Ô nhiễm đã được giải quyết?
Tháng 5/2015, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã về khám bệnh cho dân làng tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Hồi đó, Viện Sức khỏe công bố con số gần 70% trẻ em ở Đông Mai nhiễm độc chì khiến dư luận sửng sốt.
Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì máu của Viện cho 618 người, (283 người lớn và 335 trẻ em). Trong đó có tới 207 (chiếm 66,7%) trẻ bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ. Đối với người lớn, thì có tới 99,1% người lao động có nồng độ chì máu vượt mức cho phép.
Nghề tái chế chì ở Đông Mai. Ảnh: TL
Chúng tôi trở lại làng Đông Mai, không còn các cơ sở tái chế trong khu dân cư như một vài năm trước đây. Xưởng tái chế chì đã được di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai cách khu dân cư vài km.
Tuy nhiên, kể từ ngày đó đến nay để loại trừ chì ra khỏi môi trường sinh sống hàng ngày của người dân hiện nay chưa có một đánh giá cụ thể nào.
Rác, xác chết động vật bao vây người dân Đông Mai. Ảnh: HP
Không còn mùi a xít, không còn những cột khói len lỏi trong khu nhà dân, nhưng đất đai làng Đông Mai vẫn một màu đen thẫm.
Trước mặt nhà văn hóa Đông Mai là một hồ nước lớn. Điều đáng nói là nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác, xác động vật chết dạt về một góc hồ. Ở vị trí khác, người dân vẫn vô tư rửa rau, giặt quần áo.
Người dân sử dụng nguồn nước đen kịp này để rửa rau. Ảnh:HP
Ông Đinh Bá Thúc 65 tuổi ở Đông Mai cho biết: “Nước hồ màu đen không biết có phải do trước đây chì ngấm xuống đất hay không nhưng không ít ống xả vệ sinh của một số gia đình gần đây xả thẳng vào hồ”.
Chủ quan
Ông Thúc cho biết, người làng làm nghề tái chế chì đã vài chục năm trước, có những thời điểm gần 2000 người làng tham gia việc này. “Chẳng có ai đi khám gì cả. Mấy lần có đoàn bác sỹ nghe nói ở bệnh viện Bạch Mai về kiểm tra thì bà con mới đi kiểm tra. Xong đợt đó lại thôi, không ai tự đến bệnh viện để kiểm tra mình hết độc hay chưa. Mọi người vẫn sống, khỏe mạnh, làm việc bình thường”.
Sau khi phát hiện nhiều người làng bị nhiễm độc chì, ông Thúc cho biết có nghe thông tin cơ quan chức năng sẽ tiến hay thau rửa đất đai của làng. “Chỉ nghe nói, nhưng từ ngày ấy đến giờ chưa thấy làm”, ông Thúc nói.
Một cuộc kiểm tra sức khỏe tháng 5/2015 cho thấy gần 70% trẻ em làng Đông Mai bị nhiễm độc chì. Ảnh:HP
Cũng theo ông Thúc, trước đây người dân chủ yếu dùng nước giếng. Bây giờ, người dân Đông Mai đã có nước máy. Tuy nhiên, “nước máy chủ yếu để ăn, còn rửa tắm giặt vẫn dùng nước giếng”, ông Thúc nói.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, 50 tuổi ở Đông Mai cho biết: “Hồi đó, khi y tế trung ương về làng, các cháu nhà tôi đều được kiểm tra. Kết quả cả mấy đứa đều bị nhiễm độc chì. Họ đã phát thuốc uống trong 2 tháng. Sau đó có một lần kiểm tra lại. Độ nhiễm độc đã giảm. Từ đó, gia đình tôi cũng chưa cho các cháu đi kiểm tra sức khỏe thêm lần nào nữa”.
Bà Hạnh cho biết, trước đây các con trai của bà đều tham gia làm trong các cở sở tái chế chì. Sau lần công bố nhiễm độc chì của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, các con của bà đều bỏ nghề này để đi làm công nhân.
Bà Hạnh cho biết, các cháu của bà cũng bị nhiễm độc từ kết luận của đoàn kiểm tra và được cấp miễn phí thuốc giải độc. Từ đó, cũng chưa một lần gia đình cho các cháu đi kiểm tra lại. Ảnh:HP
Hiện nay, nguồn tiền chính của người Đông Mai vẫn từ nghề tái chế chì từ ắc quy cũ. Ông Thúc nhẩm tính có vài trăm người kiếm sống bằng nghề này. Công việc tái chế chì tuy không còn diễn ra ngay trong khu dân cư, nhưng với việc một thời gian dài trước đây, người làng phá dỡ bình ắc quy đã xả thải ra môi trường một lượng lớn a xít ngấm vào lòng đất và nước ngầm qua nhiều năm.
Đặc biệt, hoạt động nấu các lá chì cũ để tái chế đã phát thải khói bụi độc hại làm ô nhiễm nặng nguồn không khí, đất và nước ngầm của cả thôn
Chúng tôi rời làng Đông Mai, cụ bà Nguyễn Thị Hiền vô tư bảo: “Tôi năm nay đã 80 tuổi, vẫn khỏe mạnh đây. Có làm sao đâu. Vả lại, bây giờ người ta gom lại thành một khu tập trung cách xa làng rồi. Yên tâm rồi. Không vấn đề gì nữa đâu”.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn