Là Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Cự nhận thấy "tỉnh nào cũng xây nhà máy bia, cảng biển, sân bay... thì rất lãng phí nguồn lực”. Ông đề nghị, dự án Luật quy hoạch khi ra đời phải loại bỏ được tư duy nhiệm kỳ tồn tại bấy lâu nay.
"Quy hoạch không nên có nhiệm kỳ. Quy hoạch mà cứ 3 năm bổ sung, 5 năm điều chỉnh thì không được. Muốn luật này đi vào cuộc sống thì người dân, xã hội phải biết, chứ hỏi quy hoạch mà lục tủ mấy ngày mới tìm thấy là... gay go”, ông Cự nói.
Theo ông Võ Kim Cự, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, dự án Luật Quy hoạch phải đặt mục tiêu bỏ tư duy nhiệm kỳ tồn tại lâu nay.
Dẫn ví dụ về chuyện quy hoạch mạnh ai nấy làm lâu nay khi “cứ đào lên lại lấp xuống, anh nọ chèn anh kia”, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng đáng lý dự án luật này phải làm từ lâu.
“Tôi nói một ví dụ, nơi đặt các cơ quan hành chính của ta đã được lựa chọn từ lâu rồi vậy mà nay nhiều chỗ bán đi, dời đi nơi khác, nhường cho các đại gia làm dự án này nọ, rất đau lòng…”, ông Lợi bức xúc.
Với hy vọng nâng cao giá trị pháp lý cho công tác quy hoạch, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, dự án luật cần đề cập rõ trách nhiệm của Nhà nước trong quy hoạch, bởi đây là công cụ quản lý của nhà nước, chứ không thể nói là xã hội hóa quy hoạch.
Ông đề xuất, dự án Luật Quy hoạch lần này cần quy định rõ hơn phản biện xã hội đối với quy hoạch lớn cấp vùng, cấp quốc gia; lấy ý kiến người dân trong những quy hoạch có liên quan trực tiếp, quy hoạch cấp phường – xã; cũng như quy định rõ vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân…
“Việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho công tác quy hoạch cũng là vấn đề rất quan trọng. Thực tế cho thấy nếu thông tin, dữ liệu không đúng, số liệu ảo thì quy hoạch không thể chính xác được”, ông Thành nêu quan điểm.
Lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định dự án Luật Quy hoạch được xây dựng trên nguyên tắc "chấm dứt tình trạng tuỳ tiện trong quy hoạch".
Ông thừa nhận, trong số hơn 18.000 quy hoạch hiện nay, số bản quy hoạch có chất lương xứng "đồng tiền bát gạo" bỏ ra đếm trên đầu ngón tay. "Quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước", ông Đông nói.
Ông nhận thấy công tác quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến thiếu sự gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện.
Các bản quy hoạch hiện nay rất dễ bị chỉnh sửa, dẫn tới tính hiệu lực kém, dễ xin cho. "Ví dụ có khu vực đô thị quy hoạch khu vực thấp tầng, nhưng nhờ quan hệ nào đó mà người ta có thể sửa quy hoạch, cho xây cao tầng, bất chấp hệ lụy về cơ sở hạ tầng, xã hội xung quanh", vị Thứ trưởng ngành kế hoạch dẫn ví dụ.
Theo ông, quan điểm xây dựng luật lần này là để hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể...
Dự án Luật quy hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo gồm 6 chương, 68 điều với mục tiêu điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước được thống nhất từ Trung ương tới địa phương; … Dự án luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 10 tới. |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn