Theo đó, chuyến bay VN249 từ Hà Nội đi TP HCM cất cánh lúc 13h55, khoảng 20 phút sau thì cơ trưởng phát hiện sự cố động cơ nên thông báo với hành khách và quyết định đưa máy bay trở lại sân bay Nội Bài để xử lý kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn bay.
Qúa trình kiểm tra động cơ, Vietnam Airlines phát hiện có chim trời đã va vào miếng hút động cơ số 1 của máy bay. Trước tình hình này, chiếc Boeing 777 buộc phải nằm lại sân bay để sửa chữa.
Vietnam Airlines đã bố trí một máy bay khác và chuyển toàn bộ hành khách sang, máy bay đã khởi hành đi TPHCM lúc 15h30 cùng ngày. Hãng hàng không này cho biết, đang tiến hành sửa chữa, chưa tính được thiệt hại từ sự việc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, sự cố chim trời đâm va cũng xảy ra với chiếc Airbus 320 của Vietjet Air làm lõm mũi của máy bay. Chuyến bay gặp sự cố mang số hiệu VJ 496 chở theo 145 hành khách từ Buôn Ma Thuột khi đó đang hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Theo nhà chức trách hàng không, dù tại các sân bay đều có biện pháp đuổi chim nhưng hiệu quả đạt được không cao. Gần đây, số lần chim va vào máy bay có chiều hướng gia tăng, khi máy bay đang bay với tốc độ nhanh mà va vào một số loài chim lớn sẽ khiến máy bay bị thiệt hại.
Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã trình Bộ Giao thông vận tải xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ, tự động đuổi chim trên đường băng trị giá tới 1.162 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam chưa đồng tình với đề xuất của ACV và cho rằng dự án còn thiếu các tài liệu kỹ thuật và thông tin thiết bị nên chưa thể xác định rõ khả năng làm việc tối ưu của hệ thống. Cục Hàng không đánh giá dự án cảnh báo, xử lý chim trời là cần thiết nhưng đề xuất của ACV còn khá sơ sài và thiếu phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác...
Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn