Ngày 24/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường với khoảng 2.200 cán bộ tham dự.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chúng ta đã nói đến tình trạng bắn chỉ thiên, nghĩa là không ai chịu trách nhiệm. Lần này các cấp, các ngành phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vấn đề môi trường trên địa bàn. Dự án ai cấp giấy phép mà để môi trường xấu như vậy? Chủ trương, biện pháp khắc phục ra sao?".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị môi trường sáng 24/8. Ảnh: Võ Hải. |
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ triển khai các biện pháp “cứng rắn” để khắc phục vấn đề môi trường, đã và đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
Theo đó, Chính phủ kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý được giao. "Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND ở đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ".
Thủ tướng giao Bộ Công an đề xuất cụ thể các giải pháp để phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường. Bộ Tài nguyên và Bộ Tài chính xây dựng cơ chế thực hiện ký Quỹ bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành thử nghiệm, nhất là các dự án lớn có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tiềm ẩn rủi ro.
Bộ Tài nguyên cũng được giao chuẩn bị đánh giá xếp hạng công tác bảo vệ môi trường các tỉnh thành từ năm 2017. Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm thành lập Ủy ban ứng phó tình trạng khẩn cấp.
Thủ tướng hoan nghênh một số địa phương từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quang Hiếu |
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã "hoan nghênh một số địa phương từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường". Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên Trần Hồng Hà cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài, song cơ quan chức năng cần tỉnh táo để đánh giá các dự án vào Việt Nam vì môi trường đầu tư hấp dẫn, vì những lợi thế so sánh của đất nước, hay vì lý do khác.
Theo ông Hà, đã đến lúc Việt Nam phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh”, tính toán chi phí tiêu dùng tài nguyên, mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế, thay vì tính toán GDP đơn thuần như lâu nay.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sự cố môi trường biển miền Trung đã gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Sự cố này cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; đồng thời đã làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân. |
Võ Hải
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn