Ngày 2/12, phản ánh đến báo, gia đình sản phụ C.K.N. (SN 1994, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, vào khoảng 8h ngày 29/10, chị N. thấy ra nước ối nhiều nên đã kêu gia đình đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để chờ sinh. Lúc này, chị N. đang mang thai được 39 tuần 1 ngày.
Sau khi thăm khám cho chị N., bác sĩ kết luận sản phụ có hiện tượng ra dịch nhầy, mở nửa phân nhưng chưa có dấu hiệu sinh. Sau đó, chị N. được bác sĩ cho về nhà nghỉ ngơi với lời dặn sau 3 ngày, nếu có dấu hiệu đau bụng, thai máy yếu, ra huyết… thì nhập viện ngay.
Mặc dù gia đình tỏ ra lo lắng nhưng vẫn làm theo lời dặn của bác sĩ và cho chị N. về nhà theo dõi. Đến khoảng 4h ngày 31/10, chị N. đau bụng, có ra một chút máu nhưng thai vẫn máy bình thường. Ngay lập tức, gia đình tiếp tục đưa N. tới Khoa cấp cứu của Bệnh viện Từ Dũ thăm khám.
Đến phòng cấp cứu lúc 9h cùng ngày với sức khoẻ yếu, chị N. vẫn phải bốc số ngồi chờ tới lượt vào khám. Vào phòng đo tim thai nhưng sau 2 lần đổi máy đo, bác sĩ không thấy được tim thai của thai nhi và chị N. được chuyển tới phòng siêu âm. Tại đây, bác sĩ siêu âm khẳng định tim thai không còn đập. Thai nhi được chuẩn đoán nặng 3,450 kg.
Bé trai sau khi được bác sĩ bắt ra đã được gia đình mặc quần áo để đưa đi mai tang.
Chia sẻ với PV, chị T.T.H. (chị gái của chị N.) cho hay: “Khi N. lên Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu, có mẹ tôi và chồng em ấy. Vợ chồng tôi sắp xếp đồ để lên sau. Thế nhưng, thật sự sốc khi em trai tôi khóc gọi điện báo N. bị thai lưu. Sau 2 tiếng đồng hồ, tôi đến bệnh viện nhưng vẫn thấy em N. phải ngồi ngoài hành lang trong khi sức khoẻ em tôi khi ấy rất yếu”.
“Nóng ruột đứng ngồi không yên, tôi phải chạy đi tìm các bác sĩ để xin giường cho em tôi nằm nghỉ ngơi. Khi đó, bác sĩ nói do bệnh viện quá tải nên em tôi đành phải đợi và sau đó mới được chăm sóc đặc biệt”, chị H. chia sẻ thêm.
Anh T.N.G. (chồng chị N.) bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã đi tìm bác sĩ hỏi về nguyên nhân vợ tôi bị lưu thai nhưng câu trả lời người nhà tôi nhận được là thai lưu không rõ nguyên nhân. Bác sĩ giải thích là phía bệnh viện đã làm đúng phác đồ. Gia đình chúng tôi không thể chấp nhận được câu trả lời như vậy. Trong sự việc này, gia đình tôi cho rằng bác sĩ đã tắc trách khiến con tôi chết lưu trong bụng mẹ. Tôi đề nghị bệnh viện cần thành lập hội đồng y khoa để trả lời cụ thể về trường hợp của con tôi”.
Sản phụ C.K.N. vẫn chưa hết sốc sau sự việc đã xảy ra.
Theo anh G., nằm 1 ngày trong bệnh viện, chị N. được chỉ định sinh thường để bắt thai lưu lúc 15h ngày 1/11. Khi bắt ra, bé trai vẫn hồng hào nhưng không còn hy vọng sống với dây rau quấn cổ đã tím bầm.
Liên quan đến vụ việc, BS.CK1 Bùi Văn Hoàng (Bệnh viện Từ Dũ) kết luận: “Việc thai nhi tử vong trong bụng mẹ là “rủi ro trong y khoa”. Đây là ca chết ngoại viện, không phải sai sót trong chuyên môn. Việc thai chết lưu không phải do dây rốn quấn cổ. Phía bệnh viện chúng tôi chia buồn cùng gia đình”.
Cũng với vấn đề này, TS.BS Lê Ngọc Diệp (Trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ) chia sẻ: “Một năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 65.000 ca sinh, việc thai lưu cũng xảy ra 2 đến 3 trường hợp là “rủi ro trong y khoa”. Những trường hợp này khó có thể giải thích được nguyên nhân vì sao thai đột tử bất thường”.
Bác sĩ Hoàng cũng đưa ra khuyến cáo, việc tràng hoa quấn cổ là bình thường và không quá nguy hiểm. Theo chỉ định của bệnh viện không nên cho sản phụ biết về vấn đề này để sản phụ giảm bớt lo lắng trong quá trình mang thai. Ngoài ra, các thai phụ đặc biệt chú ý tới cử động thai như thai máy bất thường, thai máy yếu, ra nước hay huyết âm đạo, đau bụng… cần đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn