Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hằng – Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, khoa vừa tiếp nhận một bé trai 7 tuổi (ở Hà Nội) bị chó căn. Khi nhập viện, cháu bé ở trong tình trạng có nhiều vết thương ở vùng mặt.
Theo đó, vùng mặt của bé trai 7 tuổi này bị khuyết ½ môi trên dính sát liền mũi, vết thương thấu môi dưới, phần đứt rời kích thước 2x2cm dập nát, có nhiều vết răng chó ở trên.
Bệnh nhi bị chó cắn mất môi không thể ghép được phần môi đứt rời
Do phần tổn thương bị dập nát, không được bảo quản đúng cách, nên không có khả năng nối vi phẫu trồng lại môi cho bệnh nhân. Do đó, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành làm sạch tổn thương, khâu các vết thương ở mặt, ghép phức hợp 1 phần của môi trên.
Theo chia sẻ của gia đình bé trai, trong khi ở nhà với bố mẹ, cháu bé ra sân chơi cùng con chó nhà nuôi lâu năm. Không hiểu vì lý do gì, con chó đã tấn công trực tiếp vào vùng mặt cháu bé. Khi bố mẹ giải cứu được thì vùng mặt cháu bé đã bị tổn thương rất nhiều.
Hiện tại bé trai đã tỉnh lại, không sốt, vết thương khô. BS. Hằng cho biết thêm, trường hợp bé trai này có tổn thương ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ, tiên lượng kém, sẽ phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần. Tuy nhiên, kết quả sẽ không bao giờ trở về như trước được. Bệnh nhi vẫn đang được tiếp tục theo dõi, chăm sóc.
Từ trường hợp trên, BS Hằng khuyến cáo nếu chẳng may bị chó cắn đứt rời một phần cơ thể (như môi) thì cần bảo quản đúng cách, cho phần môi đứt rời vào 1 túi nilon sạch và ít nước sạch, quấn chặt và đặt vào thùng nước đá.
Trước đó, cũng tại Hà Nội, một cháu bé chưa đầy 1 tuổi đã tử vong vì bị chó ngao Tây Tạng tấn công. Đây thật sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các phụ huynh khi nuôi thú cưng tại nhà, đặc biệt là chó, mèo.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi nuôi chó trong nhà, đặc biệt là những nhà có trẻ nhỏ thì cần phải đeo rọ mõm cho chó. Nếu bị chó tấn công cần phải đến viện kịp thời để xử lý, đồng thời phải theo dõi chó nuôi và tiêm phòng đầy đủ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn