Nạn nhân mới mua bảo hiểm... 2 tháng
Chiều 24/8, Trung úy Nguyễn Quang Vũ, điều tra viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an quận Bắc Từ Liêm) đã có những chia sẻ với phóng viên về quá trình điều tra, khám phá vụ chị Lý Thị N. (ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt chân, tay nhằm trục lợi tiền bảo hiểm.
Theo Trung úy Vũ, khi nhận tin báo về vụ “tai nạn đường sắt”, có mặt tại hiện trường, lực lượng công an xác định chị Lý Thị N. đang nằm dọc đường ray bên trái đường sắt theo chiều từ Hà Đông về ga Phú Diễn. Chị N. bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời, một chiếc dép nằm phía bên trong đường ray.
Quá trình nằm điều trị tại bệnh viện, chị N. khai với các điều tra viên rằng vợ chồng chị có mâu thuẫn, xích mích. Do buồn chán, chị đi lang thang dọc đường sắt từ khu vực phường Xuân Phương về đường 32 thì gặp nạn.
Nói về việc khám nghiệm, Trung úy Vũ cho hay, cảnh sát xác định trên toa tàu và bánh tàu không có bất kỳ vết máu nào. Tại hiện trường có nhiều vết máu vương vãi.
“Điều lạ là phần tay, chân nạn nhân bị đứt bằng vật gì đó rất sắc lẹm” - Trung úy Vũ phân tích về những nghi vấn trong vụ việc và cho biết, cảnh sát đặt ra nhiều giả thiết nhưng đã loại trừ việc chị N. bị tàu đâm.
Lúc này, một hướng điều tra khác được đặt ra là nạn nhân bị “xã hội đen” thanh toán. Song, giả thiết này cũng nhanh chóng bị loại bỏ.
Khi mọi hướng điều tra đều bế tắc, các trinh sát CAQ Bắc Từ Liêm bất chợt chú ý đến việc chị N. liên tục đề nghị cơ quan công an xác nhận chị tai nạn giao thông đường sắt và xác định tỷ lệ thương tật để được thanh toán tiền bảo hiểm của 3 gói bảo hiểm mà chị đã mua trước đó của 2 công ty bảo hiểm khác nhau.
“Qua điều tra, chúng tôi xác định, với việc bán nước, kinh tế không ổn định như chị N., việc bỏ ra số tiền 150 triệu đồng/năm để mua 3 gói bảo hiểm nhân thọ quả thực rất khó và không thể có tiền mua” - Trung úy Vũ nhận định và cho biết, chị N. mới mua bảo hiểm từ tháng 3, tháng 4/2016, cách thời điểm xảy ra vụ việc chỉ khoảng 2 tháng.
Cũng theo Trung úy Vũ, việc phối hợp với đơn vị bảo hiểm khá khó khăn vì liên quan đến bảo mật khách hàng. “Lần tìm các mối những người từng mua bảo hiểm để nắm rõ vấn đề, chúng tôi được biết, nếu xảy ra tai nạn, với 3 gói bảo hiểm này, nạn nhân sẽ được đền bù tổng cộng khoảng 3,5 tỷ đồng, một số tiền rất lớn” - Trung úy Vũ nói.
Vào nhà nghỉ bàn bạc phương án
Tập trung điều tra theo hướng liên quan đến 3 gói bảo hiểm nạn nhân đã mua, các trinh sát CAQ Bắc Từ Liêm lần tìm manh mối của anh Doãn Văn D., nhân chứng của vụ việc. Tại trụ sở công an, ban đầu, anh D. khai không liên quan đến vụ tai nạn. Sau nhiều giờ đấu tranh, cảnh sát đã buộc thanh niên này khai nhận toàn bộ vụ việc.
Theo Trung úy Vũ, anh D. khai nhận chưa tiền án tiền sự, bản thân chơi bời, túng thiếu. Qua quen biết với chị N. từ trước, hai người bàn bạc nhau thực hiện vụ “tai nạn đường sắt”.
“Hai người đã vào nhà nghỉ gần đó bàn bạc phương án. Cả hai đều tính toán rất kỹ địa điểm xảy ra tai nạn gần công an nhất để có thể công an sẽ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Tại nhà nghỉ, chị N. đã viết giấy vay nợ D. 50 triệu đồng là tiền công thuê D. chặt tay, chân. Số tiền này chị N. hứa sẽ trả D. đầy đủ sau khi phi vụ thực hiện trót lọt và nhận tiền bảo hiểm” - Trung úy Vũ kể.
Cũng theo Trung úy Vũ, D. khai, kể từ sau khi gây án, anh này mới nhận được từ chị N. 3 triệu đồng và được chia thành 3 lần khác nhau. D. khai rằng, do nợ nần nhiều, bị chủ nợ thúc ép, quá túng quẫn nên chị N. đã nghĩ ra việc mua bảo hiểm rồi lên kế hoạch bị tai nạn để nhận tiền bảo hiểm.
“Sau khi D. khai nhận hành vi của mình, chúng tôi mời chị N. lên làm việc thì chị này giật mình và tỏ ra rất bất ngờ” Trung úy Vũ nói và cho biết, trước những chứng cứ rõ ràng, người phụ nữ này buộc phải khai nhận hành vi của mình.
“Sau sự việc, chị N. cũng bị ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe nhiều. Bản thân cũng bế tắc khi nhận ra sai lầm đáng tiếc của bản thân để rồi mang tật vào người” - Trung úy Vũ nói thêm.
Tiến Nguyên
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn