Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho hay sau 3 năm thực hiện Thông tư 30, tính ưu việt, nhân văn của cách đánh giá này đã được công nhận. Tuy nhiên, ông Nhạ thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế trong cách đánh giá này.
Giáo viên bị sốc
Trên thực tế, kết quả khảo sát của Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam (nhóm nghiên cứu do PGS-TS Vũ Trọng Rỹ chủ trì) sau khi phỏng vấn các giáo viên (GV) đã công bố 63,7% số GV cho là sau một năm thực hiện Thông tư 30, học sinh (HS) lười học hơn trước, 30,5% cho là bình thường, chỉ có 5,9% cho là HS chăm học hơn.
Cô và trò Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TP HCM) chuẩn bị sách vở cho năm học mới Ảnh: Tấn Thạnh
Nhận xét về nguyện vọng của HS, 93,8% GV được phỏng vấn cho rằng HS có học lực khá trở lên đều muốn đánh giá bằng điểm số; trong khi đó, 59,9% cho rằng HS có học lực yếu thích được đánh giá bằng nhận xét.
Rõ ràng, kết quả khảo sát trên đã khiến lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải xem xét lại Thông tư 30. Chính Bộ trưởng Nhạ thừa nhận mặc dù chủ trương là tốt, nhân văn song mô hình vẫn chưa được kiểm chứng. Thực tế trong giáo dục rất phức tạp nên phải đi từng bước, thí điểm rồi tổng kết, sau đó mới mở rộng và tiếp tục bổ sung. “Việc áp dụng thông tư này phải có bước đi, lộ trình cụ thể chứ không thể áp dụng đại trà ngay, trong khi đó chúng ta lại áp dụng đại trà ngay nên vướng mắc là điều khó tránh khỏi” - Bộ trưởng Nhạ thừa nhận.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng việc đưa vào áp dụng đại trà quy định của Thông tư 30 khiến nhiều GV không theo kịp nên bị sốc. Đó là chưa kể một số địa phương, nhà trường còn thêm vào nhiều yêu cầu khác khiến quy định này trở nên phức tạp hơn.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, chia sẻ khi thực hiện Thông tư 30, GV đã quá coi trọng việc ghi đánh giá, nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng dẫn đến không có thời gian đầu tư nghiên cứu, giảng dạy. Nhiều GV nhận xét rập khuôn, tiêu chí khen thưởng không rõ như việc có trường ở Hà Nội ghi là “Giấy khen từng mặt”.
Bất cập thì phải sửa
Trước phản hồi của GV tiểu học, đặc biệt là yêu cầu bỏ Thông tư 30, Bộ GD-ĐT cho biết sửa thông tư này theo tinh thần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm và “không cầm tay chỉ việc”. Bộ trưởng Nhạ thẳng thắn cho hay quan điểm của ông là khi ban hành văn bản mà phát hiện bất cập thì phải sửa ngay, không sợ xấu hổ, không để GV, HS phải chịu đựng.
Ông Phạm Ngọc Định cho biết thay đổi lớn nhất của việc sửa đổi thông tư sắp tới là bỏ sổ theo dõi chất lượng, thay vào đó là bảng tổng hợp nhằm giảm tải cho GV. Trước đây, GV phải ghi chép đánh giá, nhận xét thường xuyên hằng tuần, hằng tháng vào sổ theo dõi chất lượng, nay GV được quyền chủ động ghi vào bảng tổng hợp cuối kỳ. Ngoài ra, thông tư sửa đổi cũng làm rõ khái niệm đánh giá định kỳ môn học, tiêu chí khen thưởng…
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong năm học mới, Thông tư 30 phải được sửa đổi theo hướng chuẩn kiến thức, kỹ năng dễ nhớ, dễ thực hiện, một số tiêu chí phải được lượng hóa. “Ví dụ, trước đây đánh giá HS rất chung chung, nay phải cụ thể để HS hiểu hôm nay tiến bộ hơn hôm qua chỗ nào. Có thể đánh giá theo thang bậc A, B, C, D, không nhận xét “có tiến bộ” hoặc mặt cười, mặt mếu như trước” - Bộ trưởng nói.
Sáng tạo, linh hoạt trong đánh giá học sinh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu thông tư phải xây dựng một số tiêu chí để GV làm căn cứ đánh giá, nhận xét HS trên tinh thần giảm tải cho GV, tạo hứng khởi cho HS. Phần HS nhận xét lẫn nhau cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Theo ông Nhạ, sau khi sửa đổi, GV sẽ không còn phải đánh giá hằng ngày mà đánh giá hằng tháng hoặc 3 tháng để tổng hợp từng khía cạnh, năng lực của HS. Bộ ra chương trình khung, ngoài ra tạo điều kiện cho GV có sự sáng tạo, linh hoạt khi đánh giá, nhận xét. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn