Đấu thầu biển xe đẹp đem lại nguồn thu lớn
Ngày 15/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Cho ý kiến về dự luật, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội đưa ra một số tài sản được cho là “rất lắm tiền” nhưng chưa được phân tích cụ thể trong dự luật.
“Phần mềm liệu có phải là tài sản hay không? Cái này cũng phải tổ chức đầu thầu, mua bán, nâng cấp hàng năm rất lắm tiền. Rồi biển số xe – biển đẹp liệu có phải là tài sản hay không? Cái này rất nhiều tiền cũng cần quản lý, khai thác”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy trong xu thế phát triển của kinh tế tri thức thì “tài sản mềm” ngày càng lớn, do vậy nếu chỉ quản lý “phần cứng” như hiện nay là chưa đủ.
“Tôi không rõ vấn đề này đã thể hiện ở các Luật khác chưa, nhưng nếu chỉ quản lý tài sản cứng thì chưa thể hiện hết. Ví như nghiên cứu khoa học phát triển ngày càng mạnh thì giá trị nghiên cứu, chuyển giao quản lý thế nào”, ông Túy nêu băn khoăn.
Làm rõ ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, phần mềm là tài sản trí tuệ phải mua bán, đấu thầu. Trong khi đó, biển số xe nếu quản lý, khai thác tốt, đưa ra đấu thầu sẽ đem lại nguồn thu lớn cho nhà nước. Do vậy, theo Bộ trưởng Dũng, nếu như tất cả những vấn đề liên quan đến tài sản công được dự luật để quản lý thì rất tốt, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ, để bổ sung thêm.
Người nào đi xe đó để đảm bảo công bằng
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đánh giá việc quản lý tài sản công trong những năm qua có những mặt rất tốt, vì vậy mới có cán bộ trả nhà, trả xe sớm trước khi về hưu. Nhưng theo ông Việt cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến tài sản công chưa làm được tốt, vì vậy mới dẫn đến việc thất thoát, lãng phí lớn trên nhiều phương diện.
“Quốc hội nói nhiều đến chuyện trụ sở, công sở, rồi xe cộ, tôi cho rằng những vấn đề đó là do mình làm chưa đúng. Không đúng là vì một ông lãnh đạo thì thích đi xe cũ cho đúng quy định, trong khi đó một ông Tổng giám đốc lại đi xe hoành tráng thì rất vô lý, không công bằng. Nói như vậy là để sắp xếp cho đúng, người nào thì đi xe đó để đảm bảo công bằng, lãnh đạo to hơn thì đi xe ngon hơn và kể cả phòng làm việc cũng thế”, ông Võ Trọng Việt phân tích.
Cùng vấn đề trên, ông Phùng Quốc Hiển – Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định nhiều nơi việc vi phạm tiêu chuẩn, định mức rất rõ. Theo ông Hiển, cùng một địa phương, thậm chí các địa phương khác nhau nhưng các trụ sở các diện tích khác nhau, cùng một thủ trưởng nhưng tiêu chuẩn cũng khác nhau.
“Như anh Việt nói có lãnh đạo cao cấp nhưng đi ô tô giá trị thấp hơn rất nhiều với cấp dưới, thậm chí ở doanh nghiệp toàn xe có giá trị cao. Vậy câu chuyện đó là thế nào? Vấn đề tiêu chuẩn định mức này phải rất chặt chẽ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Dù đã có nhiều chính sách, nhưng theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, vấn đề quản lý tài sản công vẫn chưa hiệu quả, điều đó thể hiện rõ qua việc quản lý nhà công, xe công. “Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?”, bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị báo cáo của Chính phủ nên tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các Bộ, ngành, cơ quan sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp dẫn báo cáo về sử dụng xe công tính tới tháng 7/2016: khối cơ quan nhà nước đang sử dụng hơn 16.653 chiếc; khối đơn vị sự nghiệp quản lý hơn hơn 16.194 chiếc; khối các tổ chức quản lý sử dụng 4.566 chiếc; khối các BQL sử dụng 224 chiếc… Báo cáo này cũng cho biết, tình hình quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng xe quá niên hạn. Theo bà Nga, dự Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được tình trạng sử dụng xe công sai mục đích.
Chán trụ sở tập trung
Tại hội trường, ông Võ Trọng Việt lo ngại dự luật này sẽ xung đột với những cụ thể khác. Dẫn ví dụ cụ thể như trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, trong trường hợp không sử dụng được, các cơ quan hoạt động trong này phải chuyển đi nơi khác thì sao? Vấn đề đó theo đại biểu liên quan trực tiếp đến Luật Xây dựng, vì nếu trung tâm hành chính không sử dụng được là vì ban đầu xây dựng không đúng.
Cùng vấn đề trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội nêu ra thực trạng ở các tỉnh dù đã có trụ sở hành chính đẹp, đang dùng tốt nhưng lại đua nhau chuyển sang mô hình hành chính tập trung tất cả vào một chỗ. Thế nhưng sau một thời gian lại có hiện tượng chán trụ sở “hội tụ” này.
“Sau một thời gian họ thấy chán lại tản ra rồi, ví dụ như Đà Nẵng giờ đang chán rồi. Bất luận lấy tiền ở đâu đều của nhà nước cả, rất tốn kém. Tôi cho cái này phải quy định cụ thể, chứ để việc hôm nay ông dàn trải ra, ngày mai lại co vào, ngày hôm sau nữa lại dàn trải ra là không được. Tài sản công cần phải quy định chặt chẽ để tránh trường hợp lãng phí ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến.
Quang Phong
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn