4 năm trước, khi quyết định nghỉ việc nhà nước về làm bánh, chị Võ Thị Thu Hạnh (Đắk Nông) vẫn còn đôi chút hoang mang trên con đường mình đã chọn. 4 năm sau, dù chưa thể nói con đường ấy đã trải hoa hồng cho chị nhưng nó giúp chị thoải mái thời gian chăm con, thỏa mãn niềm đam mê với bánh và có nguồn thu nhập tốt hơn nhiều lần công việc trước đây.
Chị Thu Hạnh.
Bỏ công việc nhà nước về làm bánh
Chị Hạnh từng tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh và làm trong cơ quan Nhà nước nhưng sau khi có con, mọi thứ với Hạnh hoàn toàn đảo lộn. Vì con còn quá nhỏ không đi học được sớm, hơn nữa không có ai chăm giúp nên chị quyết định nghỉ việc ở nhà vừa chăm con vừa khởi nghiệp bằng những sản phẩm đồ ăn homemade như làm dầu dừa, cà phê sạch.
Thời gian đầu nghỉ việc chị đã có chút khủng hoảng vì chưa tìm được con đường mình đi tiếp, tuy nhiên sau đó cái duyên đến khiến chị gắn bó với những chiếc bánh khi sở hữu một chiếc lò nướng vào năm 2014. Từ đó chị tìm hiểu các loại bánh ăn dặm cho con và bắt đầu tập làm những loại bánh có trong sách.
“Từ hồi mình còn bé xíu, gia đình khó khăn nên mình vừa ẵm em vừa lo cơm nước kẻo má la. Mình nhớ món đầu tiên mình nấu đó là cơm chiên chỉ chiên cho nóng rồi thêm tí nước mắm là ăn thôi, rồi mẹ giao nấu cơm, luộc rau, kho thịt từ hồi nào không nhớ.
Tuổi thơ của mình khi còn bé rất dữ dội, nên lớn lên mình cũng dữ dội y chang. Khi còn là sinh viên, mình có niềm đam mê mãnh liệt với các món ăn truyền thống. Mình thường lang thang trên các diễn đàn và gặp được 1 người truyền lửa yêu thương cho mình với mỗi bữa ăn gia đình, có cơm có canh có bánh.
Khai vị yêu thương của mình là bé Quế Hương, người giúp mình có niềm tin với chiếc lò là chị Khai Tâm, người dẫn dắt mình đi đến thành công lại là ông xã mình”, chị Hạnh kể.
Loại bánh chị tâm đắc nhất là bánh mì hoa cúc, vì nó là loại bánh rất khó, sử dụng chất lỏng nhiều, sử dụng bơ nhiều nên yêu cầu kỹ thuật cao. Vì luyện được kỹ thuật cao nên những dòng bánh còn lại đối với chị khá là đơn giản.
Chị Hạnh cho biết, trong quá trình tập tành làm bánh, chị rất thích bánh mì và không hiểu sao chị lại thích ngửi mùi bánh mì lúc mới chín tỏa ra trong lòng. Có lẽ vì những chiếc bánh mì ấy gợi cho chị nhớ về những ngày còn nhỏ đi học với chiếc bụng đói meo ngang qua lò bánh ngào ngạt mùi thơm chỉ ao ước được no bụng.
Vậy là chị đã tập làm tất các loại bánh mì từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi lần làm ra một chiếc bánh ngon đẹp chị lại tranh thủ đăng lên Facebook khoe thành phẩm và công thức. Và có lẽ cũng từ sự vô tư nhiệt tình này chị được mọi người yêu quý, “dụ dỗ” bán bánh.
Ngoài làm bánh, chị còn làm detox, trà bí đao, khô gà, các sản phẩm theo hot trend.
Bánh cháy vẫn có người mua, thu nhập trung bình 20 triệu/tháng
Để có được thành công, chị Hạnh trải qua không ít khó khăn. Thời gian quyết định bán bánh để có tiền nuôi dưỡng niềm đam mê đã bao nhiêu lần chị phải đổ hết mẻ bột làm bánh.
“Những ngày làm bánh với chiếc lò 50l nho nhỏ và phải nhồi tay cho đến khi bột đạt. Mình vô tư nghĩ rằng nhồi tay cũng như nhồi máy, làm ít cũng như làm nhiều không cần có kỹ thuật chỉ cần bột đạt là được. Mình vui vẻ nhận đơn rồi đổ nguyên 1 bao bột vào cối nhồi. Xài điện gia đình trong khi xài máy nhồi công nghiệp, báo hại ông xã mình phải chạy ra bật công tơ mét đến cả chục lần mình mới cho nghỉ ngơi.
Bột nhồi xong bị nóng nên nở không kiểm soát, mình xử lý không kịp, nghĩ cách cho bớt vào tủ lạnh. Cuối cùng tủ lạnh bị mở tung cửa vì bột nở tràn, mình vừa hì hụi lau dọn vừa mệt nên đổ hết mẻ bột ra cho gà ăn.
Kết quả 40 con gà ăn bột nhiều quá đi lại không nổi lăn ra ngáp ngáp. Sau lần đó mình mới lên mạng tìm đọc và tự viết lại một công thức bánh khác, xem các video làm bánh của những người chuyên nghiệp để học cái cần thiết cho bản thân mình”, chị Hạnh nhớ lại những sự cố ngày đầu.
Không những vậy, thời gian đầu bán bánh gặp nhiều gian nan vì chị không lường trước được lượng khách hàng ở xa, không tính thời gian chờ và chạy của xe nên đã có lần khách mách bánh bị xẹp, bị móp méo, chị phải đền, bù hàng cho khách. Thậm chí, đã có lần chị bán bánh cháy cho khách vì sự cố con gái nghịch nút nhiệt đến khi bánh bị cháy mới phát hiện ra. “Vậy mà cũng có khách mua, mua vì thương và muốn ủng hộ. Có lẽ vì sự động viên không qua lời nói đó mà mình đã có được ngày hôm nay, trong lòng mình luôn biết ơn và không ngừng nỗ lực cố gắng”.
Mùa cao điểm nhất đối với chị và những người làm bánh đó là trung thu và dịp Tết.
Chị Hạnh cho biết, ở vùng quê của chị, để duy trì nghề bánh bằng việc chỉ bán bánh sẽ rất khó khăn, chị phải bán thêm các sản phẩm khác như detox, trà bí đao, khô gà, các sản phẩm theo hot trend để có chi phí xoay vòng và duy trì.
Hơn nữa, Đắk Nông là một tỉnh nhỏ đa phần dân cư sống rải rác nên chị vẫn chưa thể bán bánh ở địa phương. Chị vẫn nhập nguyên liệu ở thành phố về rồi làm và xuất thành phẩm đi bán ngược lại thành phố.
May mắn 4 năm qua kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, nhờ sự kiên trì, cố gắng của bản thân cùng với tình yêu thương của khách hàng, sự động viên của chồng, con gái nên bây giờ chị đã sống được với nghề. Hiện nay thu nhập trung bình của chị khoảng 20 triệu/tháng cao gấp nhiều lần so với công việc trước đây của chị.
4 năm kinh doanh từ chỉ có một mình với 2 bàn tay trắng, giờ đây, chị đã có thương hiệu riêng của mình và nhân viên phụ giúp làm bánh. Chị Hạnh chia sẻ thêm, hiện nay công việc làm bánh của chị đã đi vào quỹ đạo không còn lo lắng nhiều nên chị chỉ tập trung vào sản phẩm. Sắp tới chị sẽ tuyển nhân viên phụ giúp việc làm bánh và nhân viên kinh doanh để giúp mình quản lý công việc.
Hiện nay ông xã bận rộn với công việc riêng nhưng cũng giúp chị công việc nhà, chơi với con vào cuối tuần để chị thỏa mãn đam mê.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn