chủ động được nguồn sinh phẩm và máy móc phục vụ xét nghiệm.
Trước khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, ngành Y tế Bắc Giang đều tham khảo giá công khai tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và thực hiện đúng các quy định về đầu tư, mua sắm công. Các thiết bị, sinh phẩm đều mua với giá phù hợp, thấp hơn mức niêm yết.
Được biết, thời điểm này, trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 5 ngàn test xét nghiệm. Mới đây, Tập đoàn Vingroup tài trợ cho tỉnh Bắc Giang 200 ngàn test xét nghiệm. Hiện trên địa bàn tỉnh sử dụng số test này phục vụ công tác xét nghiệm.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/mot-dia-phuong-tung-la-tam-dich-cua-ca-nuoc-nhung-khong-mua-...
Ngày 22/12, trao đổi với PV qua điện thoại, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An đã xác nhận những thông tin trên. "Phía Sở cũng đang theo dõi diễn biến của vụ việc. Quan điểm là ai sai người đó phải chịu", vị lãnh đạo này nói.
Công an đã thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến 4 gói thầu mua bán sinh phẩm vật tư y tế giữa CDC Nghệ An và Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Hiện cơ quan chức năng đã làm việc với lãnh đạo, kế toán của CDC Nghệ An nhằm làm rõ số tiền "lại quả", "bôi trơn" theo lời khai của bà Phan Tôn Noel Thảo, trợ lý tài chính Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Vào chiều ngày 21/12, Công an tỉnh Nghệ An đã tới đơn vị thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến 4 gói thầu giữa CDC Nghệ An và Công ty CP Công nghệ Việt Á.
Được biết, trong giai đoạn chống dịch Covid, CDC Nghệ An có mua vật tư, sinh phẩm, hóa chất hết gần 60 tỷ đồng, trong đó mua của Công ty Việt Á là 28 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An cho biết: "Công ty Việt Á cung cấp hàng hóa thông qua 4 gói thầu, gồm 2 gói chỉ định thầu (trị giá hơn 18,5 tỷ đồng) và 2 gói đấu thầu rộng rãi. Theo ông Định, gói chỉ định thầu thứ nhất trị giá 5 tỷ đồng vào ngày 15/7, giá trúng là 470.000 đồng/1 bộ kit xét nghiệm. Gói chỉ định thầu còn lại trị giá hơn 13 tỷ đồng, giá trúng là 367.500 đồng vào ngày 31/10".
Liên quan đến việc chi tiền ngoài hợp đồng trong vụ án Công ty Việt Á, đối tượng Phan Tôn Noel Thảo - trợ lý tài chính Công ty Việt Á khai tham gia chi tiền cho nhiều đơn vị, trong đó có CDC Nghệ An, ông Định phủ nhận thông tin nhận tiền "hoa hồng" từ Công ty Việt Á.
"Tôi đã xem qua clip, họ nói có chuyển tiền hoa hồng cho CDC Nghệ An. Tôi khẳng định rằng, tôi chưa từng nhận một khoản tiền nào từ Công ty Việt Á. Qua kiểm tra các cán bộ trong đơn vị, anh chị em cũng khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền hoa hồng nào", Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định nói.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cong-an-vao-cuoc-dieu-tra-viec-mua-ban-kit-test-tai-cdc-ngh...
Sáng 22/12, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn từ 3 - 7 lần so với chủng Delta.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, với biến chủng Delta, khi người mắc đã tiêm vaccine đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần. Còn hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta.
Với biến chủng Omicron, người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta. Thậm chí, những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Phó Thủ tướng nêu lại, từ đầu dịch, khi một nước trong khu vực Đông Nam Á có ca nhiễm biến chủng mới, chúng ta đều xác định, coi như biến chủng mới đã có ở trong nước. Tương tự, trước diễn biến lây lan của biến chủng Omicron trên thế giới và một số nước trong khu vực, chúng ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron.
Trong khi chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine theo hướng chuyển từ "ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi" sang "phải phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vaccine phòng Covid-19".
Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng virus (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm virus có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.
Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức cách ly, tự điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải.
Hệ thống y tế cơ sở phải quản lý tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
"Giả sử biến chủng Omicron có độc lực nhẹ đi thì vẫn có một tỷ lệ người đã tiêm đủ vaccine bị nhiễm, trong đó sẽ có một tỷ lệ bị nặng. Nếu chúng ta để số ca nhiễm nhiều dồn vào một thời điểm, gây quá tải hệ thống y tế thì tỷ lệ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy chúng ta không được lơi lỏng cảnh giác", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong dịp Tết Nguyên đán, tổ Covid-19 cộng đồng, công an, dân quân, y tế và các lực lượng cần tiếp tục "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" trong tiêm vét vaccine, phát hiện, hỗ trợ người bệnh, không để người nào đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có Tết.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-de-nguoi-dan-dang-cach-ly-tu-dieu-tri-tai-nha-khong-c...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-2212-ca-f0-tang-khong-ngung-mot-tinh-than...
Chuyện lạ thế giới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn