Không chừa một ai
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đầu năm học 2016-2017, họ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua về những thứ “vô bổ”, nhưng không thể không mua. Điều lạ là, những thứ “vô bổ” này lại do chính sở chuyên ngành của tỉnh này “đẻ” ra, ấn xuống các Phòng Giáo dục, các phòng bổ về các trường học và hậu quả phải gánh là phụ huynh học sinh.
Trong số sách tham khảo mà học sinh tiểu học phải mua còn có cả luyện viết chữ đẹp Tiếng Anh.
Vào đầu năm học mới, PV Tiền Phong về lại các xã biển, những nơi có nhiều gia đình khó khăn liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Ở xã biển Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, chỉ cách Formosa chừng 10km, địa phương đầu tiên phát hiện cá chết của Quảng Bình, mặc dù nhiều gia đình rất khó khăn nhưng hầu hết các em trong độ tuổi đều đã được đến trường. Tuy nhiên, những phụ huynh mà chúng tôi tiếp xúc đều rất bất bình trước việc nhà trường “ép” học sinh mua sách tham khảo. Bức xúc là vậy, nhưng không ai dám phản ứng vì sợ con em mình bị trù dập. Ngay cả phản ánh với báo chí, họ cũng xin được giấu tên.
Chị Nguyễn Thị M. cho biết: Cả nhà 5 người sống nhờ vào tay lưới hàng ngày thả ven bờ của chồng. Từ ngày cá chết, lưới gác lên sàn, anh tìm việc làm thuê trong địa phương, ngày có ngày không. Đang lúc túng bấn thì cả 3 đứa con vào năm học mới. Chạy vạy khắp nơi, chị cũng mua đủ sách, vở, bút mực cho các cháu. Tưởng như vậy là tạm ổn, chỉ còn phải lo các khoản nộp đầu năm. Nhưng chỉ sau mấy ngày đến lớp, con trai chị đang học tiểu học khênh về một đống, 11 cuốn sách tham khảo và hồn nhiên xin 360.000 đồng để nộp cho cô giáo chủ nhiệm.
Chị tức tốc hỏi cô chủ nhiệm, thì cô giáo cũng hồn nhiên trả lời: Nhà trường chuyển về cho các lớp như vậy, cô chỉ có nhiệm vụ phát sách và thu tiền. “Cá chết, lo ăn từng bữa chưa đủ, cho con đến được trường là cố gắng lắm rồi, mần chi có tiền mà mua sách tham khảo. Tui cứ nghĩ, khó khăn do cá chết chắc các cháu được ưu tiên phần nào, ai ngờ bắt ép kiểu ni thì không chịu nổi. Tui cũng như nhiều phụ huynh khác rất bất bình về chuyện ni nhưng không biết kêu ai” - chị M. bức xúc nói.
Những tưởng, xã Quảng Đông chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng qua tìm hiểu thì tất cả các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đều có chung tình trạng “ép” học sinh mua sách tham khảo. Chị Trương Thị H., phường Nam Lý (TP Đồng Hới) cho biết: Con trai chị năm nay lên lớp 5, trước ngày khai giảng cháu mang về một ba lô sách và bảo cô mới phát. Chị giở ra xem có 8 cuốn và thực sự không hài lòng chút nào với những danh mục sách tham khảo mà nhà trường bắt mua. Trong đó có 2 tập luyện viết chữ đẹp do Sở GD&ĐT biên soạn, thậm chí còn có cả luyện viết chữ đẹp Tiếng Anh. “Cháu lên lớp 5 thời gian học bài chính khóa còn chưa đủ, lấy đâu ra mà ngồi luyện viết chữ đẹp…”- chị H. bức xúc.
Cùng chung tâm trạng bức xúc, các phụ huynh có con học ở trường Tiểu học Đồng Phú, TP Đồng Hới cho biết: Họ đang phải bỏ tiền mua những thứ vô bổ, không giúp gì cho việc học tập của các cháu. Chị Hoàng Thị L. tâm sự: Ngay khi tổng kết năm học 2015-2016, nhà trường đã ra thông báo danh mục sách tham khảo nhà trường sẽ bán, phụ huynh không được mua ở ngoài. Vì nể nhà trường nên cũng bấm bụng mua, nhưng về xem lại thì hầu hết không phải sách của Nhà xuất bản Giáo dục.
“Trớ trêu hơn, trong đó có cuốn Tài liệu giáo dục địa phương, cuốn này khi cháu vào lớp 1 đã mua và nghe cô giáo nói sẽ dùng trong các năm học, nhưng năm nay cháu mới lên lớp 3 đã phải mua lại. Khi tôi thắc mắc với cô giáo thì được giải thích, hàng năm có thay đổi bổ sung nên phải mua mới. Nhưng thực sự tôi chẳng thấy có thay đổi gì cả… nên rất lãng phí. Hơn nữa các loại sách tham khảo này đều có giá cao hơn nhiều so với sách giáo khoa. Nếu trong gia đình có từ 2-3 con đi học thì quả là một gánh nặng” - chị L. nói.
Nhà trường hiểu nhầm công văn của sở?
Không chỉ phụ huynh mà ngay cả giáo viên, hiệu trưởng các trường cũng bức xúc về việc bị “ép” mua sách tham khảo, nhưng do có “chỉ đạo” của Sở GD&ĐT nên họ phải thực hiện. Theo nhiều giáo viên, thì đa số sách tham khảo không phù hợp với chương trình giảng dạy.
Trong lúc đó, hiệu trưởng các trường tiểu học cũng bức xúc vì không nhận được sự đồng thuận từ các phụ huynh và giáo viên. Thậm chí không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng phải trích lương để mua sách tham khảo cho mình.
Nhiều năm nay đội ngũ giáo viên Quảng Bình buộc phải đặt mua cuốn “Thế giới trong ta”, mỗi tháng một số (15.000 đồng/cuốn). “Nhiều giáo viên phản ứng vì cho rằng tất cả các trường đều được kết nối internet, cần gì đều có trên mạng, tại sao phải lãng phí tiền để mua tài liệu này?
Cuốn “Thế giới trong ta” được xuất bản hàng tháng nhưng có khi số ra từ tháng 4-5 nhưng phải đến tháng 7-8 mới về đến tay giáo viên, biết là bất hợp lý nhưng hàng tháng cũng phải trích lương để trả cho cuốn sách vô bổ này” - một hiệu trưởng nói.
Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình thừa nhận Sở đã có Công văn số 949 về việc hướng dẫn chuẩn bị sách, tài liệu dạy và học năm học 2016-2017, cấp tiểu học, gửi Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố.
Trong công văn hướng dẫn có mục chưa cụ thể nên đã gây hiểu nhầm, làm cho các trường tiểu học ồ ạt đăng ký mua sách, tài liệu tham khảo. Sở sẽ có hướng xử lý kịp thời vấn đề này để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho phụ huynh và học sinh trong năm học mới 2016-2017.
Không chỉ đối với cấp Tiểu học, ngày 30/3/2016, Sở GD&ĐT cũng đã ký Công văn số 517/SGDĐT-GDMN về việc hướng dẫn sử dụng học liệu GDMN năm học 2016-2017, gửi Trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu chỉ đạo các trường mầm non thực hiện nghiêm túc những nội dung của công văn, đính kèm “Danh mục tài liệu năm học 2016-2017” với trên 100 đầu sách, tài liệu, đĩa DVD, đồ chơi… cùng yêu cầu các đơn vị gửi bản tập hợp nhu cầu sử dụng tài liệu năm học 2016-2017 về Sở trước ngày 10/5/2016. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn